Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện: 4 kiến nghị và giải pháp

PVKT Thứ sáu, ngày 17/05/2024 14:05 PM (GMT+7)
Ngày 17/5/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện – thực trạng và giải pháp". 
Bình luận 0
Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện: 4 kiến nghị và giải pháp - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Từ góc độ lý luận và thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới đều khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động tài chính vi mô trong thúc đẩy tài chính toàn diện.

Tại Việt Nam, phát triển tài chính vi mô là một trong các mục tiêu cụ thể của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược) (ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐTTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Chiến lược đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển loại hình này, như: khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động của các ngân hàng thương mại với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô; khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính; hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tăng cường xã hội hóa việc hỗ trợ, tham gia đóng góp nguồn lực tài chính trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô…

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên, khu vực tài chính vi mô đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hiện tại, có 04 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô. Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô ngày càng đa dạng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, qua đó tăng tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của người dân.

Mặc dù vậy, quy mô hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô còn khá nhỏ so với tiềm năng phát triển và đang gặp nhiều khó khăn, như: Việc tăng trưởng nguồn vốn còn hạn chế do chưa khuyến khích được mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động tài chính vi mô; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình hoạt động; năng lực quản trị điều hành, chất lượng đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế; mạng lưới hoạt động hẹp, cơ sở hạ tầng, công nghệ còn chậm chuyển đổi…

Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện: 4 kiến nghị và giải pháp - Ảnh 2.

Toàn cảnh tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đi sâu, tập trung thảo luận, đánh giá: Đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện thực tiễn hoạt động của một số tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô cũng như thực trạng tiếp cận tài chính của các khách hàng tài chính vi mô; đồng thời rà soát, phân tích hành lang pháp lý; Kinh nghiệm quốc tế; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành nhằm phát triển hoạt động này trong thời gian tới.

Để tài chính vi mô phát huy vai trò là một trụ cột thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, trong đó cần tập trung: Thống nhất quy định về khách hàng tài chính vi mô phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi Luật các TCTD; Sửa đổi quy định về thành viên góp vốn theo hướng không bắt buộc phải có một tổ chức chính trị, chính trị xã hội...; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động của tài chính vi mô nhất là các chương trình dự án khá đa dạng tại các tỉnh, thành phố hiện nay, trước hết là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá của cơ quan địa phương các cấp và các bộ ngành chức năng kể cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác.

Hai là, không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô như: Tăng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư trong nước và trái phiếu/huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; đầu tư ứng dụng công nghệ vào các quy trình hoạt động để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển và đa dạng hóa sản phẩm; đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh hợp tác với NHTM, các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ (như eKYC, SMS banking, Homebanking, Mobilebanking…) để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.

Ba là, tăng cường các hoạt động giáo dục, truyền thông về hiểu biết tài chính cho khách hàng và người dân để giúp họ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, góp phần cải thiện thu nhập, hướng tới mục tiêu tài chính bền vững.

Bốn là, tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động của các ngân hàng thương mại với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô thông qua hình thức cung cấp vốn tín dụng.

Đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Đây là cơ hội để cơ quan quản lý lắng nghe những ý kiến trao đổi, đề xuất chính sách từ phía các chuyên gia, các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát triển hoạt động này trong thời gian tới".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem