Phú Thọ: Trồng giống cây mới, nuôi vật nuôi mới, nông dân nghèo tăng thu nhập

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 07/05/2024 09:00 AM (GMT+7)
Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô hàng hóa, trồng giống cây mới có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bình luận 0

Nông dân nghèo tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách

Phú Thọ là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, tuy nhiên việc sản xuất vẫn manh mún, hiệu quả chưa cao. Nhiều nông dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách để đầu tư phát triển nông nghiệp. 

Những năm gần đây, nhờ chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi mà hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Phú Thọ: Trồng giống cây mới, nuôi vật nuôi mới, nông dân nghèo tăng thu nhập- Ảnh 1.

Từ vốn vay tín dụng chính sách, hộ chị Nguyễn Thị Phương (xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã có tiền đầu tư mua giống chè mới trồng trên diện tích lớn, kết hợp chăn nuôi mang lại thu nhập ngày một cao. Ảnh: H.N

Năm 2017, chị Nguyễn Thị Phương (ở khu 8, xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) nhận 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba.

Chị Phương chia sẻ, chồng mất sớm, bản thân chị không có công việc ổn định trong khi phải gồng gánh cả gia đình nên cái nghèo luôn đeo bám dai dẳng. Chị cũng ấp ủ dự tính trồng trọt, chăn nuôi quy mô để thoát nghèo, nhưng không có tiền để đầu tư, phát triển kinh tế.

Nhờ có vốn vay, chị Phương bắt tay luôn vào mua giống cây chè mới năng suất cao trồng thay thế diện tích chè giống cũ, kém hiệu quả. Đồng thời, sửa lại chuồng nuôi chắc chắn, mua con giống lợn, gà, vịt về chăn nuôi theo quy mô hàng hóa.

"Lấy ngắn nuôi dài, mỗi vụ thu hoạch chè, lợn, gà, vịt tích được ít tiền lãi là lại hùn vốn, tăng số lượng đàn nuôi mới, mở rộng diện tích trồng chè giống mới lên dần dần… Đến năm 2020, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện nguồn thu ổn định từ cây chè và chăn nuôi lên đến gần 200 triệu mỗi năm đã giúp cuộc sống khấm khá lên rất nhiều, xây được nhà kiên cố, khang trang, sắm sửa đồ gia dụng đầy đủ…" - chị Phương phấn khởi nói.

Phú Thọ: Trồng giống cây mới, nuôi vật nuôi mới, nông dân nghèo tăng thu nhập- Ảnh 2.

Các chương trình vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi đã tiếp sức cho nông dân, nhất là những hộ nghèo ở Phú Thọ. Ảnh: H.N

Còn anh Phùng Văn Đàn (ở khu Bương, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) trước đây là hộ nghèo. Quanh năm ngày tháng, anh Đàn chịu khó làm ruộng đồng, ngày nông nhàn tranh thủ làm thuê đủ việc, từ làm công nhật phun thuốc trừ sâu, bóc dăm gỗ, đến phụ hồ... nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu.

Năm 2019, hộ anh Đàn được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn. Anh Đàn dùng số vốn này mua 4 con bò và kết hợp trồng rừng (keo, quế…). Đồng thời anh Đàn còn thường xuyên được cán bộ kỹ thuật địa phương cầm tay chỉ việc, trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…

Đến nay, gia đình anh Đàn chăn nuôi 12 con con bò, trồng hơn 1ha rừng, cuộc sống nâng cao hơn rõ rệt, con cái được đến trường học hành đầy đủ… Gia đình anh Đàn đã trả hết nợ, thoát nghèo từ cuối năm 2023. Anh Đàn nhận định năm nay gia đình sẽ thu về gần 100 triệu đồng từ đàn vật nuôi, cây trồng đang phát triển tốt.

Vốn vay tín dụng chính sách làm "đòn bẩy" giảm nghèo bền vững

"Từ nay khi có tiền thu được bán bò, thu cây, tôi sẽ đầu tư sửa chữa, xây dựng chuồng trại rộng hơn phục vụ tăng đàn nuôi và chăm sóc rừng trồng theo hướng lâu năm mới khai thác để tăng giá trị khi thu hoạch. Và chắc chỉ thời gian ngắn nữa, khi có nguồn thu ổn định, tôi sẽ nhận thầu khoán, mua thêm đất trồng cây chè giống mới, hướng tới phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, cho thu nhập cao hơn, vươn lên làm giàu" - anh Đàn phấn khởi chia sẻ về dự định tương lai.

Phú Thọ: Trồng giống cây mới, nuôi vật nuôi mới, nông dân nghèo tăng thu nhập- Ảnh 3.

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình anh Phùng Văn Đàn (đứng giữa, ở xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đầu tư phát triển mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ảnh: H.N

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ cho biết, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đang triển khai 20 chương trình vốn vay tín dụng chính sách thông qua 840 tổ chức hội, đoàn thể ủy thác cơ sở với 3.695 tổ tiết kiệm vay vốn.

Trong 20 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có trên 78.200 hộ thoát nghèo; 215.800 lao động được tạo việc làm; hỗ trợ kinh phí cho trên 7.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho trên 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo và sửa chữa cho gần 345.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua, sửa chữa, xây mới 339 căn nhà ở xã hội và 15.729 căn nhà cho hộ nghèo...

Việc triển khai các nguồn vốn CSXH trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ. Chương trình tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 31,08% năm 2005 xuống còn 5,19% năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, hệ thống Ngân hàng CSXH ở Phú Thọ đang tập trung triển khai hoạt động vốn vay tín dụng chính sách giai đoạn 2021- 2030 phát triển theo hướng ổn định bền vững đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, bám sát chương trình, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng CSXH...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem