Phải xây dựng một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm

Bạch Dương Thứ tư, ngày 05/07/2023 14:33 PM (GMT+7)
Ngày 5/7 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" khu vực phía Nam.
Bình luận 0
Phải xây dựng một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Hội thảo triển khai chỉ thị số 17-CT/TW ngày 5/7 tại TP.HCM. Ảnh: T.An

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong những năm qua, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) không ngừng nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP; công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an ninh, ATTP được tập trung đẩy mạnh và có hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành nói chung và Bộ Y tế nói riêng quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao.

Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD (gạo trên 3,5 tỷ USD) đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, thủy sản trên 11 tỷ USD (tôm trên 4 tỷ USD) chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam. Hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam được đánh giá là đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.

Đặc biệt, bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ATTP từ Trung ương đến địa phương. Dù vậy, thực tế triển khai cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Hiện nay mô hình quản lý ATTP không thống nhất, ví dụ như mô hình thí điểm Sở An toàn thực phẩm chuẩn bị triển khai tại TP.HCM, mô hình Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương, Ban Quản lý ATTP tại một số tỉnh thành…

Phải xây dựng một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: B.D

Ông Phong nhấn mạnh, ngoài các công tác chuyên môn như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông… Chỉ thị của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy này. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến, đồng thời đánh giá công tác quản lý ATTP, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP tại Trung ương và địa phương, những thực tiễn bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới tại đơn vị... Từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem