Đầu tư mạnh hạ tầng kỹ thuật
Trong chương trình phát triển ngành trồng trọt từ giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh xác định cây lúa vẫn là cây trồng chính. Mục tiêu quan trọng của tỉnh là ổn định về diện tích sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo đủ sức cạnh tranh vào thị trường xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, do điều kiện đất đai sản xuất nông nghiệp của tỉnh phần nhiều không được thuận lợi. Tổng diện tích đất trồng lúa của tỉnh trên 91.000 ha đã có hơn 30 % diện tích nằm trong điều kiện thiếu nước ngọt, thường bị xâm nhập mặn trong mùa khô.
![]() |
Trà Vinh đặt mục tiêu ổn định về diện tích sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo đủ sức cạnh tranh vào thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL |
Tỉnh đa thực hiện các giải pháp tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng khoa học và cơ giới hóa trong sản xuất. Theo đó, từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thủy lợi gắn với giao thông, điện cho sản xuất, đầu tư cơ giới hóa, thay đổi giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Bình quân mỗi năm, tỉnh Trà Vinh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Nhờ vậy, hiện trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm cống ngăn mặn, trữ ngọt; hàng nghìn km đường dây điện trung thế, hạ thế cùng với hệ thống kênh mương thủy lợi đầu mối và nội đồng cơ bản đảm bảo cho sản xuất cây lúa 2 – 3 vụ trong năm. Ngành nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh còn kết nối với trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và nhiều nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu về thỗ nhưỡng, qui hoạch cụ thể từng vùng để cơ cấu mùa vụ trồng lúa, thực nghiệm các mô hình giống lúa mới, chuyển giao cho nông dân về các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến.
Với sự đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ, hiện gần 90% diện tích đất sản xuất đã chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Nông dân mạnh dạn đầu tư cơ giới hoá trong sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch lúa. Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh có gần 5.730 máy kéo, công suất từ 12 - 35CV; hơn 105.150 máy bơm nước, 516 máy gặt đập liên hợp, hơn 720 máy cày, 75 máy cuộn rơm, trên 300 máy tuốt lúa, 54 lò sấy, 103 dụng cụ gieo sạ, hơn 24.430 bình phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ.
Về phương thức sản xuất, hiện tất cả diện tích trồng lúa được nông nông dân sử dụng giống mới và giảm 50 % lượng giống sử dụng; gần 70% diện tích áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) và trên 60% diện tích áp dụng các quy trình sản xuất canh tác bền vững như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ướt khô xen kẻ, sản xuất hữu cơ.
Nhờ nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại, năng suất cây lúa của tỉnh không ngừng tăng theo từng năm và chất lượng hạt gạo cũng đã đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tổng sản lượng lúa bình quân của tỉnh trong 5 năm (2015 - 2020) ước đạt 5,888 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 5,45 tấn/ha/vụ.
Tổng sản lượng lương thực của tỉnh năm 2019 đạt 1,254 triệu tấn. Gần 80 % sản lượng lúa của tỉnh được các đại lý, doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Bình quân, sản xuất 1 ha lúa trong 5 năm gần đây nông dân tăng thu nhập thêm từ 3 – 5 triệu đồng so với trước.
Xây dựng vùng lúa chất lượng cao
Thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến 2030, tỉnh Trà Vinh đề ra nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giúp nông dân sản xuất bền vững và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, phấn đấu xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 300 ha trở lên; quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế 1.000 ha. Toàn tỉnh có ít nhất 5% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với thu nhập tăng từ 50% trở lên trên cùng một diện tích. Đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa vào hoạt động hiệu quả ít nhất 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về sản xuất lúa, ngoài duy trì năng suất lúa, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng thông qua việc đầu tư xây dựng một số vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh xây dựng vùng lúa hữu cơ, phấn đấu đến năm 2030 là 2.500ha, tập trung phát triển trên địa bàn huyện Châu Thành và Cầu Ngang. Đối với sản xuất lúa sạch hiện tỉnh đã có khoảng 5.000 ha và phấn đấu đến năm 2030 là 20.000 ha, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Châu Thành , Cầu Ngang, Trà Cú, Càng Long và Cầu Kè.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương quy hoạch vùng sản xuất, phối hợp cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ quy mô lớn để ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, chuỗi giá trị cho hạt lúa.
Cùng với đó, tỉnh sẽ thực thi các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, ưu tiên xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Công nghệ sinh học trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành 3 trung tâm giống tổng hợp.
Theo ông Phạm Minh Truyền, điều phấn khởi đối nông dân trồng lúa trong tỉnh hiện nay là tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 17 nhãn hiệu lúa gạo cho một số hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trong tỉnh. Nhiều địa phương cũng đã liên kết được với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao xuất khẩu. Tại huyện Châu Thành liên kết với 3 doanh nghiệp trồng lúa hữu cơ tại xã Long Hòa và Hòa Minh, với 115 hộ nông dân, tổng diện tích 95 ha, giá lúa tươi ST.24 được bao tiêu 10.200 đồng/kg.
Huyện Cầu Ngang liên kết với công ty Đại Dương Xanh và Công ty Viosa trồng lúa hữu cơ diện tích 90 ha/100 hộ tại xã Hiệp Hòa, Mỹ Hòa và Vinh Kim. Ở huyện Tiểu Cần hỗ trợ cho các hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vi sinh, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần đầu tư thương mại Quốc tế Âu Lạc, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt, với diện tích liên kết 1.020 ha.
Đây được xem là những mô hình tiên phong đem lại hiệu quả trong sản xuất lúa chất lượng cao và ổn định trong tiêu thụ thị trường xuất khẩu. Từ những mô hình này giúp nông dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia vào kinh tế tập thể. Giúp ngành nông nghiệp tỉnh có thêm giải pháp hữu hiệu tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, nhân rộng các mô hình sản suất tiên tiến đưa ngành trồng lúa của tỉnh ổn định về diện tích, nhưng tăng năng suất và mức lợi nhuận cao cho người nông dân.
Theo TTXVN
Gửi bình luận