Thị trường khách sạn TP.HCM hồi sinh trong quý 1

Linh San Thứ ba, ngày 05/04/2022 11:26 AM (GMT+7)
Sau 3 năm "đóng băng" vì đại dịch Covid-19, thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng tại TP.HCM đang kỳ vọng được khôi phục với đà tăng của công suất, tỷ lệ lấp đầy.
Bình luận 0

Đón khách du lịch, công suất khách sạn tăng

3 tháng đầu năm, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế tại TP.HCM được khôi phục đã kéo theo sự hồi sinh của thị trường khách sạn sau thời gian dài "tối đèn" vì dịch bệnh.

Trước đó, vào thời điểm dịch bệnh, hàng loạt khách sạn 3-5 sao ở TP.HCM im lìm vì thiếu vắng khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Khi đó, tổng giám đốc một khách sạn 5 sao tại TP.HCM thừa nhận tỷ lệ lấp đầy khoảng 15% là con số khó đạt được.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, việc mở cửa đón khách quốc tế cùng các giải pháp thúc đẩy du lịch ngắn và trung hạn của TP.HCM đã khiến công suất phòng khách sạn có dấu hiệu hồi phục.

Thị trường khách sạn TP.HCM hồi sinh trong quý 1 - Ảnh 1.

Công suất phòng khách sạn trong quý 1 trên địa bàn TP.HCM đạt 35,6%. Ảnh: L.S

Mới đây, Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết công suất phòng khách sạn trong quý 1 trên địa bàn TP.HCM đã đạt 35,6%, lần lượt tăng 1,6 và 2,1 điểm phần trăm theo quý và theo năm. Giá thuê phòng trung bình đạt 73,6 USD (khoảng 1,68 triệu đồng) một phòng một đêm. Mức giá thuế vẫn giảm 4,2% theo năm nhưng được bù đắp bằng công suất từng bước cải thiện.

Giám đốc một khách sạn lớn tại quận 1 (TP.HCM) cho hay 3 tháng đầu năm, tỷ lệ khách đặt phòng đã tăng cao. Có thời điểm, khách sạn gần như kín phòng. Đây là tín hiệu đáng mừng khi hoạt động kinh doanh của khách sạn trong thời gian dịch bị ngưng trệ.

Dự báo dịp lễ 30/4 sắp tới, lượng khách sẽ còn tăng cao khi nhiều khách đã chủ động đặt phòng sớm.

Khảo sát, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế hiện tại có xu hướng kéo dài so với mức trước đại dịch. Các chuyến du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…) đồng thời được mở rộng thành du lịch giải trí, tạo nên dự báo tích cực cho nguồn thu thời gian tới.

Nguồn cung khách sạn sẽ được cải thiện

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường khách sạn tại TP.HCM nói riêng và cả nước tính chung sẽ khởi sắc trong năm nay. Đặc biệt là thời điểm nửa cuối năm, nhiều chuyến bay được mở lại khéo theo niềm tin phục hồi từ du lịch quốc tế.

Theo đại diện Cushman & Wakefield, chương trình visa của Việt Nam sẽ cho phép mở cửa lại ngành du lịch. Một lượng lớn khách du lịch nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam. Do đó, tỷ lệ lấp đầy phòng sẽ cải thiện vào cuối năm nay và đầu năm sau nhờ đón làn sóng khách du lịch nội địa và quốc tế.

Thị trường khách sạn TP.HCM hồi sinh trong quý 1 - Ảnh 3.

Thị trường khách sạn TP.HCM đón nguồn cung mới trong thời gian tới. Ảnh: L.S

Trong khi đó, chuyên gia của JLL Hotels & Hospitality Group cũng xác định du lịch Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm nay, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường khách sạn.

Bên cạnh đó, chuyên gia của JLL cũng cho biết thị trường khách sạn trong thời gian tới sẽ có sự cải thiện về nguồn cung. Cụ thể, năm 2022, số lượng khách sạn gia nhập thị trường tăng cao, trong đó nhiều dự án bị trì hoãn đã đặt mục tiêu khai trương trong năm nay. Trước đó, nguồn cung phòng khách sạn ở TP.HCM được ghi nhận tăng trưởng 6,5%/năm giai đoạn 2014-2019, chủ yếu là bất động sản hạng trung và cao cấp.

Theo Sở Du lịch TP HCM, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, là lực đỡ giúp ngành kinh doanh khách sạn tại thành phố sớm hồi phục so với trước đại dịch. 

Tổng nguồn cung khách sạn 3-4-5 sao tại TP.HCM hiện ghi nhận 17.000 phòng với sự góp mặt của nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế và nội địa cao cấp như IHG, Accor, Marriott, Hyatt, Reverie, Caravelle.... Trong ba năm tới, khoảng 3.800 phòng trên 18 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố.

Thị trường khách sạn TP.HCM hồi sinh trong quý 1 - Ảnh 4.

Các sáng kiến du lịch đang được thúc đẩy để thu hút du khách. Ảnh: L.S

Được biết, để tạo sức bật cho ngành kinh doanh khách sạn, các sáng kiến du lịch trong thành phố cũng đang thúc đẩy nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn và trung hạn tại TP.HCM. Thành phố đã đề xuất cải tổ du lịch đường thủy nhằm tận dụng tiềm năng du lịch kênh rạch và sông ngòi rộng lớn, bao gồm cả chợ nổi trên sông.

Bên cạnh đó, một số huyện ngoại thành TP.HCM cũng đang mở rộng các loại hình mới như du lịch trang trại và thể thao. Điển hình là đề xuất hợp tác với các khu vực ngoại ô như huyện Cần Giờ và Hóc Môn để thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực để thu hút du khách. 

Kỳ vọng, thị trường khách sạn TP.HCM sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem