Thủ đoạn tinh vi của tội phạm thuê ô tô tự lái đem đi bán, cầm cố

Thứ sáu, ngày 10/11/2023 07:08 AM (GMT+7)
Hiện nay, dịch vụ cho thuê ô tô tự lái đang rất phổ biến. Nhiều đối tượng phạm tội đã lợi dụng thuê xe rồi đem đi thế chấp, cầm cố hoặc bán lấy tiền.
Bình luận 0
Thủ đoạn tinh vi của tội phạm thuê ô tô tự lái đem đi bán, cầm cố - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Diên Phong.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Diên Phương, SN 1982, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Với thủ đoạn đóng giả là người có nhu cầu thuê ô tô tự lái, Nguyễn Diên Phương đã lên mạng xem thông tin, trao đổi, rồi thuê xe. Mỗi chiếc xe được Phương thuê với giá từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/ngày.

Để có thể thuê được nhiều xe, đối tượng đã rất tinh vi khi chuẩn bị giấy tờ và thay đổi địa điểm thuê nhằm tránh bị phát hiện. Khi nhận được xe, đối tượng đã đem đi bán với mức giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Phương khai nhận, do cờ bạc nên cũng vay mượn, sau rồi không có chỗ vay mượn và muốn gỡ gạc, nhưng càng gỡ càng thua, nên nảy sinh ý định đi thuê xe ô tô để “cắm” hoặc bán lấy tiền.

Đầu tiên Nguyễn Diên Phương dùng giấy tờ thật của mình để làm thủ tục thuê xe, nhưng sau không trả lại xe nên không rút lại được giấy tờ thật, đối tượng lên mạng tìm hiểu thông tin về làm giấy tờ giả, rồi dùng giấy tờ giả đem đi thuê xe.

Với thủ đoạn trên, Nguyễn Diên Phương đã thuê 8 xe ô tô, một số đem đi bán, một số đem đi cầm cố tại nhiều địa bàn ở Hà Nội.

“Qua quá trình điều tra xác minh chúng tôi nhận thấy thủ tục thuê xe rất đơn giản, các đối tượng lợi dụng vào đó để mang đi bán, cầm cố. Các chủ cho thuê cần phải nâng cao cảnh giác, cần phải xác minh kỹ thông tin của người đến thuê xe. Và các xe cho thuê thì cần phải lắp các camera hành trình” - đại úy Tạ Thanh Quảng, Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp Công an quận Ba Đình cảnh báo.

Theo thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, xe là tài sản cần phải đăng ký quyền sở hữu khi đó thực hiện thủ tục sang tên chiếc xe đó thì phải có hoạt động ký kết, mua bán chuyển nhượng xe, do đó phải có chữ ký của chủ sở hữu.

“Thông thường các đối tượng thực hiện thuê xe đem đi cầm cố lấy tiền là nhiều. Còn đối với các đối tượng có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ ban đầu có thể thực hiện hành vi tinh vi hơn đó là làm giả giấy đăng ký xe”, luật sư Giang chia sẻ.

Các giao dịch mua bán đối với những đối tượng không phải chủ sở hữu thì không có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. luật sư Giang cho biết thêm.

Trên thực tế, việc cho thuê xe ôtô tự lái là hình thức kinh doanh gặp nhiều rủi ro và đa phần khi bắt giữ được kẻ lừa đảo thì toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã bị tiêu hết. Và khi đó, thiệt hại thuộc về phía người cho thuê và người cầm cố, mua xe.

Vì vậy, mỗi chủ sở hữu khi cho thuê, cho mượn cần phải nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy các đối tượng xấu mà mất mát tài sản.


Hà An (ANTĐ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem