"Tại TP.HCM lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?"

PVCT Thứ ba, ngày 09/11/2021 10:24 AM (GMT+7)
Trong phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đã nêu ví dụ về một vụ việc về lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được. Theo bà, cách làm của Cục An toàn Thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc.
Bình luận 0

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế -xã hội; ngân sách Nhà nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu từ điểm cầu TP.HCM (Đoàn ĐBQH TP.HCM vẫn họp trực tuyến do trước đó có 2 vị ĐBQH mắc Covid-19), ĐBQHTô Thị Bích Châu cho hay, đợt dịch vừa qua tại TP.HCM làm hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong.

"Tại TP.HCM lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?" - Ảnh 1.

Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận về kinh tế -xã hội; ngân sách nhà nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Nữ ĐB này cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương còn nặng nề đến mức nào nữa.

"Thay mặt nhân dân TP.HCM xin cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, chí tình, chí nghĩa vừa qua để giúp chúng tôi vượt qua cơn đại dịch", ĐB Châu nói.

Theo, ĐBQH Tô Thị Bích Châu, trong báo cáo công tác phòng, chống dịch của Chính phủ năm 2021, phần giải pháp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức, vai trò của mỗi bộ, ngành, đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "chống dịch như chống giặc", nhưng theo ĐB Châu, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó. Trong khi, địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp "nước sôi, lửa bỏng" như phòng chống dịch.

ĐB Châu nêu ví dụ cụ thể, có một lô hàng với hơn 22 nghìn lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid -19 tại TP.HCM. Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn Thực phẩm, Cục thú y.

Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý; còn Cục An toàn Thực phẩm nói "đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ". TP gửi công văn đến Chính phủ thì việc này được giao về Cục An toàn Thực phẩm trả lời.

Vậy tại sao Cục An toàn Thực phẩm không nêu chính kiến và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho rằng, cách làm của Cục An toàn Thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc và nếu như không có gì thay đổi đánh giá hàng năm thì cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. "Còn ở tại TP.HCM lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?", bà nói.

"Tại TP.HCM lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?" - Ảnh 3.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu vụ việc tại TP.HCM lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Nữ ĐB Đoàn TP.HCM mong Chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, "không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy", có lợi tốt nhất cho người dân.

"Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này", ĐB Châu nói.

Phát biểu về nội dung dạy và học trong bối cảnh dịch bùng phát, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đánh giá việc học online không thể thay thể việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để đảm bảo cung cấp kiến thức và an toàn cho người học.

Tuy nhiên ĐB Hà cũng nêu ra những tồn tại trong dạy và học trực tuyến, như việc đường truyền không ổn định, thầy cô giáo lớn tuổi gặp khó khi sử dụng công nghệ, thiết bị còn hạn chế cả về chất và lượng, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình Sóng và máy tính cho em, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Theo ĐB Hà, việc học trực tuyến kéo dài còn gây nên những tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng do bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem