"Thổi giá" máy thở, thiết bị y tế sẽ bị xử lý thế nào?

Đ.Việt - Quốc Hải Thứ sáu, ngày 13/08/2021 08:50 AM (GMT+7)
Các luật sư đã đưa ra quan điểm về thông tin chênh lệch giá máy thở của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh.
Bình luận 0

Chênh lệch giá thiết bị y tế

Bộ Y tế vừa có văn bản số 6546/BYT-TB-CT gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh (Công ty An Sinh) đề nghị làm rõ việc chênh lệch giá máy thở cao gấp đôi so với thực tế.

Theo công văn, Bộ Y tế yêu cầu công ty làm rõ việc "thổi giá" loại máy thở kể trên: giá bán hiện tại công ty cung cấp cho các đơn vị là 455 triệu đồng, nhưng giá kê khai trên Cổng thông tin công khai y tế là 960 triệu đồng.

Công ty "thổi giá" máy thở từ 455 triệu lên 960 triệu đồng sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Y tế. Ảnh: TTXVN

Bộ Y tế đề nghị công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình lý do công bố giá cao đột biến, chênh lệch 210% so với giá bán, gửi Bộ Y tế trước ngày 13/8.

Nếu trước thời gian trên công ty không giải trình, Bộ Y tế sẽ thực hiện tạm dừng tài khoản thông tin công bố giá của công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

"Thổi giá" máy thở, thiết bị y tế sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Số tân dược tạm giữ khoảng 64.800 viên thuốc Liên Hoa Thanh Ôn không có số đăng ký lưu hành, do Trung Quốc sản xuất, được trình bày là có tác dụng giảm sốt, ho, cảm cúm… (Ảnh: Thanh Tàu)

Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ ngày 31/1/2020 đến đầu tháng 8/2021, đơn vị này đã tiếp nhận 236 thông tin phản ánh, tố giác vi phạm trong lĩnh vực giá, sản xuất, mua bán khẩu trang, nước khử khuẩn giả, kém chất lượng qua đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường.

Qua đó, đã kiểm tra 197 vụ; tạm giữ: 11.763.118 khẩu trang các loại, 12.000 khẩu trang bán thành phẩm và 11.499kg găng tay cao su, nhiều dụng cụ, bao bì sản xuất khẩu trang; 10.530 sản phẩm nước rửa tay, xịt kháng khuẩn các loại. Đã xử lý 188 vụ, phạt hành chính với tổng số tiền là gần 3,2 tỷ đồng; tang vật vi phạm được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình, ngày 4/8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 16 phối hợp UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, kiểm tra đối với Công ty TNHH Quốc tế Phùng Anh kinh doanh khẩu trang y tế; bộ xét nghiệm nhanh Covid-19, chụp thở ô xy có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài nhưng chưa chứng minh nguồn gốc nhập khẩu. Đội tạm giữ để làm rõ gồm: 2.280 khẩu trang 3M 1860; 3.325 bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19: Humasis Covid-19 Ag Test và 3.000 chiếc Mask thở oxy.

Tiếp đó, ngày 10/8, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường thành phố) phối hợp với Đội 6, Phòng Kinh tế Công an TP.HCM kiểm tra điểm chứa và kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ số 314/48/16 tỉnh lộ 10, khu phố 14, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân do ông Nguyễn Ngọc Bảo làm chủ.

Tại đây đang trữ 9 thùng thuốc tân dược không rõ tình trạng chất lượng, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Qua kiểm đếm thực tế, số tân dược tạm giữ khoảng 64.800 viên thuốc Liên Hoa Thanh Ôn không có số đăng ký lưu hành, do Trung Quốc sản xuất, được trình bày là có tác dụng giảm sốt, ho, cảm cúm…, được ông Bảo mua trôi nổi tại thị trường trong nước, không rõ họ tên đầy đủ và địa chỉ của người bán.

Toàn bộ số hàng hóa trên được ông Bảo mua về để kinh doanh kiếm lời, chưa bán được sản phẩm thì bị kiểm tra và tạm giữ toàn bộ hàng hóa. Tổng sản phẩm, số hàng hóa vi phạm có trị giá gần 200 triệu đồng.

"Thổi giá" máy thở, thiết bị y tế sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Thuốc tân dược không có số đăng ký lưu hành, do Trung Quốc sản xuất được mua trôi nổi trên thị trường (Ảnh: Thanh Tàu)

Có thể liên quan đến hình sự

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc biệt, có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo an ninh y tế, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. 

Vào những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc quản lý các loại hàng hóa đặc thù này càng phải chặt chẽ hơn.

Nếu có việc Công ty An Sinh tăng giá thiết bị y tế cao gấp 210% từ 455 triệu đồng lên 960 triệu đồng có thể sẽ làm cho chi phí đầu vào của các đơn vị khám chữa bệnh khi nhập các thiết bị này tăng lên. Điều này có nguy cơ sẽ kéo theo giá  của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở này tăng theo.

Theo luật sư Hòe, đơn vị tăng giá không đúng quy định có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử phạt theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Khoản 4 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP Phạt có mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Còn theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP thì hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội),  cơ quan chức năng cần làm rõ việc báo giá của Công ty An Sinh có nhầm lẫn gì không. 

Trường hợp với hàng hóa nhà nước quản lý về giá, giá bán có báo cáo với cơ quan chức năng nhưng lại bán với giá cao hơn giá thông báo với cơ quan chức năng, khi đó doanh nghiệp mới được xác định là có sai phạm.

Báo giá thiết bị y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế chỉ có ý nghĩa về thông tin giá cả thị trường để các cơ sở y tế công lập mua sắm thiết bị y tế có thể tham khảo.

Còn đối với các giao dịch cụ thể trong mua sắm máy móc thiết bị y tế phải căn cứ quy định vào Luật Đấu thầu theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu và giá cả sẽ được tham khảo, kiểm tra xác minh và lựa chọn đơn vị nào bán giá cả hợp lý nhất.

Trong khi đó, luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh: Pháp luật cần mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid 19 để trục lợi bán các thiết bị y tế với giá cao nhằm thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật và đồng thời răn đe những đối tượng khác không dám vi phạm.

Đối với người dân thì không nên quá lo lắng vội mua các thiết bị y tế quảng cáo ở trên mạng xã hội sẽ dễ bị mua nhằm hàng nhái, hàng giả hoặc hàng kém chất lượng thì sẽ không thể chữa được bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Về mức xử phạt với các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, thu gom hàng hóa, hoặc tạo ra sự biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh, sau đó bán giá cao để thu lợi bất chính.

Theo luật sư Lê Bá Thường thì mức xử phạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là thu hồi tang vật vi phạm quy định và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối.

Đồng thời, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền thu được bất hợp pháp do thực hiện phạm tội mà có (Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, do lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội thì hành vi này sẽ là tình tiết tăng nặng tội danh trách nhiệm hình sự (Điểm l Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015).

"Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm", LS Lê Bá Thường thông tin.

Bị tố nâng giá máy thở lên gấp đôi, Công ty CP Đầu tư và phát triển y tế An Sinh nói gì?

Liên quan đến vụ việc nâng giá mày thở lên gấp đôi, theo giải trình của Công ty CP Đầu tư và phát triển y tế An Sinh, xuất phát thông tin từ tài khoản mạng xã hội có tên "Nguyễn Hồng Lam" về việc: Máy thở chức năng cao (Model MV2000 EVO5, Hãng sản xuất: Mekics, Hàn Quốc) do Công ty nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam có sự không thống nhất về giá kê khai và giá chào cho các đối tác.

Theo giải thích của DN này, cùng một model máy thở MV2000 EVO5, nhưng cấu hình (phần mềm, phần cứng) rất rất khác nhau theo giá bán và giá công khai trên trang của với Bộ Y tế. Cụ thể là trên trang công khai có cấu hình hiện đại hơn: Mode thở cao tần HFOV, bộ đo khí mê EtCO2, cảm biến SpO2, máy nén khí rời.

"Chúng tôi đã gửi văn bản báo cáo với Bộ Y Tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ động cơ của người phát tán tin này", giải trình của Công ty CP Đầu tư và phát triển y tế An Sinh, cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem