"Vị thánh thuốc Nam" đất Hải Dương (bài 1): Mồ côi mẹ khi 6 tuổi, đỗ Thái học sinh mà không ra làm quan

Nguyễn Việt Thứ ba, ngày 27/06/2023 05:21 AM (GMT+7)
"Vị thánh thuốc Nam", Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, người có công lớn xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Hiện nay, tại quê nhà của ông, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) vẫn còn nhiều di tích tôn thờ để tri ân, tưởng nhớ, tôn vinh y đức của một thầy thuốc lỗi lạc...
Bình luận 0
"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 1.

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 2.

Vị thánh thuốc Nam

Theo các sử liệu ghi chép Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). 

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử và truyền thuyết tại địa phương thì Tuệ Tĩnh sinh khoảng năm 1330. Khi lên 6 tuổi, ông mồ côi cha, mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (tức Chùa Giám) đón về nuôi dạy. Suốt tuổi thơ ông gắn bó nương tựa chốn thiền môn. Tại đây, ông được trụ trì chùa nuôi dạy, ăn học đầy đủ.

Năm 22 tuổi (1351), ông thi đỗ Thái học sinh (có tài liệu cho rằng ông đỗ Hoàng giáp) nhưng không ra làm quan mà chuyên tâm nghiên cứu thuốc để trị bệnh cứu người. Bởi ông thường xuyên phải chứng kiến những trận dịch lớn cướp đi mạng sống của những người dân nghèo khó. 

Với mong muốn chuyển hoạ thành phúc, cải tử hoàn sinh, cứu lấy trăm dân muôn họ, ông đã nghiên cứu cỏ cây, hoa, lá cùng với việc nghiên cứu dược liệu và chủ động việc trồng thuốc, tiếp tục thu thập những phương thuốc quý trong dân gian. 

Ông lập y xá ngay tại các ngôi chùa để chữa bệnh bằng những bài thuốc, phương pháp đơn giản mà công hiệu cứu giúp những người bệnh nghèo, dập tắt những trận dịch lớn.

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 3.

Hậu cung đền Xưa, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, (tỉnh Hải Dương). Trong hậu cung đặt tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm 55 tuổi, sự nghiệp làm thuốc của ông đang nở rộ thì ông bị xung vào đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Tại đây ông chữa thành công nhiều bệnh hiểm nghèo và có chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh) nên ông đã được vua nhà Minh phong là Thái y - Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y của Triều Minh.

Một thời gian sau ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc. Trên phần bia mộ của ông còn lưu lại di ngôn "Ai về nước Nam cho tôi về với" thể hiện tâm trạng luôn đau đáu nỗi nhớ cố hương.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, y học cuộc đời và sự nghiệp của Tụệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực, đó là cống hiến, đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn cho kho tàng tri thức y, dược học dân tộc; về y đức và cao cả hơn đó là tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước.

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 4.

Người dân làm lễ dâng hương trong đền Xưa, Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, (tỉnh Hải Dương) tưởng nhớ "Vị thánh thuốc Nam". Ảnh: Nguyễn Việt.

Căn cứ vào các nguồn tài liệu hiện còn cho biết, ông đã tham gia xây dựng được 24 ngôi chùa và biến các ngôi chùa thành các cơ sở chữa bệnh, cứu được nhiều người qua cơn bệnh tật. Tuệ tĩnh là người nắm vững y lý đông y và có công đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm dược tính, chẩn trị bằng thuốc Nam. 

Tuệ Tĩnh cũng huấn luyện các tăng ni làm thuốc chữa bệnh, phổ biến cho mọi người những bài thuốc thông thường để có thể tự tìm kiếm, điều trị. Với sự tận tụy của Tuệ Tĩnh, phong trào trồng thuốc Nam ngày càng có uy tín và được truyền bá rộng rãi, nhiều gia đình tự trồng thuốc và tự chữa lấy bệnh đơn giản.

Hơn 30 năm hoạt động khoa học nghiên cứu thuốc, chữa bệnh cứu người của ông đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh trong bộ sách "Nam dược thần hiệu" gồm: 10 khoa, 2 môn, bằng 3.873 phương thuốc. 

Sách còn ghi dược tính 4.999 vị thuốc Nam bằng thơ chữ Hán, 82 vị có tên gọi bằng chữ Nôm. Sách Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng đề cập tới 500 vị thuốc Nam và 2 bài phú về thuốc Nam với 620 vị …

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 5.

Tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh tại đền Xưa, Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Nguyễn Việt.

Không dừng lại ở vị trí thầy thuốc chữa bệnh đơn thuần mà Đại danh y Tuệ Tĩnh đã đi sâu nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Ông nhận thức rõ được môi quan hệ biện chứng giữa tư tưởng, tâm lý và bệnh lý, thấy được tác dụng của việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. 

Tuệ Tĩnh khuyên mọi người nên sống trung chính để tránh những phiền muộn, coi đó là cách phòng bệnh. Ông nhắc nhở mọi người phương pháp phòng bệnh quý báu là "Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm quả dục, thủ chân, luyện hình".

Ngoài nghiên cứu y dược phục vụ chữa bệnh cho con người, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, phục vụ sản xuất, đặt cơ sở nghiên cứu cho ngành Thú y dân tộc.

Với những đóng góp cho y học dân tộc, Đại Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh đã được tôn "Vị thánh thuốc Nam". Sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy bởi các thế hệ sau này, trong đó tiêu biểu xứng đáng nhất là Đại danh y, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông ở thế kỷ XVIII.

Nhiều di tích thờ Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh trên đất Hải Dương

Qua tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có 3 di tích cùng thờ "Vị thánh thuốc Nam", Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh, đó là: Đền Xưa ở thôn Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), chùa Giám (xã Định Sơn) và đền Bia (xã Cẩm Văn). Mỗi nơi thờ ông đều gắn với cuộc đời ông.

Đền Xưa tọa lạc tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là quê hương, nơi sinh ra của Đại danh y Tuệ Tĩnh. Chưa xác định đền được khởi dựng từ năm nào, nhưng căn cứ di vật kiến trúc hiện còn có thể xác định vào thế kỷ XVII đã có một ngôi đền kiên cố, chạm khắc tinh tế.

Đền Xưa hiện nay có kiến trúc hình chữ "nhị", gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Hệ thống các cột, vì kèo được làm bằng gỗ, các đấu chồng, con rường đều được chạm khắc hoa lá cách điệu, mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 6.

Phía trên ban thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh có bức chữ Hán có phiên âm tiếng Việt "Nam Dược trị nam nhân" nghĩa là "thuốc Nam trị bệnh cho người Nam". Ảnh: Nguyễn Việt.

Hiện tại, trong đền có khoảng 50 cổ vật có giá trị như: Chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 8 (1855), sắc phong cho Tuệ Tĩnh vào các thời Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại... Đây là những vật chứng cho sự nghiệp y học lẫy lừng đã được ghi nhận của Tuệ Tĩnh trong lịch sử.

Còn chùa Giám gắn bó với Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh nhất. Khi cha mẹ mất lúc đó ông còn nhỏ được sư trụ trì đưa về chùa nuôi. Vì vậy, chùa Giám gắn bó mật thiết với tuổi thơ của ông từ khi còn bé đến lớn, học hành đỗ đạt. Sau đó, chùa Giám còn là nơi ông nghiên cứu các vị thuốc, bài thuốc, viết sách y dược, bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 7.

Vườn thuốc Nam là không thể thiếu trong các di tích thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh (trong ảnh là vườn thuốc Nam ở đền Xưa, Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Nguyễn Việt.

Trong các hiện vật kiến trúc còn lưu giữ ở chùa Giám, Tòa Cửu phẩm Liên hoa có vị trí đặc biệt, mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn giữ được nguyên bản. 

Điểm đặc sắc nhất của chùa Giám là tòa cửu phẩm liên hoa được đặt ở sân phía sau tam bảo. Nhà cửu phẩm hình vuông (8 x 8 m), cao 3 tầng, 12 mái, có nhiều mảng kiến trúc còn giữ được dấu ấn của thế kỷ XVII. 

Trong nhà cửu phẩm là tòa cửu phẩm liên hoa gồm 9 tầng hoa sen, cao trên 6m hình lục giác đều, mỗi cạnh 1,24m. Trên cửu phẩm có 145 pho tượng Phật.

Toàn bộ kết cấu cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa, trụ này đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi. Vào ngày lễ Phật, chỉ cần 2 người đẩy, cửu phẩm có thể quay nhẹ nhàng. 

Tòa cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2016, cửu phẩm liên hoa chùa Giám được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Trong chùa và nghè có nhiều pho tượng và cổ vật có giá trị.

Clip: Lễ hội truyền thống đền Xưa tưởng nhớ "Vị thánh thuốc Nam", Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đền Xưa tọa lạc tại Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Thực hiện: Nguyễn Việt.

Đền Bia thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, nơi thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh và tiến sĩ Nguyễn Danh Nho. Đền có kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, tả vu, hữu vu và các hạng mục như nghi môn, nhà bia… tạo thành quần thể kiến trúc khép kín đồng bộ.

Đền Bia nằm trên cánh đồng phía tây thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Trong đền có tấm bia đá từ thời Hậu Lê, tấm bia đó khắc lời di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh nên đền có tên là Đền Bia..

"Vị thánh thuốc Nam" là ai? Có công đức gì mà nhiều nơi ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương thờ phụng? (Bài 1) - Ảnh 9.

Năm 2017, cụm di tích Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Việt.

Với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể năm 2017 cụm di tích Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hằng năm, cả 3 di tích Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia đều tổ chức lễ hội truyền thống để tri ân, tưởng nhớ đến "Vị thánh thuốc Nam", Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh người đã gây dựng nền móng cho nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem