Mật độ dân số tăng cao gây tắc nghẽn phát triển kinh tế TP.HCM

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 04/01/2024 12:49 PM (GMT+7)
Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM là nghiên cứu khoa học do ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp với Cục Thống kê TP.HCM thực hiện. Số đầu tiên ra mắt đầu năm 2024, dự kiến sẽ xuất bản định kỳ hằng năm.
Bình luận 0

ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) và Cục Thống kê TP.HCM ngày 4/1 đã tổ chức tọa đàm ra mắt "Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM: Kết quả 2023 và Dự báo 2024". Đây là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục Thống kê TP.HCM phối hợp thực hiện, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về Kinh tế TP.HCM năm 2023; dự báo, triển vọng năm 2024 và đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền thành phố.

Mật độ dân số tăng cao gây tắc nghẽn phát triển kinh tế TP.HCM- Ảnh 1.

GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ tại buổi ra mắt ấn phẩm Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM. Ảnh: M.Q

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết số đầu tiên của ấn phẩm có chủ đề "Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM: Kết quả 2023 và Dự báo 2024", cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình kinh tế TP.HCM năm 2023, các kết quả đã đạt được; dự báo, triển vọng cho năm 2024 và đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền TP.HCM.

Dự kiến, ấn phẩm sẽ được xuất bản định kỳ hàng năm.

 Nền kinh tế TP.HCM đang hồi phục một cách ổn định

Theo ấn phẩm Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM, dù không đạt mục tiêu đề ra, nền kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đều đạt được mức tăng trưởng khá cao trong năm 2023 so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Có thể nói kết thúc 2023, nền kinh tế TP.HCM đang hồi phục một cách ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Mật độ dân số tăng cao gây tắc nghẽn phát triển kinh tế TP.HCM- Ảnh 2.

Ấn phẩm Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM dự kiến sẽ xuất bản hàng năm. Ảnh: M.Q

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023, giai đoạn 2016-2019, GRDP thực của TP.HCM cao hơn và tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của GRDP tiềm năng. Để đáp ứng tổng cầu tăng cao trong giai đoạn này, kinh tế của TP.HCM đã đón nhận một lực lượng lao động rất lớn đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước. 

Khi tổng cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19, lực lượng lao động ở TP.HCM cũng giảm xuống nhanh chóng, khi lao động di cư đi đến những tỉnh thành khác.

Mật độ dân số ở TP.HCM tăng cao, làm bộc lộ nhiều điểm tắc nghẽn nội tại trong cấu trúc của nền kinh tế TP.HCM, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và bộ máy quản lý kinh tế. Đây là một chủ đề quan trọng cần phải được nghiên cứu sâu hơn, để cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng trong việc định hướng phát triển nền kinh tế TP.HCM.

Mật độ dân số tăng cao gây tắc nghẽn phát triển kinh tế TP.HCM- Ảnh 3.

Nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận tại tọa đàm ra mắt Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM. Ảnh: M.Q

Theo Báo cáo, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, cộng với quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản, để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, là những chìa khóa quan trọng để kinh tế TP.HCM tránh lặp lại tình trạng tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016-2019.

Dữ liệu cấp quý trong năm 2023 còn cho thấy sự phục hồi ổn định của nền kinh tế TP.HCM. Sự phục hồi của tổng cầu được phản ánh khá rõ, thông qua rất nhiều chỉ tiêu về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi, các chính sách của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc thích nghi với sự thay đổi, tận dụng các cơ hội mới và đang đi đúng hướng.

Knh tế TP.HCM năm 2024 ra sao?

Đối với triển vọng năm 2024, ấn phẩm thể hiện các thị trường lớn cho xuất khẩu của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bao gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn. 

Và điều này cho thấy xuất khẩu của TP.HCM và Việt Nam đến các thị trường này sẽ khó có khả năng bứt phá trong năm 2024. Đây sẽ một thách thức cho TP.HCM và Việt Nam trong việc thúc đẩy hồi phục của tổng cầu.

Mật độ dân số tăng cao gây tắc nghẽn phát triển kinh tế TP.HCM- Ảnh 4.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM do ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp với Cục Thống kê TP.HCM thực hiện.

Nhưng với sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, cùng nỗ lực khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, sự phục hồi của tổng cầu ở TP.HCM và cả nước, kinh tế TP.HCM được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.

Về gợi ý chính sách thúc đẩy tổng cầu, bên cạnh thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, đầu tư tích lũy tài sản doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu, ấn phẩm cho rằng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, và đặc biệt là Ấn Độ. 

Dự báo tổng cầu đối với nền kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục phục hồi nhưng khó có khả năng bứt phá mạnh mẽ. Nếu kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc TP. HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm 2024 là 7,1-8% có thể đạt được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem