"Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai"

H.Anh Thứ ba, ngày 26/09/2023 11:50 AM (GMT+7)
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng, vừa là cơ hội giúp cho Chính phủ chống tham nhũng. Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai.
Bình luận 0

Đó là ý kiến được TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai" sáng nay 26/9. Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023, được Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Sắp tới mở thẻ bằng chỉ bằng hình thức eKyc với căn cước gắn chip - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Chỉ mở thẻ bằng căn cước gắp chip

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc NHNN cho biết, thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, và trong đời sống hằng ngày. Trước đây, khi nói tới thanh toán không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng.

"Tôi có 2 chữ "tiện và lợi", vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật", ông Dũng nhấn mạnh khi nói về giải pháp khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt.

Sắp tới mở thẻ bằng chỉ bằng hình thức eKyc với căn cước gắn chip - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng

Tham luận tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển thanh toán không tiền mặt. Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần 1 ứng dụng thanh toán đa dạng từ vé xem phim, ăn uống…

Ông Tuấn cũng cho rằng, thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Về hành lang pháp lý, ông Tuấn cho biết, Vụ Thanh toán đang xin ý kiến cục vụ của NHNN, hoàn thiện và lấy ý kiến rộng rãi và hoàn thiện thông tư về hoạt động thẻ. "Sắp tới, việc mở thẻ bằng hình thức eKyc chỉ bằng căn cước gắn chip", Vụ trưởng Vụ thanh toán thông tin.

Sắp tới mở thẻ bằng chỉ bằng hình thức eKyc với căn cước gắn chip - Ảnh 3.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)

Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai

Trao đổi tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, vấn đề phát triển thẻ cần đảm bảo sự an toàn, tiện ích kết hợp làm sao người dân trong nước có thể sử dụng thẻ quốc tế. Hiện nay một số trường đại học kết hợp với ngân hàng thanh toán tiền học phí thông qua thẻ nội địa. Đây là hình thức rất mới, song vẫn còn chưa thuận tiện như Visa, Master nên trong thời gian tới cần phải cải thiện thêm.

Về góc độ chính sách, ông Hùng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định 101 để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường thẻ phát triển.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, Việt Nam thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch tăng đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch tăng 35%.

"Chúng ta đang nhanh hơn khu vực, Châu Á Thái Bình Dương chỉ xoay quanh 20- 25%. Vì sao lại như vậy? Chúng ta phải nhìn thấy nhờ cơ chế chính sách thúc đẩy của NHNN trong những năm qua. Thứ hai, ở Việt Nam cho phép các hình thức thanh toán tương đối khác nhau, đa dạng như: thẻ, ví điện tử, mobike… Thứ ba, toàn bộ hệ thống ngân hàng chủ động ví dụ như chuyển đổi số", ông Lực phân tích.

Cũng theo ông Lực, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt nói chung. Dẫn số liệu, vị chuyên gia này cho hay, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47% tương đương Indonesia. Như vậy, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ 30%.

"Năm nay có 3 luật quan trọng là Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Nhà ở được thông qua, chúng tôi đều tư vấn thanh toán không tiền mặt trong các giao dịch khi 3 luật này thực thi. Hiện nay, giới trẻ đa số ưa thanh toán không tiền mặt, sính nhất QR code, ví điện tử. Đây là bài toán thách thức với thẻ. Thẻ nằm trong hệ sinh thái, vai trò, vị trí của thẻ giữ ở đâu và thế nào? Cơ quan nhà nước sẽ định vị. Chúng ta nên tham khảo Ấn Độ, Trung Quốc là 2 mô hình thú vị. Muốn phát triển thẻ nội địa, trong đó có thẻ tín dụng nên cân nhắc", ông Lực nói.

Chuyên gia nói về phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai - Ảnh 4.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Trong nước, ông Lực cho hay, hành lang pháp lý, định hướng của NHNN rất rõ, nghị định, thông tư rất rõ về thanh toán không tiền mặt, tuy nhiên cần phải làm nhanh hơn. "Đó là xu hướng, vừa là cơ hội, giúp cho Chính phủ chống tham nhũng. Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, với thông tin dữ liệu, theo TS Lực đây là vấn đề luôn đau đáu của người dân, doanh nghiệp, ngân hàng.

"Bây giờ có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở này tiếp tục hoàn thiện, nếu tích hợp mọi thứ có được không? cơ sở có đảm bảo không? Năng lực có đảm bảo hơn? Chúng ta về lâu về dài phải tích hợp nhưng phải đồng bộ. Phải làm sao tiện lợi, chi phí thấp. Liên quan đến thẻ, tôi mong nghiên cứu thẻ gắn với xu hướng thanh toán số, kể cả tiền kỹ thuật trong tương lai", Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất thêm.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem