Siêu thị gồng mình phục vụ bữa ăn cho hơn 9 triệu dân TP.HCM

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 02/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Thông thường, kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu toàn TP.HCM. Nhưng hai tháng qua, các siêu thị đã "gồng" mình phục vụ bữa ăn cho hơn 9 triệu dân.
Bình luận 0

Đăng ký đi chợ hộ thông qua địa phương, thực phẩm được mua do một siêu thị trên địa bàn cung cấp nhưng chị H.Nhân (ngụ quận Phú Nhuận) phải mất 4 ngày mới nhận được hàng. Đó là chưa kể đơn hàng của chị bị thiếu 1-2 loại rau xanh so với đơn đặt ban đầu, vì điểm bán hết hàng.

Thế khó của siêu thị hiện nay

Các siêu thị tiếp tục ùn ứ đơn hàng đi chợ hộ vài ngày qua bởi nhu cầu của người dân TP.HCM tăng cao. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp từ tăng cường nhân viên đến có sự hỗ trợ của lực lượng shipper công nghệ nhưng cũng không thể đáp ứng xuể.

Hai tháng trước, khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, TP quyết định "dẹp" toàn bộ chợ tự phát, ngay sau đó, nhiều chợ truyền thống cũng tạm ngưng hoạt động, áp lực về hàng hóa thiết yếu hàng ngày đã dồn lên kênh siêu thị. Từ đó đến nay, càng nhiều chợ truyền thống đóng cửa, hiện gần như không còn chợ nào hoạt động nên áp lực với siêu thị càng lớn.

Thế khó của siêu thị khi phục vụ bữa ăn cho hơn 9 triệu dân TP.HCM - Ảnh 1.

Nhân viên siêu thị tất bật soạn đơn, thêm hàng đáp ứng nhu cầu của người dân TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, kênh phân phối hàng hóa truyền thống như chợ đầu mối, chợ truyền thống đáp ứng đến 60-70% nhu cầu của người dân toàn TP. Trong khi đó, kênh phân phối hiện đại mà đại diện là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm chỉ chiếm từ 30-40%.

Về độ phủ, kênh phân phối truyền thống với 3 chợ đầu mối, 234 chợ truyền thống, cùng hệ thống các tiệm tạp hoá khắp ngõ hẻm cũng áp đảo hơn nhiều so với kênh bán hàng hiện đại. Dù chiếm tỷ lệ đáp ứng nhu cầu thấp hơn, độ phủ hẹp hơn nhưng suốt hai tháng qua, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã "gồng" mình đáp ứng nhu cầu bữa ăn cho hơn 9 triệu người dân.

Giữa tháng 7, đại diện Saigon Co.op cho biết tại TP.HCM, doanh nghiệp có chưa đến 10.000 người nhưng phục vụ ước tính cho 3 - 5 triệu người dân thành phố. Đó là thời điểm người lao động tại các hệ thống bán lẻ chưa bị cắt giảm nhưng các siêu thị cũng đã bắt đầu quá tải.

Còn hiện nay, số lượng nhân viên các hệ thống siêu thị đã giảm đáng kể vì chưa được cấp giấy đi đường, nằm trong vùng phong tỏa, thuộc diện F0, F1… trong khi đó, nhu cầu thực phẩm của người dân không thay đổi. Đặc biệt, mô hình đi chợ hộ một tuần qua áp dụng, cũng khiến doanh nghiệp áp lực do khâu gom hàng phần lớn được giao cho siêu thị.

Dù nhiều kinh nghiệm, thuần thục cũng như nhớ vị trí các mặt hàng và mã hàng nhưng đại diện Aeon Việt Nam cho hay, trung bình một nhân viên siêu thị chỉ có thể soạn được tối đa 30 đơn hàng trong một ngày.

Phó Tổng Giám đốc Vincommerce - bà Nguyễn Thị Phương, cũng cho biết với hàng nghìn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng giấy đi đường được cấp cho nhân viên từ 10% lên 30% cũng là quá nhỏ để đáp ứng kịp nhu cầu. Thậm chí, khi cơ quan quản lý tiếp tục nới lỏng, tình trạng ùn ứ đơn hàng vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Vừa làm vừa mong được gỡ khó

Đại diện Saigon Co.op cho biết phân tích ngành hàng thời gian qua cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Các mặt hàng bình ổn cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào.

Ngoài ra, hàng loạt chi phí "khủng" đặc thù phát sinh trong mùa dịch cũng là khó khăn lớn cho siêu thị, như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao. Nhiều siêu thị phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm, điều này cũng khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

Thế khó của siêu thị khi phục vụ bữa ăn cho hơn 9 triệu dân TP.HCM - Ảnh 3.

Siêu thị kiến nghị tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng từ nguồn cung cấp lẫn phân phối đến người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Phúc.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức, cho biết vẫn sẽ cơ bản chuẩn bị đủ lượng hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá cho nhiều tháng tới; đồng thời, tiếp tục nỗ lực bù lỗ, thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới.

Để đảm bảo cung ứng hàng liên tục, các doanh nghiệp bán lẻ đều khẳng định đã tăng cường tìm kiếm, kiểm soát chất lượng các nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo đủ cung cấp cho người dân; chia nhỏ các kho trung chuyển thực phẩm về các siêu thị nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy đường đi nếu phát sinh lây nhiễm; triển khai phương án "3 tại chỗ". Ngay khi TP.HCM tăng cường siết chặt "ai ở đâu ở yên đó", ba siêu thị Satramart và hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM bắt đầu thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo cung ứng hàng liên tục, nhất là mô hình đi chợ hộ TP đang triển khai.

Giám đốc một hệ thống siêu thị khẳng định hàng hoá, thực phẩm cung ứng cho người dân không thiếu nhưng khó khăn nhất vẫn là khâu lưu thông, kể cả hàng nhập về siêu thị lẫn phân phối đến tay người dân. Do đó, cần có biện pháp hữu hiệu hơn để "cởi trói" vướng mắc này.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam đã kiến nghị kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, với lộ trình lui khoảng 3 - 6 tháng; tăng tỷ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, bên cạnh các chính sách đã được Chính phủ công bố.

Ông cũng mong muốn được giảm giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, để giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp, bởi có một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày một lần, có tháng lên đến 10 lần với phí xét nghiệm hiện tại trung bình từ 1,5-3 triệu đồng mỗi nhân viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem