Ở xứ rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau, nông dân có thu nhập tốt hơn nhờ nuôi, trồng có khoa học kỹ thuật

Hoàng Hạnh - Thể Trần Thứ năm, ngày 12/10/2023 09:00 AM (GMT+7)
Nhiều hộ nông dân ở xứ rừng tràm U Minh Hạ, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thành công ở nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thu nhập tốt hơn khi được ngành chức năng chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó, việc giảm nghèo ở đây cũng đi theo hướng bền vững hơn.
Bình luận 0

Thời gian qua, Phòng NNPTNT huyện U Minh (Cà Mau) đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân, giúp bà con có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, nhằm giảm chi phí đầu tư sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Phòng NNPTNT huyện U Minh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn 270 lớp, với hơn 8.000 lượt người dân tham gia.

Hàng nghìn nông dân xứ rừng tràm U Minh Hạ thành công khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật - Ảnh 1.

Đời sống của người dân ấp 9, xã Khánh Thuận ngày càng khởi sắc nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa. Ảnh: Thể Trần

Nội dung tập huấn được thực hiện trên các lĩnh vực sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp như: Tập huấn kỹ thuật và tư vấn trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất lúa, trồng hoa màu, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa…

Ngành chức năng tổ chức tập huấn với nhiều phương pháp như tập huấn thông tin một chiều, tư vấn khuyến nông trực tiếp trao đổi hai chiều, trực quan sinh động bằng video, hình ảnh minh hoạ, huấn luyện trực tiếp tại hiện trường…

Bên cạnh đó, phòng còn phối hợp với các ngành chuyên môn cấp tỉnh in ấn tài liệu phù hợp với từng nội dung tập huấn, mô hình triển khai thực hiện để nông dân dễ tiếp cận và dễ áp dụng và nhân rộng như: Mô hình sản xuất lúa – tôm, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình trồng màu trong nhà lưới…

Bà Trần Hồng Ửng - Trưởng Phòng NNPTNT huyện U Minh cho biết, qua công tác tập huấn và thực hiện các mô hình trình diễn, giúp nông dân có thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới.

Hàng nghìn nông dân xứ rừng tràm U Minh Hạ thành công khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật - Ảnh 2.

Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật nên việc sản xuất lúa của người dân trong những năm gần đây mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thể Trần

Ở xứ rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau, nông dân có thu nhập tốt hơn nhờ nuôi, trồng có khoa học kỹ thuật - Ảnh 3.

Ông Kim Tây, một nông dân ở huyện Cà Mau có thu nhập tốt hơn nhờ trồng màu, trong đó có trồng ruộng cải bắp đẹp như phim, đem về nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm.

"Đặc biệt là bà con nông dân đã lựa chọn được giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và mùa vụ để chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với tình hình sản xuất thực tế, từng bước làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện", bà Ửng nói.

Điển hình như mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa ở ấp 9 và ấp 11 xã Khánh Thuận, có 73 hộ dân của hai ấp được Trung tâm giống nông nghiệp và Sở KHCN tỉnh Cà Mau chọn hỗ trợ thực hiện dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Bùi Văn Sơn, ở ấp 9, xã Khánh Thuận vui mừng cho biết, từ ngày được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa đến nay, tôi và bà con nơi đây hầu như ai cũng thực hiện thành công.

"Năm rồi, tôm càng xanh của gia đình thu hoạch được hơn trăm triệu đồng, riêng lúa được hơn 200 giạ, nhờ vậy mà điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện hơn trước rất nhiều", ông Sơn chia sẽ.

Cũng là nông dân thành công sau khi được chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Đua, ở ấp 3, xã Khánh Lâm cho biết, vụ lúa đông xuân vừa qua, ông được giới thiệu sử dụng giống lúa đài thơm 8 thế hệ mới để sản xuất, lúa ít sâu bệnh, lại cho năng suất cao, bình quân mỗi công ông còn lợi nhuận từ 3 -3,5 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tăng từ 1 -1,5 triệu đồng/công so với trước đây.

Ở xứ rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau, nông dân có thu nhập tốt hơn nhờ nuôi, trồng có khoa học kỹ thuật - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Sang, nông dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng to bự cho thu nhập tốt hơn hẳn.

Trưởng Phòng NNPTNT huyện U Minh Trần Hồng Ửng cho biết thêm, thời gian tới, Phòng NNPTNT huyện tiếp tục phối hợp với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường và tình hình sản xuất thực tế của địa phương, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem