Nhiều giống cây trồng được nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất phù hợp với nông nghiệp đô thị

Nam Bình Thứ ba, ngày 17/10/2023 11:32 AM (GMT+7)
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị, TP.HCM đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng cho khu vực phía Nam.
Bình luận 0

Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM là một trong những đơn vị tham gia thực hiện các chương trình trọng điểm của Thành phố, và đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu liên quan.

Sản xuất các giống cây trồng phục vụ nông nghiệp đô thị

Những năm gần đây, TP.HCM đã dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao.

Việc này nhằm nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 75-85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả Thành phố.

Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM. Ảnh: Nam Bình

Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, nơi thực hiện các chương trình trọng điểm về nông nghiệp đô thị của Thành phố. Ảnh: Nam Bình

TS. Hà Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, cho biết việc ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống cây trồng phù hợp có ý nghĩa quan trọng với nông nghiệp đô thị, đáp ứng mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn Thành phố.

Đối với lĩnh vực cây trồng, Trung tâm đã tập trung ứng dụng công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao, để sản xuất giống cây trồng có chất lượng, năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu khu vực Nam Bộ, xây dựng quy trình canh tác, sản xuất sinh khối cây dược liệu quý.

Riêng với TP.HCM, Trung tâm thực hiện lưu trữ và bảo tồn nguồn gen các giống rau, hoa, kiểng lá và cây dược liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất.

Đến nay, Trung tâm đã sưu tập được 400 giống hoa lan (trong đó có 145 giống lan rừng), 174 giống kiểng lá, 134 giống hoa nền, 42 giống hoa hồng và 105 giống dược liệu.

Cán bộ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM nuôi cấy mô hoa lan. Ảnh: Nam Bình

Cán bộ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM nuôi cấy mô hoa lan. Ảnh: Nam Bình

Từ kết quả đánh giá tính thích nghi và các đặc điểm hình thái nổi trội, Trung tâm đã chọn lọc những giống có khả năng thích nghi tốt, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng để tiến hành nhân giống.

Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành nhân nhanh 21 giống lan Dendrobium, 5 giống hoa nền, 3 giống lan Hồ điệp, 6 giống lan rừng, 6 giống dược liệu.

Đặc biệt, Trung tâm ứng dụng hệ thống ngập chìm tạm thời (Temporary immersion system – TIS) trong việc sản xuất số lượng lớn cây giống hoa chuông, hồ điệp góp phần tăng hệ số nhân gấp 1,5 lần;  rút ngắn thời gian nuôi cấy xuống 3-5 lần so với nuôi cấy trên môi trường thạch. Sản lượng cây nuôi cấy mô các loại đạt trung bình trên 400.000 cây/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem