Tháng chạp về đêm tĩnh lặng quá, vòm trời đen mượt tựa nhung tơ sà xuống trong tầm tay, bầu trời đầy sao, đốm nào cũng to và sáng, khiến người ta mường tượng đến những giọt sương đọng lại trên lá cây đêm giao thừa cũng mang lại cảm giác mát rượi như thế.
Tôi đi qua con đê ven sông, gió se se lạnh tấp vào da thịt rát buốt, bóng đèn đường vàng vọt leo lét đằng xa cô đơn như lão bán hàng rong thất thểu trên hè phố, ký ức chợt gợi nhắc đến con đê lác đác cỏ may ngày nào cũng in dấu bước chân tôi cùng quang gánh của mẹ. Bờ vai mẹ nhỏ nhắn, cái bóng dài dài cong cong nhấp nhô theo sức nặng của đòn gánh mà trĩu xuống, còn tôi lẽo đẽo theo đằng sau, cố gắng sải những bước chân thật dài để đặt vào dấu chân mẹ để lại trên cát, núp mình trong cái bóng mẹ bỏ ở đằng sau.
![]() |
Bên cạnh quýt, xoài, chuối, táo..., người miền Bắc thường chọn bưởi có màu xanh hoặc vàng, lớp vỏ bên ngoài mịn, tròn xoe để chưng Tết, cuống nhiều lá càng thêm đẹp, mang hiy vọng về năm mới an khang, tài lộc. Ảnh: TL |
Hai mươi bảy Tết nào mẹ cũng vào vườn cắt bưởi, cây bưởi đào già cỗi mà trĩu quả, quả nào quả nấy to tròn, căng mọng, vàng óng. Mỗi lần cắt xong mẹ lại còm cõi quảy đi luồn lách qua từng ngôi nhà, con ngõ nhỏ bán cho người ta bày cúng Tết. Những ngày đó tôi thường ngồi bên mẹ, mắt tròn xoe thích thú ngắm mai vàng đào đỏ, những con tò he lấp lánh sắc màu.
Chợ phiên ngày này đông vui nhộn nhịp, từng cái chong chóng xanh, đỏ, tím, vàng xoay tròn no gió, đường phố ồn ào tấp nập nguời lại qua. Người mua mớ lá dong, nắm đỗ xanh hay gói lạt, người xin ông đồ già nua ngồi xếp bằng một góc viết cho vài câu may mắn. Bóng lưng ông đồ thẳng tắp, bàn tay khéo léo uốn lượn "phượng múa rồng bay" thoáng chốc những nét mực đen tuyền đã nằm im lìm trên khung giấy đỏ. Có sự hấp dẫn mê hoặc rất lớn làm tôi nhìn bàn tay ông đồ già không rời mắt, trong đầu mường tượng ra vài nhà ảo thuật gia từng dùng khăn tay biến thành mấy con chim bồ câu làm đám trẻ ngẩn ngơ. Nhưng những ảo thuật gia ấy năm thỉnh mười thoảng mới về quê nghèo biểu diễn vài ngày khi dân làng mới thu xong mùa vụ. Đám trẻ con lại được dịp tò mò, mong ngóng, chờ đợi và rồi in dấu mãi không quên.
Trời hửng sáng cũng là lúc tôi buồn ngủ díp mắt. Ông mặt trời đỏ rực chẳng mấy mà sắp nhô cao, ánh hào quang màu tím nhạt ửng khắp vòm trời đằng xa, sao trên cao sớm đã khuất khỏi tầm mắt, một màu trắng phớt lộ ra trên nền trời xanh xám cuộn mình lại thành từng lớp sương mỏng manh.
Tôi rời con đê đi vào ngõ chợ, không khí Tết tràn ngập khắp muôn nơi, tiếng mời chào, tiếng chen chúc, tiếng còi xe vội vàng chen qua kẽ hở lao đi vun vút. Kẻ đến nguời đi ai ai cũng vội vàng hối hả. Đằng xa kia bày bán đủ loại tranh vẽ tranh in lấp lánh sắc màu được lớp thủy tinh bao bọc kín mít. Từng gian bánh tét, bánh chưng gói sẵn bày duới nắng bụi mờ mờ, đào mai bách hợp... uể oải khoe mình trong nắng sớm. Lòng chợt trăm mối ngổn ngang nhớ về những ngày xưa cũ, nhớ mỗi chiều hai bảy khi gánh hàng đã trống trơn mẹ hay dắt tay tôi đi mua quần áo mới. Có cái xe dream của gã nhà giàu nào đó vọt qua, mẹ luống cuống vội ôm tôi vào lòng. Mùi mồ hôi mẹ ngai ngái nồng nồng quẩn quanh nơi chóp mũi.
Nhớ những ngày nhỏ dại, mỗi lần mẹ gói bánh chưng, tôi ngồi bên bập bẹ đếm lá, rồi lấy cọng lá trơn trơn mát mát khều vào tóc mẹ cười hinh hích. Đêm đến bên bếp lửa bập bùng, tiếng nước sôi sùng sục, hương bánh theo khói bếp lan tỏa vào không gian, bếp lửa ấm nồng xua tan cái lạnh lẽo của những ngày cận đông giáp Tết. Năm đó mưa thuận gió hòa, vụ mùa được thêm chút ít. Bánh chưng mẹ gói nhờ đó có thêm ít thịt, giỏ quần áo của tôi có thêm cái váy hoa, giữa nhà có thêm chậu mai cành đào, giao thừa lại được nghe tiếng pháo nổ giòn rụm vui tai.
![]() |
![]() |
Hai bố con ngồi trông nồi bánh chưng, vừa thêm củi, thêm nước, vừa nướng mấy củ khoai, củ sắn, lại có dịp trò chuyện với nhau. Ảnh: Việt Hùng |
Tối ba mươi, ngoài sân bố sẽ xếp đầy củi nhãn, củi nhãn ngấm lửa nổ tí tách như tiếng ngô rang, mùi khói, mùi lửa quyện vào nhau ngấm vào da, vào tóc. Tới lúc lửa đượm, bố hay vùi củ sắn dài cả gang tay vào trong đống than hồng rực, chờ khi than hồng cháy rụi, lớp vỏ sắn khô cong, cùi sắn ngả vàng bở tơi thơm phức. Bố lấy ít mật vào bát, bôi mật lên khúc sắn tôi vừa ăn vừa nép trong lòng bố, tưởng như thời gian đứng lại.
Đêm xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, chồi non lộc biếc mơn mởn ngỡ ngàng ngắm nhìn vạn vật, cánh cổng nhà theo thời gian đã hoen rỉ ố vàng được bố dùng để treo từng chùm pháo đỏ, mùi xác pháo khét lẹt quyện với mùi rỉ sắt âm ẩm nồng nàn mà bền mãi với thời gian. Tết đi qua, cắp sách đến trường với chúng bạn, từng con chữ nổ giòn tan, nhảy nhót rồi rớt rơi y như xác pháo hồng đêm đó...
Tháng chạp đến, tôi sẽ không phải héo rũ khắc khoải mà ôm nhớ thương ngày cũ nữa. Tôi sẽ bỏ lại mọi lo toan cơm áo hối hả muộn phiền để trở về bên bố mẹ. Ngồi nghe tiếng bánh chưng sôi sùng sục trong gian bếp ấm, nhóm mớ củi nhãn khô cong nơi góc sân nhà. Bình yên nhất là còn có nhà để về. Hạnh phúc nhất là còn được quây quần bên bố mẹ mỗi ngày, không riêng gì Tết.
NGUYỄN THỊ HỒNG
(Krôngbông, Đăklăk)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận