Trải qua hơn nửa thế kỉ với biết bao thăng trầm, nghề làm tượng đất ở tỉnh Bình Dương vẫn tồn tại và lưu giữ được không khí làng nghề truyền thống.
![]() |
Với nhiều người, việc gắn bó với nghề mỗi ngày là niềm vui sống. Ảnh: Hồng Trâm |
Làng nghề vui Xuân bên tượng đất
Cận Tết Canh Tý 2020, chúng tôi tìm về ngôi làng ở Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) để được tận mắt chứng kiến những công việc tại nơi được mệnh danh đệ nhất làng nghề “nặn tượng”.
Hình ảnh đầu tiên ập vào mặt chúng tôi là cảnh tượng hàng ngàn tượng đất với đủ hình hài như: con heo, mèo, gà, các nhân vật hoạt hình… được bày biện khắp mọi nơi. Các nghệ nhân đang ngồi say mê sơn vẽ lên hình tượng Chuột (linh vật của năm Canh Tý 2020).
Thấy có người đến tìm hiểu về làng nghề, ông Lưu Văn Thanh - một người làm nghề lâu năm vội cất gọn những chiếc khuôn sắt và rót chén trà nhâm nhi. Nói về làng nghề, ông cho biết khi sinh ra đã thấy ông cha mình làm nghề nặn tượng đất, heo đất. Lâu dần, ông được dạy và nối nghiệp cha ông.
![]() |
Nghề làm tượng đất “tay lấm đất, mặt lem màu” nhưng đã ăn sâu vào tim nhiều nghệ nhân. Ảnh: Hồng Trâm |
“Chẳng biết nghề làm tượng đất có từ khi nào, nhiều người nói rằng có thể là 50 năm, 70 năm nhưng tôi nghĩ nghề này phải có từ trăm năm trở lên, bởi lúc tôi sinh ra là đã thấy cha ông theo nghề”, ông Thanh cho biết.
Uống một ngụm trà, ông nhiệt tình chỉ bảo chúng tôi cách làm tượng đất. Thoạt đầu, nhìn có vẻ đơn giản, nhưng quả thực khi được bắt tay vào làm thì mới thấu hiểu được nỗi vất vả và gian truân của cái nghề “tay lấm đất, mặt lem màu” này.
Để làm tượng, những gia đình tại đây phải đi mua đất sét, hoặc các loại vật phẩm thay thế để về làm tượng. Sau khi có đất, mọi thứ được nhào nặn theo nhiều công đoạn khác nhau, tùy vào bí quyết của từng gia đình và từng lô sản phẩm.
“Một sản phẩm thô có giá bán 20.000 đồng. Sau khi đánh bóng, làm đẹp, sản phẩm được bán với giá từ 50.000-100.000 đồng tùy từng loại”, ông Thanh cho hay.
Theo nghệ nhân này, cứ vào dịp tháng 10 hàng năm, khu vực làm tượng đất ở Lái Thiêu lại nhộn nhịp vô cùng, không chỉ vì không khí những ngày Tết đang cận kề mà còn là lúc những người ở đây có thu nhập kinh tế.
“Trung bình, mỗi tháng cơ sở của tôi xuất 2.000 con sang Thái Lan. Gọi là theo nghề nhưng trong làng không phải ai cũng sản xuất. Có hộ chuyên mua lại heo đã được nung ở các lò đưa về nhà gia công, trang trí hoa văn giai đoạn cuối và bán lại cho thương lái.
Từ những việc phân chia công đoạn một cách tự nhiên này, heo đất được sản xuất theo dây chuyền... tay. Có hộ chuyên bán đất sét, có hộ chuyên nặn và nung heo, có hộ làm trang trí, hoàn thiện sản phẩm. Mỗi người mỗi việc, nhưng đến cận Tết thì ai cũng vui”, ông Thanh chia sẻ.
Chúng tôi cảm ơn nghệ nhân già và tiếp tục tìm đến ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hai - chủ cơ sở sản xuất heo đất tại phường Lái Thiêu. Chia sẻ công việc trong những ngày giáp Tết, ông Hai cho biết những ngày này, ông không có thời gian đi ra đường, thậm chí quên luôn ăn uống.
Chia sẻ về năm Canh Tý, ông Hai cho biết năm nay tượng Chuột rất khó làm mẫu lớn và đại trà. Chính vì vậy tượng được sản xuất chủ yếu là làm quà tặng, vật phẩm trưng bày. Tình hình đặt hàng từ các nơi vẫn không tăng mà nằm ở mức trung bình và đã được người dân chuẩn bị làm từ nhiều tháng trước.
![]() |
Xuân Canh Tý 2020, tượng chuột - con giáp biểu tượng của năm được rất nhiều khách hàng đặt mua. Ảnh: Hồng Trâm |
“Làm heo đất, nếu nghệ nhân không làm bằng cái tâm thì sản phẩm tạo ra sẽ không đẹp. Biến một cục đất sét trở thành một con vật không khó, nhưng để con vật “biết nói” và được khách hàng đặt trong nhà, trưng bày thì không thể rập khuôn mà bỏ công tâm huyết rất nhiều”, ông Hai chia sẻ.
Cái nghề ngấm vào da thịt
Tuy không khí làm nghề nặn tượng ở Lái Thiêu khá chộn rộn nhưng có một thực tế đáng buồn là nhiều hộ đã không còn giữ nghề ông bà để lại vì vất vả và không còn nhiều khách hàng nữa.
Nghệ nhân Nguyễn Sang cho biết: “Trước đây Lái Thiêu có rất nhiều hộ làm nghề này. Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ chuyển sang nghề khác bởi thu nhập bấp bênh và không ổn định.
Hiện nay, làng chỉ còn vài chục hộ duy trì nghề heo đất, phần lớn người còn làm nghề là phụ nữ, người già. Nghề cực lắm mà không kiếm được bao nhiêu; chỉ những năm kinh tế ổn định thì người dân mới có thu nhập. Cái nghề này suốt ngày bám vào đất, phẩm màu nên nhiều người nản lắm”, ông Sang bùi ngùi.
![]() |
Làng nghề làm tượng đất Lái Thiêu (Bình Dương) nổi tiếng hàng chục năm nay. Ảnh: Hồng Trâm |
Còn bà Trần Thị Hạnh (60 tuổi) cho biết thêm: “Ngày còn nhỏ, tôi đã ngửi mùi sơn. Thấy những con heo từ khi mới ra lò mang trên thân mình màu đất sét hay màu xanh, đỏ, vàng, tím… cùng những nét hoa văn khéo léo nên tôi bị cuốn hút. Nghề này thu nhập không cao nhưng tôi không thể bỏ vì nó đã ăn vào xương máu”.
Cũng giống như những nghệ nhân yêu nghề làm tượng đất, hộ của ông Nguyễn Văn Tâm cũng theo và giữ nghề heo đất 3 đời.
“Nghề này cực nhọc lắm, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nung heo đất không dễ, do áp suất cao trong khi tượng đất bên trong ruột rỗng nên dễ nổ lắm, rất nguy hiểm”, ông Tâm chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng các hộ này khẳng định họ vẫn đam mê, gắn bó với nghề. Những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ đặc biệt ấn tượng với mùi sơn, màu sắc rực rỡ của những tượng đất. Gần đây, để bắt kịp thị hiếu tiêu dùng, nhiều hộ của làng nghề còn cố gắng sáng tạo thêm các nhân vật bắt mắt, thu hút khách hàng như: vịt, cá vàng, mèo Doremon, thiên nga, bồ câu... Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Cứ như vậy, từ năm này qua năm khác, làng nghề truyền thống làm tượng đất tại Lái Thiêu vẫn được người dân lưu truyền, qua nhiều thế hệ khác nhau. Những người dân không còn xem đây là nghề kiếm sống nữa mà là một cách lưu giữ nét đẹp truyền thống, văn hóa tinh thần của ông cha. Làm nghề còn là để nhớ đến gia đình, ông bà, mẹ cha, để nhớ đến đồng môn với tình làng, nghĩa xóm.
Gửi bình luận