Chàng trai phố thị “phù phép” dừa thành cây bonsai độc, lạ

Trần Đáng Thứ tư, ngày 27/04/2022 13:39 PM (GMT+7)
Bằng bàn tay và khiếu thẩm mỹ sẵn có, anh Đậu Thanh Tùng (xã Bình Lợi, Bình Chánh, TP.HCM) đã biến những trái dừa khô thành dừa bonsai độc, lạ.
Bình luận 0

Càng ngạc nhiên hơn, anh Thanh Tùng tự học nghề làm dừa bonsai từ các clip được đăng tải qua các kênh xã hội.

Nông dân phố “phù phép” gáo dừa thành cây bonsai độc, lạ - Ảnh 1.

Anh Đậu Thanh Tùng (xã Bình Lợi, Bình Chánh, TP.HCM) và sản phẩm dừa bosai. Ảnh: Trần Đáng

Kỳ công làm dừa bonsai

Hôm tôi đến, Thanh Tùng đang cặm cụi tỉa yếm cho trái dừa khô đang lên mộng.

Trong cái chái sau nhà rộng chưa đến 40m2, Thanh Tùng làm xưởng chế tác gáo dừa thành dừa bonsai.

Tại xưởng chế tác này có khoảng 400 sản phẩm dừa bonsai, Thanh Tùng kỳ công làm trước đó.

Theo Thanh Tùng, anh vào nghề làm dừa bonsai hơn 2 năm nay.

"Ban đầu xem clip dạy làm dừa bonsai tôi rất thích nên học làm theo. Thật ra, tôi chỉ định làm chơi. Từ ý định làm chơi giờ tôi làm bán sản phẩm", Thanh Tùng thổ lộ.

Nông dân phố “phù phép” gáo dừa thành cây bonsai độc, lạ - Ảnh 2.

Trong chế tác dừa bonsai, khâu rọc yếm rất quan trọng. Ảnh: Trần Đáng

Thanh Tùng cho biết, hầu hết các loại dừa đều có thể làm dừa bonsai, như: Xiêm xanh, xiêm đỏ, dừa sọc, dừa đột biến, dừa lá cẩm thạch... Nhưng, thị trường đang chuộng 2 loại dừa là xiêm hồng và Tam Quan.

"2 loại dừa này ra tàu lá có màu hồng và vàng nên khá đẹp", Thanh Tùng cho biết.

Thanh Tùng chia sẻ, trái dừa được chọn để làm bonsai phải có gáo tròn đều. Trái dừa sau khi ương lên chồi 1 - 2 cm sẽ tiến hành lột vỏ và cạo mụn dừa trên gáo.

Đôi khi, để khác người, "độc", lạ, Thanh Tùng vẫn để nguyên vỏ dừa trong quá trình chế tác.

Cạo mụn dừa là một trong những công đoạn khó trong làm dừa bonsai. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay nếu không sẽ làm gãy chồi dừa.

Clip: Trong xưởng chế tác dừa bonsai của anh Thanh Tùng. Clip: Trần Đáng

Tuy nhiên, theo Thanh Tùng, công đoạn rọc yếm và sơn bóng mới là khó và "ăn tiền" thị trường.

Tỉa yếm đòi hỏi rất tỉ mỉ và kiên nhẫn. Các công đoạn này liên tục trong quá trình chế tác và ngay cả sau khi cây đã thành phẩm.

"Nếu ngưng tỉa yếm kết cấu lá của cây dừa bonsai sẽ bị phá vỡ", Thanh Tùng bộc bạch.

Theo Thanh Tùng, phải mất 6-8 tháng kỳ công chế tác một sản phẩm dừa bonsai mới thành hình.

Một sản phẩm dừa bonsai đẹp ngoài việc phải "có hồn" còn đáp ứng 5 tiêu chí: Lá đẹp, rễ cái chuẩn, thân (lóng) đẹp...

Theo đó, lá dừa bonsai được đánh giá đẹp phải nhỏ, cân đối với cây. Tàu lá phải chẻ ra các lá nhỏ như dừa trưởng thành…

Nông dân phố “phù phép” gáo dừa thành cây bonsai độc, lạ - Ảnh 5.

Sơn bóng làm cho sản phẩm dừa bonsai bắt mắt hơn. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, các kiểu dáng thông dụng của dừa bonsai, là: Dáng huyền, dáng trực, dáng bay và dáng thác đổ.

Dừa bonsai - của hiếm ở đất Sài thành

Hiện, tại TP.HCM những người chế tác dừa bonsai đếm không đủ trên một bàn tay. Và càng hiếm hoi hơn khi dừa bonsai trở thành thành phẩm bán ra thị trường.

Để quảng bá sản phẩm dừa bonsai, Thanh Tùng tích cực tham gia các chợ phiên nông sản TP, các chợ tết.

Hiện, Thanh Tùng bán sản phẩm dừa bonsai chủ yếu ở thị trường TP.HCM. Giá dừa bonsai 250.000-2 triệu đồng/sản phẩm.

Thanh Tùng cho biết, mùa tết năm ngoái anh bán được 150 sản phẩm.

Nông dân phố “phù phép” gáo dừa thành cây bonsai độc, lạ - Ảnh 6.

Thanh Tùng cho biết, tết năm 2023 anh sẽ làm đủ 12 con giáp dừa bonsai. Ảnh: Trần Đáng

Chuẩn bị cho mùa tết năm 2023, Thanh Tùng sẽ làm khoảng 400 sản phẩm dừa bonsai phục vụ thị trường.

"Tôi dự định sẽ làm dừa bonsai 12 con giáp phục vụ nhu cầu người chơi tết 2023", Thanh Tùng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem