Hàng năm, khi bầu trời dần chuyển màu bàng bạc, gió heo may vi vút báo hiệu mùa gió bấc về là lòng tôi lại nôn nao. Vậy là sắp hết năm! Vậy là sắp đến Tết!
![]() |
Má tôi hiện tại và khu vườn ngày xưa của gia đình. Ảnh: Thiên Kim |
Mùa gió bấc rơi vào khoảng tháng 11 âm lịch. Coi vậy mà rất nhanh, loay hoay vài ba bữa đã sang rằm tháng Chạp và đã đến những ngày giáp Tết. Người ta thường nói hạnh phúc không là điểm đến mà là hành trình. Tết cũng vậy, thường những ngày đầu năm sẽ ít để lại vấn vương hơn những ngày giáp Tết.
Đó là những ngày ba mẹ tất bật bên vườn rau cải đến tối mịt để kịp nhổ bán dịp Tết. Đó là những ngày chị tôi tẩn mẩn chà chùm ruột, xâm khế, chẻ dừa sên mứt. Đó là những ngày lũ học trò chúng tôi nôn nôn nao nao chờ đến ngày được nghỉ học để thỏa thích rong chơi...
Vườn rau những ngày giáp Tết là thế giới tuyệt vời của tuổi thơ tôi. Củ cải trắng, cải súp lơ, đậu que, dưa leo, rau thơm các loại... mỗi thứ má tôi trồng một ít để phần bán, phần có cái ăn ngày Tết. Ở một góc vườn là đám cải xanh, cải ngọt đã trổ hoa vàng ươm chờ kết hạt cho mùa sau. Tôi như con sóc chạy quanh những luống rau xanh tốt đó, lúc phụ ba nhổ mớ củ cải, lúc phụ má nâng niu từng cái súp lơ vào cần xé để bán ở chợ sớm mai.
Cận Tết không còn gió bấc hanh hao mà thay vào đó là cái lạnh dịu dàng của mùa xuân đang chạm ngõ. Tôi nhớ những buổi chiều khi nắng tắt dần, cái lạnh thấm qua làn áo như ve như vuốt. Mùi thơm của luống đất bị xới tung sau khi thu hoạch rau, mùi của đủ thứ loại rau thơm vừa cắt quyện cùng mùi khói bếp chị nấu cơm chiều bay ra khiến lòng ngây ngất. Bên nhà hàng xóm, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng dội nước rửa rau, tiếng lũ gà vịt về chuồng rộn rã...
Những mùi, những tiếng, những làn hơi lạnh dịu ngọt đó tạo nên một không gian no đủ, sung túc, khiến người ta quên đi một năm vất vả ngược xuôi vì cái ăn cái mặc.
Giáp Tết, gian bếp nhà tôi lúc nào cũng bận rộn. Ngoài ba bữa cơm, nó luôn được sử dụng để sên mứt. Công cuộc làm mứt thủ công rất vất vả nên má và chị tôi phải chuẩn bị từ giữa tháng chạp. Nào là xin khế, mua chùm ruột, thọc dừa...
Sau nhiều ngày tất bật, đến khoảng 25 Tết là khoảng sân trước nhà trở thành một thế giới ngọt ngào. Chảo mứt dừa trắng xóa, chảo mứt khế, mứt chùm ruột đỏ au. Dưới cái nắng rực rỡ của mùa xuân, từng hạt đường kết tinh lại, làm mứt trở màu, dậy mùi ngọt lịm. Tôi hay lạng tới lạng lui, tiếng bảo là đuổi ruồi và lâu lâu lại nhón một miếng. Chao ôi, ăn vụng nó mới ngon làm sao!
Giáp Tết lại có ngày đưa ông Táo vào 23 tháng Chạp rồi đến ngày Tảo Mộ 25 tháng Chạp. Mọi thứ đến nhanh, cuốn cuồng khiến người ta tất bật, vội vã nhưng dường như chẳng mấy ai thấy cáu gắt, mệt mỏi vì điều đó.
Ngày 30 Tết có lẽ là cái ngày dài nhất với hàng tá việc phải làm. Nào là tranh thủ bán nốt mớ rau ngoài vườn, đi chợ sắm sửa; kho thịt, gói bánh; quét tước nhà cửa, trưng bông trái... Người lớn tất bật làm lũ trẻ nôn nao. Cái nôn nao của chờ đợi, háo hức dù biết rõ kết quả của những tất bật đó luôn là bữa cúng giao thừa quen thuộc.
Bữa cơm chiều 30 Tết cái thời còn nghèo khó đó thật ra cũng chẳng có sơn hào hải vị gì. Sang cả hơn một chút vì có thêm thịt kho tàu, phong phú hơn một chút vì có thêm dưa kiệu và ngọt ngào hơn một chút vì có dĩa bánh mứt. Chỉ hơn một chút vậy thôi nhưng đó là cả một bầu trời ngọt ngào của tuổi thơ tôi.
![]() |
Dì tôi và mâm mứt khế, mứt cà chua. Ảnh: Thiên Kim |
Chiều 30 Tết, khi mọi việc xong xuôi, tôi ra hiên nhà ngồi chơi hóng, cạnh bên là chú chó Mi Nô. Trời tối dần, đám hoa cải vàng ươm chấp chới một góc vườn. Làn sương mỏng vương trên cánh đồng xa mang theo chút hơi lạnh vẩn vơ. Tôi ngồi vuốt ve đầu chú chó nhỏ, chờ nghe tiếng chuông cúng vang lên boong boong, rồi mùi nhang thơm ngào ngạt chiếm lấy không gian.
Ôi cái khoảnh khắc đó mới dịu dàng êm ái làm sao, như một miếng vải nhung rất mềm cọ vào má, một làn nước mát lọt qua kẽ tay, một bàn tay ấm vuốt ve trên mái tóc...
Thật ra những cảm giác hạnh phúc đó tôi không cảm nhận được khi ở cái tuổi vô lo. Lúc đó, tôi chỉ đơn thuần ngồi chơi, chờ ba cúng kiếng và chờ tiếng gọi: "Kim ơi, vào ăn cơm con". Chỉ đến hàng chục năm sau này, khi rời quê đến bám trụ đất Sài Gòn, những ngày giáp Tết quay cuồng cùng công việc, nhớ quê, nhớ nhà, hình ảnh Tết xưa lại hiện về.
Tết nay cũng đã khác Tết xưa nhiều thứ. Những ngày giáp Tết nay cũng vội vã, tất bật nhưng cũng rất khác xưa, có lẽ vì nó thiếu đi làn sương mỏng, khói lam chiều và khu vườn nhỏ với ba má, anh chị vui vầy.
TỐNG THIÊN KIM
(Quận Bình Tân, TP.HCM)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận