Càng đi xa tôi càng nhớ quê, nhớ da diết cái lu nước trước hiên nhà, nhớ nọc trầu của ngoại và cái bếp của mẹ tôi.
Tuy cái chái bếp mộc mạc, đơn sơ nhưng nó chứa biết bao kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu. Tất cả những thứ đó như quyện vào miền ký ức xa xăm, nhất là mỗi lần đi học về tới nhà, nghe mùi cá kho bốc lên thơm lừng, lòng tôi cảm thấy vô cùng háo hức.
|
||
|
Trong ký ức xa vời của tôi, kể từ 28, 29 Tết, cái chái bếp đã bắt đầu chộn rộn hẳn lên. Ngày thường, mẹ tôi chỉ sử dụng một, hai bếp. Đến Tết, mẹ kê thêm ông táo để kho nồi thịt, sên mứt và chuẩn bị nấu bánh tét.
Trước đây, mặc dù Tết quê còn nghèo, thiếu thốn nhưng cả nhà bừng lên một sức sống mới, không khí vui vầy, đâu đâu cũng phảng phất mùi Tết, nào mùi thịt kho, mùi lạp xưởng, mùi lúa mới, cho đến mùi rau cải, củ kiệu, bánh mứt, trái cây… Chỉ có thế thôi mà Tết xưa, Tết cũ đã theo tôi suốt cả cuộc đời này, nhất là những ngày cuối năm, mỗi lần nghe mùi hoa mai, mùi áo mới, mùi pháo… như níu kéo tôi về với mái nhà xưa.
Tuy cái chái bếp dung dị, mộc mạc, tàn tro, muội khói bám dày nhưng nó chứa biết bao tình cảm yêu thương. Mỗi lần đi học về, bụng đói, nhìn những sợi khói vờn quanh trên mái lá giống như một bức tranh quê là lòng tôi tự dưng ấm lại.
Đó là làn khói yêu thương mà mẹ tôi đã chuẩn bị cho buổi cơm chiều và cả nhà quây quần bên nhau vô cùng hạnh phúc. Quên làm sao được những lúc bụng đói xuống bếp, được mẹ vít cho một giề cơm cháy giòn rụm, có khi củ khoai lang lùi tro hoặc trái bắp nướng còn nóng hổi!
Giờ đây, mỗi lần Tết đến, tôi thật sự muốn nghe tiếng củi nổ lách tách và ngửi mùi khói cay xè của ngày xửa ngày xưa để được sống lại với chút hoài niệm, nhưng thời gian cứ mải miết trôi đi mang theo nhiều tiếc nuối.
Càng nhớ chiếc cà ràng (loại bếp lò độc đáo vừa bao gồm nơi nấu với 3 ông táo, gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than), nhớ cái chái bếp bao nhiêu, tôi càng bùi ngùi, thổn thức nhớ mẹ và ngoại tôi bấy nhiêu. Tôi thương chiếc cà ràng, thương ánh lửa bập bùng, tí tách tỏa ra từ góc bếp đã gắn liền với cuộc đời niên thiếu của tôi. Chính nơi đây, mẹ tôi đã thắp lên ngọn lửa diệu kỳ để sưởi ấm cho cả gia đình bằng những bữa cơm đạm bạc nhưng vô cùng ấm áp.
Thời gian trôi đi nhanh chóng, cái chái bếp của mẹ tôi không còn nữa, ngay cả người thân cũng ra người thiên cổ, nay chỉ còn là ký ức trong sự nuối tiếc khôn nguôi mỗi khi Xuân về.
Trong sâu thẳm tâm hồn, ai cũng có một miền cố hương, có một mái ấm gia đình và một cái chái bếp. Do vậy, người dân quê, dù đi đâu rồi cũng quay về với mái nhà thân yêu của mình, trong đó cái chái bếp chính là một góc hồn quê.
![]() |
Bếp cà ràng lúc nào cũng đỏ lửa. Ảnh minh họa: Hoài Phương |
Bây giờ cuộc sống đã đổi thay, thời công nghiệp hóa, thiết bị gia dụng tiên tiến, các phương tiện nấu nướng ngày càng hiện đại hơn nhưng mỗi lần gặp lại chiếc cà ràng, nghe tiếng củi nổ lách tách, lòng tôi không sao ngăn được cảm hoài. Những lúc ấy tôi càng nhớ mẹ, nhớ những ngày mẹ lụi hụi chặt củi, nhóm bếp, thổi lửa mà lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến. Bây giờ nhắc lại mà rơi nước mắt!
Ngày nay, ít nhà nào còn giữ được cái cà ràng đỏ lửa, ngoại trừ một số bếp nghèo hoặc trên những chiếc xuồng chèo chống ngược xuôi.
Dẫu biết cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng, nhưng sao tôi vẫn tiếc nuối, vẫn vô vàn thương nhớ chiếc cà ràng và 3 ông táo của quê tôi ngày ấy.
HOÀI PHƯƠNG
(Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận