Thưởng Tết năm 2022: Dự báo bức tranh với nhiều gam màu tối

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 21/11/2021 15:00 PM (GMT+7)
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất, kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, doanh nghiệp cũng phải tính phương án thưởng Tết cho lao động khi chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là tới Tết nguyên đán.
Bình luận 0

Số doanh nghiệp "trống" thưởng Tết năm 2022 sẽ tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong tháng 9/2021 cả nước có tới hơn 5.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Số doanh nghiệp mới ra nhập thị trường cũng thấp nhất so với thời điểm các năm trước đó. Điều này báo hiệu sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trước thực trạng trên nhiều chuyên gia lao động cho rằng, bức tranh lương thưởng Tết năm 2020 sẽ có nhiều gam màu tối, ảm đạm.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng năm khả năng lao động ở nhiều ngành nghề sẽ bị "trống" thưởng Tết.

Bà Hương nhận định: "Nhiều khả năng chỉ một số nhóm ngành phát triển như: Công nghệ thông tin; ngân hàng, thương mại điện tử có mức thưởng Tết khả quan tức là bằng hoặc cao hơn thưởng Tết năm 2021, số còn lại sẽ không có thưởng Tết hoặc có chỉ là thưởng bằng hiện vật, hoặc tinh thần".

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng mức thưởng Tết năm 2022 chỉ dao động trong khoảng 1 tháng lương. Với các doanh nghiệp khó khăn, nhiều khả năng không có thưởng, hoặc chỉ thưởng bằng hiện vật. Khả năng không có thưởng Tết cao đột biến.

Nhiều doanh nghiệp Dệt may cho biết khả năng năm nay sẽ chỉ thưởng Tết bằng hiện vật. Ảnh: minh họa - N.T  (Công ty May 10)

Nhiều doanh nghiệp Dệt may cho biết khả năng năm nay sẽ chỉ thưởng Tết bằng hiện vật. Ảnh: minh họa - N.T (Công ty May 10)

Về phía các doanh nghiệp, ông Mai Xuân Dương - Phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam thì cho rằng khó có thể dự báo cụ thể mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong khối ngành dệt may vào thời điểm này bởi vì y các doanh nghiệp đang lo tập trung sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Việc thưởng Tết tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021.

"Doanh nghiệp luôn ý thức được người lao động tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, nhưng 2 năm nay dịch covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Một số doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ không đủ sức chống chọi thì phá sản. Số DN lớn thì đã dùng hết cả vốn tích lũy để trả lương ngừng việc cho lao động trong thời gian giãn cách. Vì thế quỹ tiền lương, quỹ thưởng Tết sẽ cạn kiệt hoặc không còn bao nhiêu", ông Dương phân tích.

Chính bởi vậy, theo ông Dương, khả năng các doanh nghiệp cũng chỉ "thưởng cho có" rất cao. Dù vậy, ông Dương cho rằng, người lao động cùng doanh nghiệp cũng nên thương thảo, đàm phán để tìm được tiếng nói chung. "Đặc biệt, người lao động, nên thấu hiểu thông cảm với doanh nghiệp trong giai đoạn đầy khó khăn này", ông Dương nói.

Trong khi đó, đại diện một  doanh nghiệp dệt may ở TP. HCM cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều khả năng năm nay, có thể mức thưởng Tết chỉ là tượng trưng gồm một tháng lương cơ bản hoặc phần quà. Vị này cho biết, trong năm 2021, thưởng tết của doanh nghiệp dao động trong khoảng 5 - 50 triệu đồng/một nhân viên, tùy thâm niên và vị trí công tác.

Trước đó, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả nước có 63.000 doanh nghiệp báo cáo về lương, thưởng Tết. Với Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân 2,3 triệu đồng/người, thưởng cao nhất 990 triệu đồng tại một doanh nghiệp tài chính ở TPHCM; tết Nguyên đán mức thưởng bình quân 6,3 triệu đồng/người (tương đương 1 tháng lương, giảm 5% so với năm 2020).

Không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng khá đồng tình với nhận định của các chuyên gia ở trên. Ông Quảng cho biết, dù Luật Lao động không quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho lao động nhưng từ lâu người Việt đã có văn hóa thưởng Tết.

"Sau một năm đi làm vất vả, người lao động bao giờ cũng mong muốn có một khoản thưởng Tết. Dù ít, dù nhiều thì khoản tiền đó có thể là cách để động viên lao động, giúp họ vui vẻ khi Tết đến xuân về”, ông Quảng cho hay.

Theo Bộ Luật Lao động năm 2019, thưởng được hiểu là khoản thưởng bằng tiền mặt, tài sản, hiện vật hoặc bằng các hình thức khác mà doanh nghiệp thưởng cho lao động khi người lao động đó hoàn thành công việc, và doanh nghiệp đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển (tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, sáng kiến…). 

thưởng tết năm 2022

Luật không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động. Ảnh: N.I.T

Điều 103 Bộ luật lao động cũng quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Cũng có những trường hợp, tiền thưởng của người lao động sẽ được thỏa thuận ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động của hai bên.

"Tuy Luật không quy định doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động nhưng tiền thưởng là cách để doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường", ông Quảng Nói.

Cũng theo ông Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Liên đoàn sẽ chi 2.400 tỷ đồng chăm lo Tết cho 8 triệu người lao động (mức 300.000 đồng/người).

Các hoạt động tổ chức chăm lo tết, gồm tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc tết đoàn viên lao động, nhất là người trong khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế…

Theo kế hoạch, người lao động còn được công đoàn các cấp hỗ trợ tổ chức phương tiện đưa đón hoặc toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để về quê ăn tết và quay trở lại nơi làm việc đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Với công nhân lao động không về quê, chương trình trực tuyến "Tết không xa nhà" hoặc tương tự sẽ được tổ chức.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem