Nữ cán bộ khuyến nông thành thương lái, kết nối tiêu thụ hàng nghìn combo nông sản

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 07/09/2021 14:23 PM (GMT+7)
Từ nhu cầu của bản thân và người dân trong chung cư về thực phẩm, nữ cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Nguyễn Thị Tuyết Nhung (TP.HCM) đã bắt tay vào hành trình kết nối nông sản nhiều cam go nhưng đầy ý nghĩa.
Bình luận 0

Chị Nhung tâm sự, khi cách làm được nhân rộng ở những nơi đông đúc như chung cư, sẽ có nhiều nhu cầu được đáp ứng, lại vừa góp phần hỗ trợ nông dân.

Nữ cán bộ khuyến nông và hành trình kết nối nông sản

Chị Nhung hiện cư ngụ tại chung cư Ehome 3, phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM). Đây  là 1 trong những nơi khởi nguồn của tâm dịch thành phố.

Sau ngày 23/8, TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội. Cư dân tại Ehome 3 phải mua hàng online với giá thực phẩm tăng từ 2-3 lần. Siêu thị AeonMall Bình Tân chỉ bán hàng lưu động với số lần hạn chế nên khó đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Chị Tuyết Nhung, nữ cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khu vực phía Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Tuyết Nhung, nữ cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khu vực phía Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Nông dân thì không bán được nông sản mình làm ra. Người thành phố dù có tiền cũng không chắc mua được hàng tươi ngon. "Bản thân là cán bộ khuyến nông và cũng cần rau củ quả thiết yếu như bao người, điều này khiến mình trăn trở", chị Nhung kể.

Được đồng nghiệp giới thiệu HTX đặc sản Đồng Tháp, đơn vị tham gia chương trình kết nối tiêu thụ nông sản của Tổ công tác 970 (Bộ NNPTNT), chị Nhung kết nối ngay.

Sau hơn 2 ngày lên đơn và vận chuyển, đơn hàng đầu tiên từ Đồng Tháp về đến Ehome 3 với gần 150 combo; tương đương 1,5 tấn khoai lang, khoai môn, củ ấu, bắp và chanh...

Khi đã xây dựng được niềm tin với bà con từ chuyến hàng đầu tiên, chị Nhung chuẩn bị tiếp cho chuyến hàng thứ 2. Nụ cười của bà con xã viên HTX đặc sản Đồng Tháp dần nhiều lên. Số lượng người đăng ký đơn hàng cũng tăng tốc.

Niềm hưng phấn dâng trào trong lòng người nữ cán bộ. "Mình phải xây dựng một hệ thống phân phối nông sản ngay tại TP.HCM để có thể giúp mình và giúp người dân lâu dài", chị tự nhủ.

Sản phẩm rau củ quả từ Đồng Tháp. Ảnh: Tuyết Nhung

Sản phẩm rau củ quả từ Đồng Tháp. Ảnh: Tuyết Nhung

Nhưng ngay lúc đam mê khởi nghiệp vừa bùng lên thì đùng một cái, HTX báo tin: Dịch bùng phát, không thể tìm được xe vận chuyển và công nhân cũng ngừng đóng gói sản phẩm.

"Có ý tưởng là một chuyện, dám làm và dám chấp nhận rủi ro lại là một câu chuyện khác", chị Nhung nói.

Không ít lần làm việc chung với chị do đặc thù công việc, chưa khi nào chúng tôi thấy người nữ cán bộ khuyến nông này lại "máu lửa" với việc hỗ trợ nông dân bằng cách "đi buôn nông sản" như lần này.

Vượt qua trở ngại

Trước khi về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khu vực phía Nam, chị Nhung vốn là cán bộ nông nghiệp gắn bó lâu năm ở Bình Phước. Đây cũng là địa phương có nguồn nông sản dồi dào và cũng đang gặp nhiều khó khăn đầu ra.

Chị nhanh chóng kết nối với đồng nghiệp ở Bình Phước. Và combo trái cây đặc sản Bình Phước thay thế ngay đơn hàng rau, củ quả Đồng Tháp đã bị thất hẹn.

Gói combo trái cây đặc sản Bình Phước. Ảnh: Tuyết Nhung

Gói combo trái cây đặc sản Bình Phước. Ảnh: Tuyết Nhung

Đúng là lần đầu làm kinh doanh, rủi ro chẳng biết đâu mà lần. Chị kể, khi thấy mình hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, đã có nhiều lời đề nghị là phối hợp.

Nhưng tới thời khắc quan trọng, hàng đang xuống và trời Sài Gòn đang nổi cơn giông gió thì chị bị "bom hàng" với 400kg nông sản.

Chị kể, may mắn được cư dân ở Ehome 3 nhiệt tình ủng hộ, rồi cả chục anh chị em trong chung cư không quản ngại mưa gió để mỗi người giúp 1 tay vận chuyển hàng.

Chỉ trong vòng 30 phút, lượng hàng tồn chuyển trạng thái từ ế sang "cháy". "Giữa lúc ngặt nghèo, tình người Sài Gòn làm mình cảm động vô cùng", chị chia sẻ.

Nông dân Bình Phước thu hoạch cam gửi xuống TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân Bình Phước thu hoạch cam gửi xuống TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lại có nhiều khi, xe hàng về trễ khiến mọi người nóng lòng chờ đợi. Nhưng khi nhìn những thùng trái cây tươi ngon như vừa mới hái, mọi âu lo dường tan biến.

Chị Cẩm Linh, cư dân của chung cư của Ehome 3 chia sẻ: "Ăn những trái chôm chôm giòn, ngọt, nhìn những trái cam xoàn quả to căng mọng hay trái ổi Đài Loan dày cùi, ít hạt, gói combo trái cây 200.000 đồng/10 kg này thật đáng giá", chị Linh nói.

Kiến thức nông học là chưa đủ

Tính từ 23/8 đến nay, chị Nhung đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 5 tấn nông sản từ Đồng Tháp và Bình Phước. Trong vòng 10 ngày, đây là con số đáng kể với một kỹ sư nông nghiệp chưa được học gì về kinh doanh.

Hội nông dân Bình Phước hỗ trợ thu gom vận chuyển nông sản của bà con xuống thị trường TP.HCM. Ảnh: Yến Linh.

Hội Nông dân Bình Phước hỗ trợ thu gom vận chuyển nông sản của bà con xuống thị trường TP.HCM. Ảnh: Yến Linh.

Chị Nhung thừa nhận, bản thân có lợi thế lớn là công tác ở Trung tâm Khuyến nông, có nhiều đầu mối và cũng tạo dựng được lòng tin từ mọi người.

"Nhưng để kết nối được nông dân với người tiêu dùng mà mình là người trực tiếp thu mua, phân phối thì kiến thức, kinh nghiệm nông học là chưa đủ", chị Nhung nói.

Đơn cử như muốn chốt được 100 đơn (1 tấn) nông sản/ngày, chị phải thành thạo những kỹ năng cơ bản về tạo Google Form, để ghi nhận đơn hàng; phải sử dụng thuần thục phần mềm Microsoft Excel.   

Trong chung cư có rất nhiều người bán hàng nên chị học cách viết bài PR, tạo ra sự khác biệt sản phẩm của mình với người bán lẻ khác. Quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin và uy tín, chất lượng sản phẩm đảm bảo như cam kết.

Xe hàng vận chuyển trái cây Bình Phước xuống TP.HCM. Ảnh: Tuyết Nhung

Xe hàng vận chuyển trái cây Bình Phước xuống TP.HCM. Ảnh: Tuyết Nhung

Hiện tại, nguồn nông sản các tỉnh được chị Nhung kết nối thông qua nhóm zalo: Hỗ trợ mua hàng nông sản mùa dịch. Nhóm Zalo này ban đầu vốn là nhóm nông sản phi lợi nhuận do chị điều hành.

Theo chị Nhung, khâu lựa hàng nên chọn các đơn vị cung ứng uy tín. Đó có thể là các doanh nghiệp, các HTX và sản phẩm phải được đóng gói, bao bì, có nhãn mác, truy suất được nguồn gốc.

Một kinh nghiệm xương máu nữa, là trong đầu luôn có nhiều phương án cho những tình huống rủi ro xảy ra để thay thế, nhất là trong tình cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Chị Nhung chia sẻ, chị cảm thấy tự hào vì công việc kết nối giữa người sản xuất với thị trường. Nhưng việc kết nối những đoạn dây đang bị đứt của các chuỗi cung ứng cần rất nhiều người cùng chung tay.

Trái cây tươi ngon của Bình Phước được chị Nhung kết nối đến tận tay người dùng ở TP.HCM. Ảnh: Tuyết Nhung

Trái cây tươi ngon của Bình Phước được chị Nhung kết nối đến tận tay người dùng ở TP.HCM. Ảnh: Tuyết Nhung

"Nếu có thêm nhiều người cùng tham gia, đây cũng là một cách cùng hỗ trợ ngành chức năng kết nối và tiêu thụ nông sản giúp bà con các tỉnh phía Nam, nơi đang căng mình thực hiện mục tiêu kép", chị Nhung nói.

Ông Trần Văn Dũng - Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam cho biết, ngoài các ban ngành như Tổ công tác 970, các Sở Nông nghiệp, còn có nhiều đơn vị, cá nhân khác cùng tham gia vào kết nối tiêu thụ nông sản.

Với các cá nhân, việc kết nối tiêu thụ có điểm khó là khâu vận chuyển, đi lại còn hạn chế. Các đơn vị cung ứng thường chỉ giao hàng số lượng lớn. Trong điều kiện thiếu nhân lực, việc giải quyết những đơn hàng nhỏ lẻ, ở xa sẽ không phát huy hiệu quả.

"Cách làm như của chị Nhung là ý tưởng tốt; có thể triển khai ở các chung cư, nơi có lượng cư dân đông đúc. Khi đó, người đại diện kết nối sẽ phối hợp với Ban điều hành chung cư để giải quyết cùng lúc nhiều đơn hàng cho nhiều người", ông Dũng chia sẻ.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem