Những ngày cuối năm, đồng quê gió lạnh, ba vẫn ra vào cồn cây mưng. Ba nhổ từng búi cỏ dại trên một nấm mồ xưa cũ. Riêng những cây cỏ chỉ ba để lại dưới chân mồ. Mùi cỏ, mùi tuổi thơ lẫn trong mùi phân trâu sống dậy để nghe lòng rưng rưng thương nhớ.
Tôi là con thứ 6 trong một gia đình có 9 anh chị em. Trong chiến tranh, gia đình tôi li tán khắp nơi. Sau ngày giải phóng, ba mẹ tôi về lại quê hương và sống bằng nghề nông thuần túy. Vài sào ruộng khoán, nuôi dăm ba con lợn, con trâu, cơm không đủ cho đàn con ăn, áo không đủ mặc. Mấy anh chị của tôi đều phải nghỉ học giữa chừng để phụ ba mẹ lảm ruộng và chăn nuôi. Tôi thì ngoài một buổi đến trường, buổi còn lại phải đi chăn trâu, hái rau, kiếm củi.
![]() |
Hình ảnh gợi nhớ ba tôi những ngày giáp Tết năm 1983. |
Tôi nhớ hồi đó, ba mẹ tôi được bà ngoại cho mượn số tiền mà bà dành dụm được khi còn buôn bán ở phiên chợ chiều để mua con trâu. Ba, anh trai tôi và tôi đi bộ hơn 10 cây số đường bùn lầy nhão nhoẹt để mua về một con trâu cái. Đưa trâu về, cả xóm kéo đến xem. Chủ cũ của nó đặt tên là Mạp. Con trâu Mạp dù đã già tuổi song nó kéo cày còn khỏe.
Một năm sau, trâu Mạp đẻ thêm nghé và anh tôi đặt tên cho nó là Nưa. Anh Bặm, tôi và em Bù cứ thế thay phiên nhau đi giữ trâu, cắt cỏ… Ngày thường thì ai cũng tranh nhau dắt trâu ra đồng. Nhưng khổ nhất là những ngày giáp Tết và 3 ngày Tết, không ai muốn đi chăn trâu. Đứa nào cũng tranh nhau ở nhà để lon ton theo mẹ đi chợ Tết, ở nhà xem bà, xem chị gói bánh tét, bánh chưng; chạy khắp xóm xem các nhà mổ lợn cho ngày Tết. Hết bẻ ba cái que bốc thăm, rồi tù tì, rồi cãi nhau… mãi đến khi ba quất cho vài roi cả 3 đứa, rồi ba lên lịch chăn trâu cho từng đứa mới chịu yên.
Ký ức Tết trong tôi là những tháng ngày ba mẹ phải oằn lưng nuôi cả đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Anh Linh là con đầu đi bộ đội khi tôi mới lên 8 tuổi. Chị Bột ở nhà giúp mẹ việc nhà nông. Có trâu trong nhà, ba nhận thêm ruộng để cày cho bà con kịp cấy lúa mà ăn Tết.
Ngày 25, 26 Tết, tôi vẫn còn lon ton mang cơm ra đồng cho ba. Nhớ nhất là cái ngày 28 Tết năm 1983, phần thì lo tiền cho chị gái thứ ba của tôi lên phố học nghề trang điểm cô dâu, phần thì sau trận dịch, gà vịt chết hết, nhà tôi lâm vào cảnh nợ nần. Mấy bà nhà giàu ở trong và ngoài làng đến đòi nợ. Suốt mấy đêm mất ngủ, ba quyết định bán con trâu Nưa.
Nghe ba nói buộc phải bán trâu, lòng tôi như muối xát. Tôi không muốn nó phải sang chuồng nhà người khác. Người mua Nưa là bác Hội ở làng bên. Tôi nhớ mãi trưa 28 Tết, tôi ngồi trên lưng con Nưa, anh Bặm tôi đi sau. Hai anh em dắt con Nưa lội qua con mương trước xóm và đi băng qua con đường nhỏ bên cánh đồng vừa cấy lúa.
Cưỡi trên lưng con Nưa, tôi khóc thút thít. Bác Hội thì vui cười, còn anh em tôi thì mặt như mất sổ gạo. Chao ôi, nó vểnh đôi tai nhìn ông chủ mới, rồi ngước mắt nhìn anh Bặm và tôi như là van xin, như cầu cứu. Cái nhìn của Nưa đến hôm nay vẫn còn ám ảnh tôi.
![]() |
Cồn cây mưng, nơi anh em tôi thường hay chăn trâu. |
Ngày mồng 3, ba tôi thường dọn vén chuồng trâu sạch sẽ, đặt bàn để cúng… Đó là tục Tết trâu. Vài đồng tiền lẻ đặt theo mâm cúng trước chuồng trâu chia đều cho 3 anh em tôi như lộc đầu năm cho những mục đồng.
Từ ngày bán con Nưa đi, con trâu Mạp dường như đi chậm lại. Nó không còn háo hức mỗi lần tôi cắt cỏ về và mang cho nó. Ba tôi bảo, con Mạp đã già rồi, không còn đủ sức kéo cày và cũng không đẻ nữa. Ba cũng không bàn đến chuyện bán nó. Có dăm ba tay lái buôn cho các lò mổ ra vào nhà tôi. Nhưng ba tôi nhất định không bán.
![]() |
Đập nước đầu xóm - nơi bọn trẻ chúng tôi thương cho trâu tắm mát. |
Những ngày giáp Tết năm 1984, quê tôi chiụ những đợt rét đậm kéo dài. Trong làng, có đến 11 con cả trâu và bò chết. Chiều 29 Tết, tôi vẫn còn đi chăn, tối về chuồng chất rơm ấm. Vậy mà sáng 30, ba tôi dậy sớm nhìn vào chuồng thấy nó đã nằm bất động. Năm đó, anh em tôi khỏi phải thay phiên nhau chăn trâu.
Nhưng đó là cái Tết buồn nhất đối với nhà tôi. Ba tôi chôn Mạp nơi cồn cây mưng. Ba bảo, đây là nơi chốn quen thuộc của Mạp. Ba cũng đắp nấm mộ cho nó, mấy anh em tôi thắp mấy cây hương rồi châm lửa đốt rơm sưởi ấm cho linh hồn nó. Anh tôi khóc, tôi cũng òa khóc.Vĩnh biệt người bạn hiền từ, chăm chỉ.
Biết bao cái Tết đi qua, biết bao câu chuyện xưa vẫn còn vương dòng hoài niệm. Ngoài những công việc phải làm trong 3 ngày Tết, 36 năm qua, ba tôi vẫn giữ thói quen đúng ngày mồng 3 Tết ra cồn cây mưng để Tết trâu. Bôn ba nơi phố thị, với tôi, được về quê ăn Tết và theo chân ba ra nấm mộ Mạp đốt nén nhang là cái Tết ấm áp nhất.
TRẦN VĂN TOẢN
(Thừa Thiên - Huế)
![]() |
Gửi bình luận