Việc sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là cần thiết

Quang Sung Thứ sáu, ngày 29/03/2024 13:17 PM (GMT+7)
Với tổng đàn chó, mèo cao, mật độ dân cư đông, TP.HCM cần sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM.
Bình luận 0

Hiện nay, TP.HCM có hơn 183.700 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ gia đình. Trong đó,  số chó lai là 29.099 con, chiếm 15,80% tổng đàn; chó ngoại là 26.263 con chiếm 14,26% tổng đàn;  chó ta là 121.902 con chiếm 66,9% tổng đàn. Riêng 5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ có khoảng 63.088 con chó, mèo chiếm khoảng 34,26% tổng đàn của thành phố.

Quản lý nuôi chó, mèo cần phối hợp nhiều bên

Theo nhận định của Sở NNPTNT TP.HCM đây là số lượng đàn chó, mèo lớn. Do đó, phát sinh nhiều vấn đề từ việc nuôi chó, mèo như tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, vệ sinh nơi công cộng, chó tấn công người, chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông…

Việc sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là cần thiết- Ảnh 1.

Việc sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là cần thiết. Ảnh: Q.S

Sở NNPTNT đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét việc quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Trong có các nội dung nổi bật như: Người nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND phường, xã; hạn chế nuôi các loài chó hung dữ; khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo; không thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác…

Th.S Đỗ Thị Mộng Thơ - Phó Chủ tịch Chi hội Thú y Thú nhỏ Việt Nam cho biết, đề xuất về ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là rất cần thiết.

“Chúng ta cần bắt đầu có sự thay đổi, phải khắt khe hơn trong việc truyền đạt cho người chủ nuôi ý thức được con chó của mình là động vật. Nếu trong quá trình phát triển, nó có vấn đề về tâm sinh lý, như ve cắn, bệnh tật, nóng bức… thì có thể xảy ra những hành động mất kiểm soát, gây nguy hiểm cho chủ và người xung quanh. Nếu nuôi chó mà để chó tấn công người, cần xem xét ở mức phạt hình sự. Đó là điều mà nhiều người rất bức xúc. Chúng ta cần có luật để áp dụng cho rõ ràng, người dân mới tuân thủ được”, bà Thơ nói.

Theo bà Thơ, để chính quyền địa phương gắn kết với người chủ nuôi là tương đối khó. Vì lực lượng của chính quyền địa phương không đông, để đi tới thăm dò từng chủ nuôi, thu thập thông tin rất mất thời gian.

Việc sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là cần thiết- Ảnh 3.

Hiện nay có nhiều dịch vụ chăm sóc thú cưng cao cấp, phổ biến. Ảnh: Q.D

“Có thể phối hợp với các phòng khám, họ sẽ quản lý chó, mèo chắc chắn hơn, vì họ là người trực tiếp làm việc với chủ nuôi, tạo nên sự phối hợp ba bên giữa chính quyền, chủ nuôi và phòng khám. Các phòng khám sẽ tư vấn cho chủ nuôi chăm sóc thú cưng như thế nào để an toàn, đồng thời giám sát được việc tiêm ngừa dại rất sát”, bà Thơ gợi ý.

TP.HCM là vùng an toàn về bệnh dại

Trong thời gian chờ Tờ trình Đề nghị xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM của Sở NNPTNT TP.HCM được phê duyệt. Các đơn vị liên quan đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm kiểm soát dịch bệnh và vấn nạn chó, mèo thả rông trên địa bàn TP.HCM.

Việc sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là cần thiết- Ảnh 4.

Quản lý nuôi chó, mèo là giải pháp đảm bảo trật tự đô thị. Ảnh: Q.S

Ông Lê Minh Trí - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, về công tác tiêm phòng vắc xin, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM phối hợp UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn. Trong đó, hỗ trợ 50% chi phí vắc xin tại 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi). Đồng thời tập trung tiêm phòng vắc xin đại trà vào khoảng tháng 3 - 5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo tuổi chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phòng hằng năm luôn đạt tỷ lệ trên 88% tổng đàn kiểm tra.

Ngoài ra, mỗi năm đơn vị lấy khoảng hơn 300 mẫu máu xét nghiệm hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, qua đó tỷ lệ bảo hộ đối với bệnh dại tại TP.HCM luôn đạt trên 80%. Các cơ quan cũng kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hành nghề dịch vụ thú y tư nhân, nhằm cập nhật kịp thời tình hình tiêm phòng tại các phòng khám thú y tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh cho người nuôi chó, mèo.

Việc sớm ban hành quy định quản lý chó, mèo trên địa bàn TP.HCM là cần thiết- Ảnh 5.

Đội bắt chó thả rông trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Q.S

Theo ông Trí, công tác bắt chó thả rông cũng được thực hiện tích cực. Hiện nay, có 59 phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đã thành lập tổ bắt chó thả rông (hiện thành phố có 312 phường, xã, thị trấn).

Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca). Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM nhiều năm liền không xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người. TP.HCM cũng được cấp chứng nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem