![]() |
Dỡ chà bắt tôm cá chuẩn bị đón xuân. Ảnh: Anh Thư |
Mấy năm trước, cứ vào thời điểm giữa tháng 10 âm lịch là cha tôi đã thả chà ngoài con rạch trước nhà để chuẩn bị dỡ chà bắt tôm, bắt cá đón xuân. Chị tôi nói, về quê được ăn mấy con tôm càng quê hương thấy ngọt làm sao, hình như hồn quê đã ẩn mình trong đó.
Ăn ngon mà rơi nước mắt mới là lạ. Có lần đi tảo mộ ông bà ngày Tết, chị tôi quen miệng đệm vài tiếng Anh vốn đã quen dùng, cha nhìn chị như trách: “Đi tảo mộ ông bà đừng có nói tiếng Mỹ, tiếng Tàu gì ở đây. Bây coi mà nhớ tới cội nguồn tổ tiên”.
Mẹ tôi không còn nên mọi việc bếp núc đều do cha tôi đảm trách. Lạ là đàn ông nhưng ông nấu nướng, làm bánh rất ngon. Tết năm nào chị em tôi cũng tiếp ông đốn tre để làm cây nêu treo trước hiên nhà. Vừa làm ông vừa kể những câu chuyện tâm linh về sự tích cây nêu cho chúng tôi nghe. Có lần hàng xóm nói vui: “Thời buổi @ rồi hơi sức đâu mà làm cây nêu cho tốn công, tốn sức”. Cha tôi nói: “Đó là tục lệ ông bà để lại, không làm thấy có lỗi và thiếu vắng điều gì đó, thôi thì cứ làm vậy”.
Chị em tôi nhiều lần can ngăn cha thôi gói bánh tét, bánh lá dừa, thôi làm bánh tráng bởi siêu thị bán rất nhiều, họ thậm chí còn giao tận nhà nữa. Lần nào cũng nhận câu trả lời “kinh điển” của ba: "Làm bánh để nhớ tổ tiên, ông bà, không làm coi sao được”.
Đâu đã vậy, cha còn chuẩn bị lỉnh kỉnh các món ngày Tết: mắm tép sông trộn đu đủ bào; ba khía trộn khóm chanh đường; chuối ép phơi khô; mứt gừng ngào chuối; khô cá lóc… Ông nói: “Ngày Tết mình ăn mấy món tự làm vừa tiết kiệm, vừa an toàn, vừa có ý nghĩa, có cái để đãi các con”.
![]() |
Làm bánh tráng ăn Tết. Ảnh: Anh Thư |
Nhớ những đêm khuya rạng sáng ngày giao thừa, chị em tôi bơi xuồng đi cùng ông đi chợ quê thật sớm để lựa chọn những bó hoa tươi rói; những lát thịt heo, những con gà khỏe mạnh, những bó rau xanh mơn mỡn, những mớ trái cây ngon để chuẩn bị rước ông bà và ăn trong ba ngày Tết. Đúng thời khắc giao thừa, cha tôi mặc áo dài khăn đóng rất chỉnh tề thắp hương ngoài ban thông thiên trước sân rồi vào nhà quỳ khấn vái trước bàn thờ, chị em tôi ngừng trò chuyện bên nồi bánh tét để quỳ lạy sau lưng ông để nghe nhiều bài khấn vái rất hay, rất vần điệu.
Mấy ngày nay, chị tôi liên tục gọi điện về an ủi cha con tôi. An ủi làm sao với cái giọng nghẹn ngào, đứt quãng. Chị hỏi nhà mình năm nay có dỡ chà bắt tôm ăn Tết; có làm bánh tét, bánh tráng, mắm tép, khô cá lóc đồng đón xuân; cây mai trước sân năm nay có trổ bông đúng mùng 1 Tết?; Ai bơi xuồng đưa cha ra chợ ngày ba mươi? Mấy cái đoàn cải lương miệt vườn, mấy đoàn lô tô có về đình làng để ca hát như những năm trước?
Chị hỏi huyên thuyên như để sợ mình ngừng hỏi thì đầu bên kia sẽ khóc. Chị dặn: Năm nay cứ ra chợ huyện mua sắm cho đỡ vất vã và cũng để cha bớt nhớ về chị khi nấu nướng, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa như tết năm trước. Cha tôi lại lặng im trầm tư suy nghĩ với đôi mắt buồn xa xăm. Bởi đây là năm đầu tiên chị đón xuân nơi đất khách.
![]() |
Phiên chợ Tết. Ảnh: Anh Thư |
Tết nghe chừng có mùi mặn đắng. Cha tôi không còn vui để đốn tre dựng nêu như năm trước. Mấy món ăn, món bánh quen thuộc cũng không nghe ông nhắc đến. Ông nói: “Cha con mình bên đây, chị hai bây đón Tết bên đó, Tết xa nhà chắc nó buồn đứt ruột, đứt gan. Đâu có nơi nào đẹp hơn, thiêng liêng hơn quê cha, đất tổ nhất là trong thời khắc giao thừa. Biết sao hơn”. Ông bật khóc.
Vậy mới biết, mới hiểu, mới thấm, mới nhớ thương Tết đến dường nào. Nỗi nhớ không màu, không hình dạng, kích thước, không thể đong đo, kiểm đếm luôn len lỏi đâu đó trong trái tim mỗi người đau đáu, mãnh liệt dù bạn đang làm gì, ở đâu.
PHAN THỊ ANH THƯ
(phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận