![]() |
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nêu ý kiến trong Hội nghị với Thủ tướng sáng nay (9/5). Ảnh: T.L. |
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", diễn ra sáng 9/5, Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có sự hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp và người lao động bằng các quyết sách như Chỉ thị 11, Nghị quyết 42 và Quyết định 15, làm cơ sở ra đời cho nhiều gói hỗ trợ, an sinh xã hội, tài khóa, điện, viễn thông, đặc biệt với ngành ngân hàng.
Toàn hệ thống ngân hàng đã thực hiện “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ, thậm chí hoãn phân chia lợi nhuận, lợi tức để hỗ trợ doanh nghiệp, với tổng số lên tới 600 nghìn tỉ đồng.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, ngành ngân hàng đã rất cố gắng để cấp mới cho 354 nghìn khách hàng, với tổng giá trị lên tới 165 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên nhu cầu về vốn và ngân sách cho doanh nghiệp, an sinh xã hội còn rất lớn.
"Hiện nay có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng rải rác trên toàn quốc, với tổng nguồn vốn 1.400 tỉ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong thời kì Covid- 19. Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và nhân lực cho các quỹ trên, giảm bớt thủ tục bảo lãnh cho vay, chia sẻ với ngành ngân hàng", ông Thân nêu ý kiến.
Theo lãnh đạo Vinasme, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu thu hút các nguồn lực nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn trong dân và trong doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành trái phiếu nhiều hơn liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng, bạc, đá quý.
Ông Nguyễn Văn Thân cũng đề xuất cần ban hành cơ chế thí điểm, có giám sát cho các hoạt động fintech (công nghệ tài chính), trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng để thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng.
Về vấn đề đẩy mạnh giải ngân nhanh vốn đầu tư công 700 nghìn tỉ đồng, Vinasme đề nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia nhiều gói thầu, đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu tỉ lệ vốn đối ứng từ 30-40% xuống còn 10-20%.
Đồng thời, cần cân nhắc giảm thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến hết 2020, miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và toàn bộ thuế môn bài cho hộ kinh doanh hết năm 2020.
Gửi bình luận