Tìm về món mì trứ danh đất Sài Gòn – Chợ Lớn

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 26/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Ở TP.HCM, đặc biệt tại khu Chợ Lớn, một trong những món ăn tiêu biểu chính là món mì. Dân Chợ Lớn có thể ăn mì cả 3 bữa sáng, trưa, chiều trong ngày. Y như dân Hà Nội ăn phở, dân Sài Gòn ăn bánh mì hay dân Long Xuyên ăn cơm tấm vậy.
Bình luận 0

Giờ điểm danh thì có nhiều tiệm mì nổi tiếng, mỗi quán lại có tuyệt chiêu riêng. Quán ngon vì nước dùng, quán thành danh nhờ sợi mì đặc biệt, có quán tuy gọi quán mì nhưng người vào lại chủ yếu ăn sủi cảo. 

Nhưng trong hồi ức của những người dân cố cựu Sài Gòn, hoặc những Việt kiều xa Sài Gòn lâu năm, một trong những thương hiệu mì nổi tiếng nhất, đấy phải là "mì La-cai" nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5).

Tìm về món mì trứ danh đất Sài Gòn – Chợ Lớn - Ảnh 1.

Tô mỳ vịt tiềm chuẩn bị ra bàn. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Đầu tiên, phải kể về cái tên, một số người cho rằng đã bán mì kiểu người Hoa, lại nằm trong khu Chợ Lớn, ắt hẳn tên gọi "La-cai" phải bắt nguồn từ tiếng Hoa, nhưng cụ thể là tiếng Quảng, tiếng Phúc Kiến, hay tiếng Tiều... thì chưa rõ. Nhưng những người đó đều "bé cái lầm", bởi "La-cai" lại là từ tiếng Tây. Những cụ cao niên từng sống ở Sài Gòn trước khi Tây về nước có thể giải thích được chuyện này.

Ông Minh Kỳ (88 tuổi) cho biết: Vào thời Pháp, dĩ nhiên đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều được đặt theo tiếng Pháp. Chẳng hạn như Bonard nay là Lê Lợi, Charner nay là Nguyễn Huệ,Taberd là Lý Tự Trọng... Hoặc Mac Mahon, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, được người thời đó thường gọi trại đi thành "mặt má hồng" vì đấy là nơi hành nghề của giới buôn hương bán phấn.

Có những nơi dù đã đổi tên, nhưng tên gọi vẫn còn trong lời ăn tiếng nói hàng ngày như khu vực chợ "Năng-xi" (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5) vẫn được gọi theo tiếng Pháp vì đường Nguyễn Văn Cừ xưa là đường Nancy. Và cái tên "La-cai" là gọi theo tên tiếng Pháp "Lacaze" của đường Nguyễn Tri Phương thời xưa.

Tìm về món mì trứ danh đất Sài Gòn – Chợ Lớn - Ảnh 2.

Mẫu rao vặt của Hải Ký mỳ gia từ trước 1975, trong đó nói rõ mỳ ở đường Lacaze (cũ)

Vậy từ đó có thể cho rằng, thương hiệu mì La-cai có thể nằm ở khu vực đường Nguyễn Tri Phương. Nhưng trên con đường Nguyễn Tri Phương hiện tại, có không ít tiệm mì, nhưng không hề thấy đâu là mì La-cai. Chưa kể, ngày nay đường Nguyễn Tri Phương lại nổi tiếng về chè Thái, trà sữa, sầu riêng... chứ không phải nhờ tiệm mì.

Vậy đâu mới là tiệm mì La-cai nức tiếng? Lần giở các tư liệu cũ, rất may gặp được thông tin về tiệm mì La-cai trong mục... rao vặt. Theo thông tin đấy, tiệm mì có tên chính thức là "Hải ký mì gia", do một ông người Hoa ở Hải Phòng di cư vào Sài Gòn kinh doanh. Cái tên "Hải ký" rất có thể để gợi nhớ về nguồn gốc Hải Phòng. 

Cũng theo mục quảng cáo, cửa hàng này đã có tiếng ở Bắc Việt từ lâu lắm rồi. Theo đó, bổn tiệm có những món như: mì vịt, sủi cảo, mằn thắn, mì xào... Riêng cách gọi "mằn thắn" hay "vằn thắn", chắc chắn xuất xứ từ miền Bắc, bởi dân Sài Gòn đều gọi món đấy bằng cái tên "hoành thánh".

Từ đấy, có thể tóm tắt thế này. Ông người Hoa ở Hải Phòng vào Sài Gòn mở tiệm mì, lấy tên "Hải Ký mì gia". Tiệm mì nằm ở đường "Lacaze", nên dân Sài Gòn quen gọi bằng "La-cai". Đã ra tên La-cai, vậy bước tiếp theo là tìm xem Hải Ký mì gia nay đang ở đâu. Sau một hồi lùng sục, cũng ra ngay một tiệm Hải Ký mì gia ở địa chỉ 349-351 Nguyễn Trãi (phường 7, quận 5).

Tìm về món mì trứ danh đất Sài Gòn – Chợ Lớn - Ảnh 3.

Tiệm Hải Ký mỳ gia

Anh Hào, truyền nhân của cửa tiệm cho biết: Ông ngoại có tiệm bán mì vịt tiềm Hải Ký rất nổi tiếng ở đường Nguyễn Tri Phương. Mì La-cai nổi tiếng bởi món tủ "Mì vịt tiềm". Theo lời ông ngoại anh thì người đàn ông đầu tiên bán mì vịt ở Sài Gòn là một người Hoa đến từ Hải Phòng, còn ông ngoại bán sau người đàn ông này.

Vậy là đúng rồi, các thông tin như vịt tiềm, La-cai, Hải Phòng, Hải ký mì gia... đều khớp với nhau. Và anh Hào còn chia sẻ them, mặc dù món mì vịt tiềm là của người Hoa, nhưng bên Tàu lại không có món này. Món ăn mì vịt tiềm do người Hoa ở Việt Nam sáng tạo ra.

Tìm về món mì trứ danh đất Sài Gòn – Chợ Lớn - Ảnh 4.

Quang cảnh những tiệm sát nhau trên đường Lacaze xưa

Ái chà, vậy ra lại là một món ăn kết tinh của tinh hoa ẩm thực Hoa – Việt.

Tìm đến đây, cũng nhận được những phản hồi tích cực. Cô Tú Anh (Bình Thạnh) cho biết: "Ấn tượng ban đầu là nguyên cả một cái đùi to trên bát mì trông rất ngon mắt, khi cắn vào thớ thịt, vị thịt đậm đà đến tận sát xương, nước dùng tinh tế đậm chất Trung Hoa". Còn anh Đình Tú (quận 10), sau khi dùng thử, cho ra nhận xét ngắn gọn đơn giản: "Ngon".

Còn với những Việt kiều xa quê đã lâu, khi nghe thấy đã tìm được mì La-cai xưa, đều rất hồ hởi. Ông Sỹ Nghiệp (Việt kiều Úc) chia sẻ: "Hồi còn ở Việt Nam, mì La-cai nằm trên đường Nguyễn Tri Phương. Sau này dời qua Nguyễn Trãi mà đâu có biết. Tôi về Việt Nam chơi, đi tìm hoài mà không thấy. Nay đã mở đường bay quốc tế, sắp tới tôi về sẽ tìm đến ăn cho đã cơn thèm mấy chục năm".

Ông Thăng Hui (Việt kiều Mỹ): "Sắp tới về Việt Nam, tôi sẽ ghé ăn. Món Hoa giờ có mặt khắp thế giới, mà chỉ có về Việt Nam ăn mới đã".

Còn điều đáng tiếc, có lẽ là món này lại chưa được phổ biến ra nhiều địa phương khác như bánh mì Sài Gòn, phở Hà Nội hay bún bò Huế. Thôi, chưa phổ biến cũng được, để người ta còn có thêm một điều để thương Sài Gòn, bởi ở Sài Gòn ăn mì vịt tiềm mới ngon.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem