Nhà tôi vẫn im ắng, chẳng có gì gọi là Tết dù đã 30 tháng Chạp. Hôm trước, cô Tư mua về cho anh em tôi hai bộ đồ mới, theo như lời dặn của mẹ tôi lúc sắp lâm chung: "Tết này, cô mua giúp chị cho con Thảo chiếc váy hồng, thằng Hưng bộ quần áo hải quân nhé!".
Cha tôi chắc chưa qua nổi cú sốc bởi người vợ yêu qua đời quá trẻ, mới 27 tuổi xuân, bỏ lại cho chồng hai đứa con dại. Cha cứ đi ra, đi vào, chút lại rít thuốc lào sòng sọc.
Tôi lúc đó năm tuổi, còn em gái Thảo lên ba. Tuy còn bé nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí náo nức của những ngày giáp Tết, khi cha hớn hở thông báo đã nhận được nửa đùi lợn đụng với nhà hàng xóm. Mẹ tôi đem bó lá dong xanh chùi rửa sạch sẽ rồi buộc chặt hai đầu vào cột nhà bếp, chờ đến chiều hai chín tháng Chạp sẽ gói bánh chưng. Tôi chạy vòng quanh chiếc cột, mũi hít hà mùi lá dong thơm ngái, tưởng tượng mùi thơm béo ngậy của chiếc bánh chưng con mẹ gói cho hai anh em.
![]() |
Con cháu quây quần xem cha mẹ gói bánh chưng, nghe ông kể những chuyện xưa cũ. Ảnh: TL |
Mẹ tôi bị bệnh trọng, mất vào đầu tháng mười âm lịch, chỉ hai tháng sau là Tết nguyên đán. Mới qua tuần "tứ cửu", trên bàn thờ mẹ mùi nhang khói vẫn vương vấn. Nhìn nét mặt âu sầu của cha, anh em tôi linh cảm Tết này sẽ buồn và thiếu thốn đủ đường.
Tết xưa, mẹ ngồi gói bánh chưng, bố chỉ biết nhận phần cột dây giang cho đều, cho chặt. Đến tối thì cha mới vác củi, múc nước canh nồi bánh đến sáng. Hai anh em tôi ngồi trong chiếc nong cạnh bếp lửa chờ vớt bánh, rồi nằm co quắp ôm nhau ngủ một mạch, mặc kệ khói bếp cay xè khóe mắt. Năm nay tôi cũng ngóng cặp bánh chưng con, mà chẳng thấy cha nói gì.
"Tết này, chúng con có bánh chưng con không cha?". Cha buồn rầu không nói gì, khóe mắt đỏ hoe. Tôi bảo con Thảo: "Năm nay anh em mình không có bánh con đâu! Chẳng thấy cha mua gạo nếp". Năm trước, giờ này mẹ đã ngâm gạo nếp, đỗ xanh xong cả rồi, chỉ chờ cha nối dây giang xong là bắt đầu gói bánh.
Tôi bỗng khóc rấm rức, đi tha thẩn quanh nhà, tìm kiếm mùi gạo nếp thơm thơm vừa vớt từ chậu ra chiếc rá lớn. Từ nhà ngoài vào đến bếp trống vắng, lăn lóc mấy chiếc thúng bụi bặm đã đổ hết lúa.
Tiếng con Thảo ngoài sân kêu toáng lên: "A! Bà nội! Cháu chào chú Út ạ!". Tôi cũng vội vàng chạy ra. Chú út đặt chiếc chậu đồng đựng đầy gạo nếp trắng tinh xuống nền nhà, sà ngay lại chỗ cha tôi. "Thuốc lào đâu em xin điếu! Rét ghê rét gớm!".
Bà nội lỉnh kỉnh bó lá dong với nắm lạt giang, giục tôi đi lấy chiếc chiếu cũ. "Hai anh em trải chiếu ra, gói bánh đi không muộn mất". Bà quay sang bảo cha tôi: "Mẹ nó xấu số thiệt phận thì đã xong phận nó. Con cũng đừng bi lụy quá, còn lo cho lũ trẻ cái Tết, không chúng nó tủi thân". Chú út ngửa cổ nhả khói thuốc lào: "Đúng đấy! Việc nào ra việc nấy. Miễn năm nay nhà mình đừng đốt pháo là được. Tí nữa em cắt cho một cành đào mà cắm lên bàn thờ".
Chiếc chiếu được trải ra, chiếc mâm gỗ được đặt vào giữa, chú út bắt đầu xếp lá dong, rải gạo đỗ, gói chiếc bánh đầu tiên. Hai chiếc bánh chưng vuông để trưng bàn thờ, bánh chưng tày để cúng và ăn trong ba ngày Tết. Bà dặn dò hai anh tôi: "Năm nay nhà mình có tang. Mai sớm mùng một, hai đứa sang xông nhà cho bà thôi, đừng có chạy qua nhà hàng xóm nhá". Con Thảo thỏ thẻ: "Thế bà nội có mừng tuổi cho cháu không?". Bà nội ôm nó vào lòng, mắng yêu: "Cha bố cô, khôn quá không lớn được. Cứ sang bà, sẽ có tiền mừng tuổi".
Tôi chúi mũi xuống đống bánh ngổn ngang trên chiếu, hít lấy hít để mùi gạo nếp thơm, mùi lá dong hăng hắc ngọt, tưởng tượng bàn tay chú út là bàn tay mẹ đang vét những nắm gạo còn sót lại, gói hai chiếc bánh chưng con cho chúng tôi.
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ
(Tây Ninh)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận