Thứ trưởng Bộ NNPTNT: “Đừng thấy nước khác tăng diện tích trồng thanh long mà lo sợ”

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 29/09/2023 14:41 PM (GMT+7)
3 yếu tố góp phần làm nên lợi thế cạnh tranh của thanh long Việt Nam là khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình. Nếu tận dụng và làm tốt quy trình thì nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng không lo ngại phải cạnh tranh với sản phẩm của nước nào.
Bình luận 0

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT chia sẻ như trên tại Hội nghị Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam do Bộ NNPTNT và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức ngày 29/9, tại TP.HCM.

Thanh long Việt Nam đối diện nhiều thách thức

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ quan điểm này trong bối cảnh ngành hàng thanh long trong nước đang gặp nhiều khó khăn từ sau dịch Covid-19, cũng như yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh – Trưởng phòng Cây ăn quả và Cây công nghiệp (Cục Trồng trọt), trong một thời gian khái dài, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới cả về diện tích và sản lượng thanh long.

Hội nghị Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam do Bộ NNPTNT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam do Bộ NNPTNT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long Trung Quốc tăng thần tốc, từ 3.400ha năm 2011 lên 67.000ha vào năm 2021, sản lượng tăng lên 1,6 triệu tấn. Thanh long Việt Nam rớt xuống hàng thứ 2, cả diện tích và sản lượng.

Năm 2020 là thời điểm phát triển đạt đỉnh của thanh long Việt Nam với tổng diện tích lên đến 65.500ha.

Nhưng sau đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng chính sách zero Covid của Trung Quốc, diện tích thanh long Việt Nam giảm 1.500ha (năm 2021) và giảm tiếp 9.200ha vào (năm 2022) so với diện tích năm 2020.

Theo ông Mạnh, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã thanh long tươi xuất khẩu ngày càng cao.

Giống thanh long chủ lực của Việt Nam là vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng.

Tác động của biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất thiếu bền vững, hệ thống sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến sâu còn hạn chế - đây là những khó khăn nội tại của thanh long trong nước.

Trên thị trường xuất khẩu, Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường khó tính và thị trường mới không cao.

Thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng với thanh long Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng đối với thanh long Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngay cả thị trường mới là Ấn Độ cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ thị trường trong nước. Hiện Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ tăng diện tích trồng thanh long lên 55.000ha trong 5 năm tới

"Dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực cải thiện chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu", ông Mạnh cảnh báo.

Góp phần phát triển thanh long Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, 3 yếu tố góp phần làm nên lợi thế cạnh tranh của thanh long Việt Nam là khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình. Nếu tận dụng và làm tốt quy trình thì nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng không sợ nước nào.

Kinh tế xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững đang là chủ đề được Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành, tổ chức quốc tế rất quan tâm. Chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp giai đoạn 2030-2050 cũng đặt ra vấn đề kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Thanh long là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, tập trung ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số địa phương khác.

Một vùng trồng thanh long ở tỉnh Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một vùng trồng thanh long ở tỉnh Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Thứ trưởng Nam, muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải. Song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm.

Đồng thời, để phát triển bền vững, tính tất yếu của sản xuất thanh long là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết. Dù giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì không hiệu quả, không đem lại giá trị gia tăng.

Theo Đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2025 và 2030, quan điểm của Bộ NNPTNT là chỉ ổn định diện tích thanh long ở khoảng 60.000-65.000ha; sản lượng 1,3-1,5 triệu tấn.

"Ngành nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam trên thế giới", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu.

Các sản thanh long tươi và thanh long chế biến của HTX Hàm Kiệm, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các sản thanh long tươi và thanh long chế biến của HTX Hàm Kiệm, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho chương trình chuyển đổi xanh để phát triển chuỗi thanh long trở thành chuỗi giá trị xanh.

Đây là chương trình hoạt động từ năm 2020 đến nay. Nhiều nhà sản xuất thanh long, HTX đã tiếp nhận và thực thi chương trình sản xuất xanh, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long.

UNDP muốn mở rộng cách sản xuất thanh long xanh bền vững, giảm phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu ở các vùng sản xuất chính. Việc này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Bộ NNPTNT về phát triển bền vững ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2030, và phù hợp với cam kết về cân bằng carbon của Việt Nam vào năm 2050. 

"Quá trình UNDP giúp cho ngành thanh long chuyển sang sản xuất xanh cũng là quá trình giúp cho ngành thanh long Việt tham gia ở chuỗi giá trị cấp toàn cầu", ông Patrick Haverman chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem