Một cô nông dân Bình Thuận "hô biến" vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm bán cả ra nước ngoài

Bùi Phụ Thứ năm, ngày 28/09/2023 18:48 PM (GMT+7)
Trong những cuộc triển hoặc hội thảo tìm cách tìm đầu ra bền vững cho trái thanh long Bình Thuận gần đây, rất nhiều người, trong đó có chúng tôi tỏ ra ấn tượng một nữ nông dân ở huyện miền núi tỉnh Bình Thuận "có tài hô biến” những vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu…
Bình luận 0
Một cô nông dân Bình Thuận "hô biến" vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm bán cả ra nước ngoài - Ảnh 1.

Biến vỏ thanh long thành bột màu thực phẩm

Tại diễn đàn "Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững" do UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung ương Hội Làm vườn và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức tổ chức tại TP. Phan Thiết vừa qua, hơn 120 đại biểu là các doanh nghiệp đến từ TP.HCM, Đồng Tháp, Long An và nhiều nông dân trực tiếp sản xuất thanh long tại Bình Thuận tham dự đã tỏ ra ấn tượng trước những sản phẩm từ vỏ trái thanh long của nữ nông dân này…

Nữ nông dân có tài “hô biến" khiến những vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) ở xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Ảnh: Bùi Phụ

Nữ nông dân "có tài hô biến” trên là chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) ở xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Chị Nguyên Hà cũng là cô giáo dạy tiểu học ở xã Hải Ninh nhiều năm qua.

Nhìn những sản phẩm chị Nguyên Hà trưng bày ở diễn đàn, chúng tôi không thể nghĩ những sản phẩm này lại được chế biến từ vỏ trái thanh long bỏ đi…

Trao đổi với Dân Việt, chị Hà cho biết, xuất thân từ một gia đình nông dân và sống trong vùng bà con trồng thanh long nhiều, thấy vỏ trái long màu sắc đẹp nhưng bỏ đi thì uổng quá nên chị đã bàn với với người em học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, tìm cách chế biến từ vỏ trái thanh long.

Trước đó, với mong muốn nâng cao giá trị cho quả thanh long trong vùng, gia đình chị Hà cũng đã thành lập công ty và đầu tư dây chuyền chế biến nước ép thanh long đỏ lên men.

Thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, chị Hà và gia đình đã nghiên cứu sâu hơn, phát triển thêm một số sản phẩm từ quả vỏ thanh long. Qua đó, gia đình chị Hà đã chế biến thành công bột màu thực phẩm chiết xuất từ vỏ thanh long, nước thanh long cô đặc, dầu hạt thanh long và bột hạt thanh long. Đặc biệt là bột và hạt thanh long đã được đăng ký sáng chế độc quyền ở Việt Nam và tại Mỹ năm 2022.

“Không riêng gì thị trường trong nước, sản phẩm bột hạt thanh long đang được thị trường Hàn Quốc ưa thích, sử dụng làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm và sản xuất thực phẩm ăn kiêng vào bao tiêu toàn bộ sản phẩm…”, chị Hà khẳng định.

Cũng theo chị Hà, trái thanh long có ba phần là vỏ, thịt quả và hạt và công ty Phúc Hà đã tận dụng hết ba phần này. Cụ thể: Vỏ quả thanh long dùng để chiết xuất bột màu thực phẩm tự nhiên; Phần thịt quả sau khi ép lấy nước sẽ được tách để lấy hạt; Hạt sấy khô chế biến thành bánh ăn cho năng lượng và những giá trị dinh dưỡng khác...

Nữ nông dân có tài “hô biến" khiến những vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu - Ảnh 3.

Chị Lê Thị Nguyên Hà đang giới thiệu những sản chế biến từ trái thanh long của Công ty TNHH nước ép Phúc Hà. Ảnh: Bùi Phụ

Thanh long hữu cơ và nhà máy chế biến quy mô

Một điều quan trọng để cho ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn của người tiêu dùng và xuất khẩu, công ty của gia đình chị Hà đã liên kết xây dựng vùng trồng thanh long chất lượng cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo đó, công ty Phúc Hà đã liên kết với gần 50 hộ dân trong vùng trồng khoảng hơn 80ha thanh long thuộc HTX Nông sản VCCU Bình Thuận.

Theo chị Hà, toàn bộ quy trình trồng cho đến sản xuất thanh long, ra sản phẩm đều thực hiện và ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Chính vì thế đầu ra của bà con nông dân luôn ổn định.

Hiện tại, công ty của gia đình chị Hà vẫn ổn định sản xuất các mặt hàng chế biến từ thanh long. Vào những ngày cao điểm, công ty Phúc Hà tạo công ăn việc làm cho hơn chục người có thu nhập ổn định.

Nói về hướng tương lai, chị Hà khẳng định: Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đang tập trung xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, gắn với vùng nguyên liệu tại các địa phương. Đặc biệt là phát triển chế biến theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ nên công ty của gia đình chị vẫn tiếp tục theo hướng này.

Nữ nông dân có tài “hô biến" khiến những vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu - Ảnh 4.

Bột hạt thanh long ruột đỏ của công ty Phúc Hà được thị trường Hàn Quốc bao tiêu... Ảnh: Bùi Phụ

“Hiện tại công ty Phúc Hà đã trang bị thêm máy móc, thiết bị, kho lạnh, nhà sơ chế, đóng gói đáp ứng đủ năng lực sản xuất những đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi đang kêu gọi vốn khoảng hơn 40 tỷ đồng từ những doanh nghiệp lớn để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long đạt chuẩn. Chúng tôi chuẩn bị việc này là hành trình đưa những sản phẩm chế biến từ trái thanh long ra chinh phục thị trường thế giới…”, chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty Phúc Hà tâm sự.

Thanh long Bình Thuận ra thị trường thế giới

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, Công ty Phúc Hà đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt yêu cầu của tiêu chuẩn HACCP.

Những sản phẩm chế biến từ quả thanh long của Công ty Phúc Hà đã được giới thiệu với các đối tác nước ngoài như: Úc, Hàn Quốc, các nước châu Âu, Trung Đông...

Sản phẩm đã được các đối tác kiểm tra và đánh giá cao về chất lượng, đồng thời cam kết đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty Phúc Hà, hiện nay, mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 30 nghìn lít nước ép thanh long, hơn 2 tấn bột màu, sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Trung Đông, Hàn Quốc…

Riêng sản phẩm bột hạt thanh long được đối tác Hàn Quốc cam kết bao tiêu tất cả sản lượng sản xuất ra.

img

Một vườn thanh long ở huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, thanh long là loại cây trồng chủ lực, thế mạnh của Bình Thuận với diện tích hơn 33 nghìn ha, sản lượng mỗi năm trên 700 nghìn tấn. Sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là quả tươi, nên việc đi sâu nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cho quả thanh long là rất cần thiết.

Một cô nông dân Bình Thuận "hô biến" vỏ, hạt thanh long thành dược phẩm, mỹ phẩm bán cả ra nước ngoài - Ảnh 8.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem