Nhà tài phiệt Philip Green sinh năm 1952 ở Croydon, phía nam London (Anh). Cha ông qua đời khi ông mới 12 tuổi. Mặc dù sinh ra trong gia đình khá giả nhưng Philip Green luôn tự hào vì nỗ lực vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp.
Philip Green khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng với một cửa hàng quần áo bình dân nhỏ, sau đó dần mở rộng quy mô, tự thuê nhà xưởng ở nước ngoài để sản xuất và cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang danh tiếng. Trong suốt 20 năm, người đàn ông 68 tuổi đã thống trị thị trường bán lẻ Anh, gây dựng khối tài sản trị giá hàng tỷ bảng thông qua một loạt thương vụ mua lại.
Năm 2000, ông chi 200 triệu bảng để sở hữu chuỗi cửa hàng BHS, và tiếp tục móc hầu bao 850 triệu bảng vào 2 năm sau đó nhằm thâu tóm Tập đoàn Arcadia, sở hữu hàng loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng như Burton, Evans, Outfit, Topshop...
Nhờ nắm bắt xu hướng tốt cùng sự liều lĩnh trong kinh doanh, Philip Green trở thành một trong những nhân vật tầm cỡ nhất trong ngành bán lẻ xứ sở sương mù.
![]() |
Philip Green từng là một trong những ông trùm bán lẻ thành công nhất thế giới. Nhưng giờ đây ông không còn đứng trong danh sách tỷ phú. Ảnh: Bloomberg |
Chỉ hơn một thập kỷ trước, ông Philip Green nỗ lực theo đuổi tham vọng thống trị ngành bán lẻ toàn cầu. Thương hiệu thời trang bình dân Anh quốc Topshop chính thức đổ bộ vào thị trường Mỹ khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở New York năm 2009, nuôi hy vọng tạo nên một đế chế hùng mạnh tại đây.
Sự kiện thu hút nhiều chú ý với sự tham dự của siêu mẫu Kate Moss, rapper Jay Z và ngôi sao nhóm nhạc Blondie - Debbie Harry, đông đảo người mua sắm đã xếp hàng dài xung quanh.
Topshop từng là điểm đến của đông đảo thanh thiếu niên và những người yêu thích thời trang giá cả phải chăng, được các nhà phân tích đánh giá là tài sản hấp dẫn nhất của Tập đoàn Arcadia. Tuy nhiên, đế chế của ông Philip Green dần suy yếu bởi vì trùm bán lẻ người Anh luôn hoài nghi về sức mạnh của internet, trong khi các đối thủ như ASOS và Boohoo coi đây là tương lai của ngành mua sắm.
Năm 2010, trong khi nhiều thương hiệu bán lẻ hàng đầu phải nỗ lực thay đổi liên tục để đáp ứng thị hiếu không ngừng tăng của khách hàng cũng như chống lại sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt tên tuổi mới tiềm năng như Zara, H&M và Primark của Inditex…, thì BHS đi chệch khỏi quỹ đạo, tình hình kinh doanh bắt đầu tuột dốc.
Đầu năm 2015, “ông vua phố thương mại” quyết định bán lại thương hiệu này với giá chỉ 1 bảng Anh cho ông Dominic Chappell - nhà đầu tư đã 3 lần bị phá sản. Một năm sau, BHS sụp đổ, đẩy 11.000 lao động vào tình thế khó khăn và để lại khoản nợ lương hưu khổng lồ. Uy tín của Philip Green cũng giảm sút.
Giờ đây, đại dịch Covid-19 ập đến tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu, giáng đòn chí tử vào các tập đoàn thời trang bán lẻ, sở hữu chuỗi cửa hàng trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Arcadia của Philip Green cũng không còn đủ sức trụ vững khi thị trường thương mại điện tử nở rộ khiến các cửa hàng cao cấp trước đó lao đao.
Tối ngày 30/11, nhiều hãng tin quốc tế cho biết doanh nghiệp này đã nộp đơn xin phá sản, kéo theo 466 cửa hàng trên toàn cầu rơi vào tình trạng đóng cửa và 13.000 nhân viên có nguy cơ mất việc làm. Đây là một trong những vụ phá sản ngành bán lẻ lớn nhất tại Anh từ đầu đại dịch.
Động thái này cũng đã giáng đòn mạnh lên thị trường việc làm của Anh, ghi nhận 235.000 người thất nghiệp từ đầu mùa dịch, giữa bối cảnh kinh tế nước này chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tồi nhất nhất trong hơn 300 năm.
Đối với Philip Green, thất bại này một lần nữa khiến nhà tài phiệt khó có thể khôi phục danh tiếng. Ông từng được cựu Thủ tướng Tony Blair trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ trong ngành dichn vụ bán lẻ vào năm 2006.
![]() |
Từng là ánh sáng chói lọi làng thời trang Anh quốc, thương hiệu nổi tiếng Topshop đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Ảnh: TL |
Ở đỉnh cao trong sự nghiệp, Philip Green được mời và ngồi trên hàng ghế đầu trong các show diễn của Tuần lễ thời trang London cùng siêu mẫu Kate Moss, tổng biên tập tạp chí Vogue - Anna Wintour…, thường xuyên lọt vào ống kính của các tay săn ảnh khi di chuyển từ Monaco, quê hương của giới siêu giàu, đến London bằng máy bay riêng, “cưỡi” siêu du thuyền trị giá 100 triệu bảng tên là Lionheart, thậm chí còn mời cả ca sĩ Beyoncé, Jennifer Lopez… biểu diễn tại các bữa tiệc xa hoa.
Song, tên tuổi của ông dần bị lu mờ trong ngành bán lẻ khi vướng vào các cáo buộc quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc mặc dù đã lên tiếng phủ nhận.
Không ai ngoại trừ Philip Green, vợ ông - Tina Green, và kế toán biết chính xác về độ giàu có của doanh nhân 68 tuổi, nhưng có một điều chắc chắn là “vua phố lớn” đã chứng kiến giá trị tài sản sụt giảm nhiều so với trước đây.
Cặp vợ chồng sở hữu đế chế bán lẻ Arcadia đã sụp đổ hôm 30/11, được xếp hạng là những người giàu thứ 5 của Vương quốc Anh vào năm 2006, với tài sản ước tính 4,9 tỷ bảng Anh, theo tờ Sunday Times. Phần lớn số tiền đó thu được từ khoản cổ tức 1,2 tỷ bảng Anh năm 2005, đánh dấu mức tổ tức lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Anh.
Nhưng kể từ đó, tài sản của ông Philip Green và bà Tina Green ngày càng cạn kiệt. Theo ấn bản mới nhất về danh sách những người giàu có năm 2020, được xuất bản hồi tháng 5, Sunday Times đã "tước bỏ" danh hiệu tỷ phú của cặp đôi này, ước tính khối tài sản của họ tụt xuống còn 950 triệu bảng Anh.
Tài sản của vợ chồng ông Philip Green có khả năng bị thu hẹp hơn nữa khi doanh số bán hàng lao dốc thê thảm do Covid-19 khiến Tập đoàn Arcadia cận kề bờ vực phá sản.
![]() |
Vợ chồng Philip Green - Tina Green bị loại khỏi nhóm những người siêu giàu hàng đầu của Vương quốc Anh. Ảnh: TL |
Cuối tuần trước, Arcadia thừa nhận rằng đại dịch đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh do các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong thời gian dài lệnh phong tỏa được áp đặt. Hầu hết doanh số bán hàng của Tập đoàn Arcadia đến từ các cửa hàng cao cấp trên phố, trong khi các đối thủ nhanh chóng thích nghi với làn sóng mua sắm trực tuyến và báo cáo lợi nhuận tăng mạnh trong mùa dịch.
Thực tế, Arcadia gặp nhiều khó khăn về tài chính nghiêm trọng từ trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bùng phát. Công ty thua lỗ nhưng đã thoát phá sản trong gang tấc vào tháng 6/2019 khi đạt thỏa thuận với các chủ nợ, được chấp thuận tái cơ cấu. Hãng đã đóng 50 chi nhánh tại Anh và Ireland, cùng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop, Topman ở Mỹ.
Theo Bloomberg/The Guardian
Gửi bình luận