Sức mua yếu, doanh nghiệp lo lắng mùa kinh doanh cuối năm

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ hai, ngày 30/10/2023 15:23 PM (GMT+7)
Thị trường đang vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa kinh doanh dịp lễ, tết nhưng nhiều doanh nghiệp khá dè dặt bởi sức mua đang rất khó đoán.
Bình luận 0

Như thường lệ, bước vào quý IV là thời điểm các cơ sở kinh doanh ở TP.HCM đều đã chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm với kỳ vọng sức mua của những ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, thời trang, gia dụng… sẽ tăng mạnh. Tuy vậy, năm nay sức mua chưa cao so với kỳ vọng khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng.

Sức mua còn yếu, doanh nghiệp lo lắng cho mùa kinh doanh cuối năm - Ảnh 1.

Nhiều DN lo lắng sức mua dịp cuối năm vẫn sẽ ảm đạm do kinh tế khó khăn. Ảnh: TL

Thị trường Tết dự báo sẽ khá trầm lắng

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Công ty Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho hay, năm nay Việt kiều về quê ăn Tết dự báo sẽ giảm nên thị trường Tết có thể sẽ kém sôi động. Vì vậy, năm nay doanh nghiệp phải linh động tìm hướng tiếp cận người tiêu dùng.

"Tết năm nay chúng tôi sẽ đẩy mạnh bán hàng qua kênh Tiktok Shop, mỗi phần quà Tết giá từ 100.000 - 120.000 đồng là các món đặc sản truyền thống, hy vọng phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới", ông Tuấn cho biết.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cũng cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị xong hàng hóa cho mùa Tết.

Theo ông Thông, các phần quà của Phúc Sinh năm nay có giá giảm 40% nhưng chất lượng không đổi so với 3 năm trước đây do doanh nghiệp sản xuất số lượng nhiều và đặc biệt là nhà cung cấp bao bì đã thay thế vật liệu xanh hơn, đẹp hơn nhưng giá rẻ hơn.

Tuy vậy, ông Thông cũng thừa nhận doanh nghiệp đang phải vật lộn với thị trường nội địa dù xuất khẩu đang rất tốt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%; doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%; doanh thu lữ hành tăng 68,9%.

Đại diện Vissan cũng cho biết, dự kiến năm nay sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng.

Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.

Sức mua còn yếu, doanh nghiệp lo lắng cho mùa kinh doanh cuối năm - Ảnh 3.

Phía Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng đảm bảo giữ bình ổn giá trứng cho mùa tết 2024. Ảnh: Vĩnh Thành Đạt

Đại diện hệ thống MM Mega Market cũng thông tin, hiện nhu cầu mua sắm của người dân chậm hơn mọi năm, đơn vị sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bên cạnh việc giữ giá bán bình ổn, từ nay đến cuối năm, nhà bán lẻ này sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10% - 30%.

Nhận định về xu hướng thị trường tết năm nay, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho biết qua phân tích thị trường, có thể dự báo mùa Tết năm nay khó khăn. Người dân sẽ không chi tiền ào ạt 3-4 tuần trước Tết để đi siêu thị chất đầy những giỏ hàng Tết nữa mà có thể cân nhắc mua từ từ, mua vừa phải, thiếu gì thì mua đó.

"Người tiêu dùng sẽ ưu tiên sản phẩm có giá trị sử dụng cao, chuộng kênh mua sắm tiện lợi như thương mại điện tử, siêu thị nhỏ. Đặc biệt, mọi năm mùa Tết hàng cao cấp tăng trưởng rất mạnh phân khúc quà biếu nhưng năm nay có thể sẽ chững lại do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang hàng có phân khúc thấp hơn hoặc khuyến mãi nhiều hơn", bà Nga nói.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho hay, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa cho thị trường mùa mua sắm cuối năm. Dự kiến nếu sức mua tăng 15%-20% các DN vẫn đủ sức cung ứng. 

Đặc biệt, có 11 nhóm hàng với 44 công ty đã tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM, chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau củ… Các doanh nghiệp cam kết từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá để kích cầu mua sắm. 

"Hiện các sở, ngành, các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng đã có các chương trình kích cầu, tạo điều kiện để hàng hóa sản phẩm giá cả hợp lý đến với người tiêu dùng", bà Chi nói.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận hiện nay sức mua thị trường hơi yếu, tăng rất ít. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nằm ở chỗ đầu vào nguyên vật liệu nhập khẩu tăng do tỷ giá biến động tăng cao, đẩy chi phí đầu vào tăng lên.

Sức mua còn yếu, doanh nghiệp lo lắng cho mùa kinh doanh cuối năm - Ảnh 4.

Bình ổn thị trường là mục tiêu của TP.HCM trong dịp lễ, tết.

"Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là hợp lý. Việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá hàng hóa, người dân mạnh dạn chi tiêu", bà Chi nói.

Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM thì cho biết, đang phối hợp với các ban ngành, DN triển khai nhiều chương trình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung để người dân mua được sản phẩm có giá tốt vào dịp mua sắm dịp cuối năm. 

Đặc biệt, thành phố cũng sẽ tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…, phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia.

Thành phố dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức đợt 2 của chương trình khuyến mãi tập trung vào tháng 11 này. Trong đợt khuyến mãi lần 2 này, thành phố khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để kích cầu mua sắm, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100%, tương đương mua 1 tặng 1.

Cùng với đó, dự kiến, cuối tháng 12/2023 Sở Công Thương sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất - cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem