Gió Đông Bắc hun hút lạnh, thổi tung những lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên mũi thuyền. Lũ trẻ con trong xóm chài khoác vội những chiếc áo bông chần cũ sờn nhưng ấm sực, co ro trên chiếc chân trần, men theo những bãi kè và thả những con diều sáo, diều quạ tự chế. Gió càng mạnh, tiếng sáo diều càng du dương trên không trung.
Nội ngồi trước hiên nhà bỏm bẻm nhai trầu, nhìn theo những con thuyền đang mờ dần sau màn sương…
![]() |
Tết đến xuân về nhưng hàng trăm con tàu ra khơi bám biển. Ảnh: T.Trực |
Trước đó, những ngày cuối cùng trong năm của miền quê biển nhỏ cũng rộn rã và không khí lắm. Chợ bắt đầu bày bán gà và thịt lợn, những thứ mà ngày thường vốn chỉ xuất hiện trong giấc mơ của lũ trẻ tham ăn chúng tôi. Quanh năm mâm cơm rặt cá với tôm, chỉ khi Tết đến, các xã đồng bằng lân cận mới bắt đầu giao thương trao đổi mua bán hàng hóa. Phiên chợ rằm tháng Chạp, mẹ mua được ít thịt lợn về gói giò, xách về 2 con gà trống thả vào cái lồng tre đã mọt gần hết nan trước ánh mắt ngưỡng mộ của nhóc em trai.
Ngày 20, cha rục rịch chuẩn bị đồ cho chuyến ra khơi cuối năm. Khác với mọi lần, lần này mẹ đùm cho cha nào bọc lớn bọc nhỏ. Này là lọ tóp mỡ rim với mắm chua, cái này đưa cơm hết sẩy. Này là chục trứng gà ri bé tin hin được mẹ cuốn chặt trong tờ báo cũ. Này là hộp kẹo bi, này là chiếc giò tai nho nhỏ, cha đeo toòng teng trên chiếc ba lô xanh rằn ri. Toàn là đồ mẹ chuẩn bị cho cha ăn Tết trên thuyền.
Chúng tôi tò mò hỏi cha về đêm giao thừa giữa mênh mông sóng nước. Cha nói, giao thừa trên biển cũng vui lắm tụi bây, chiều 30 các thuyền ở gần nhau gọi bộ đàm để tập trung cùng đón giao thừa. Mọi người thành kính dâng lên thần biển những con cá tươi ngon nhất, con mực dày mình nhất, cầu một năm bình an, thắng lợi, mưa thuận gió hòa. Mọi người góp đồ lại với nhau, giò, kẹo, mứt, hạt dưa đủ cả. Rồi cũng uống chén rượu mừng năm mới cho xôm.
![]() |
Hương vị Tết của quê hương theo những con tàu ra với vùng biển. Ảnh: TL |
Rạng sáng, thuyền lại túa đi các hướng, quăng những mẻ lưới đầu tiên của năm mới. Mà hên lắn, mẻ đầu năm bao giờ cũng đầy ắp lưới đó bây. Rồi có nhớ mẹ với tụi con không cha, thằng út hồn nhiên hỏi. Cha nhìn lên trần nhà, ờ, cũng chút chút...
Thuyền nhổ neo, cha lôi trong ba lô ra cái mũ len vàng tôi đan, chụp kín tai. Thiệt tình, vậy mà lúc tôi tặng một mực cha chê nó chói lóa quá, còn kêu đeo vào nhìn y như bà Bảy hô bán khô mực cuối xóm. Dưng không mà thấy mắt cay xè. Cha đánh bắt ngư trường xa bờ. Có những chuyến cha đi hơn 2 tháng mới về. Chuyến cuối năm cha thường đi sau ngày 20, và về trước mùng 10 tháng Giêng.
Lũ trẻ chúng tôi thường bị cái không khí náo nhiệt những ngày giáp Tết làm quên đi, nhưng khi sắp giao thừa, mẹ chuẩn bị xong mâm cỗ cúng ông bà ông vải, mùi hương trầm thơm phức và tiếng mẹ lầm rầm khấn, mới thấy lòng bâng khuâng.
Nhìn ra ngõ, mưa xuân bắt đầu lất phất bay, tiếng cười nói chúc tụng nhau rộn rã. Mẹ mặc cho chúng tôi bộ quần áo thơm phức mùi vải mới, nhóc em cứ hít hà mãi không thôi. Thời ấy chưa có điện thoại cá nhân để liên lạc, nội cứ vào rồi lại ra, lẩm nhẩm, khổ thân cha nó, giao thừa rồi còn đang lênh đênh… Mẹ quay đi khẽ nâng vạt áo chấm một giọt nước mắt.
![]() |
Những con tàu ra khơi dịp Tết không chỉ đơn giản mong kiếm được nhiều cá trong ngày đầu năm, mà còn mang ước vọng về một mùa bội thu, an lành cho bà con ngư dân. Ảnh: TL |
Sáng mùng 6 Tết, thuyền của chú Tâm cập bến đầu tiên. Kế đó thuyền của ông Sáu, bác Ba lần lượt neo bến… Trên bến dưới thuyền đông vui ồn ã, cá tôm lấp lánh, những người đàn ông trụ cột gia đình với nước da đen nhẻm, rắn rỏi khuân những cái thúng nặng trĩu lên bờ, tấm ván bắc xuống mỏng manh nhưng dẻo dai nhịp nhàng theo chân người lên xuống.
Người buôn kẻ bán, người nhà ra đón, lũ con nít đằng sau cười nói ríu rít chạy vòng quanh, tất cả tạo nên một khung cảnh ấm áp và bình yên đến lạ. Rồi thuyền của cha cũng cập bến, mẹ chạy lại đỡ cho cha chiếc ba lô đầy những vỏ ốc xoắn nhiều màu làm quà cho hai chị em. Cái mũ len vàng mới đó đã thấy màu xỉn xỉn sang màu nghệ. Cha cười vang sảng khoái, năm nay mực được mùa lắm nha tụi bây…
Nội chống gậy cười hiền từ, bây giờ Tết mới thực sự về đây…
HOÀNG NGỌC LINH
(xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận