Năm nay tuyết rơi muộn. Hình như đông vẫn còn xa lắm. Vậy mà, thời gian vừa dịch chuyển sang tháng mười hai, những bông tuyết đã phủ kín thành phố. Từ bao giờ những bông tuyết đầu mùa lại khiến tôi nôn nao đến thế?
Thành phố Besançon, Pháp, tôi đã sống khá nhiều năm ở đây và quen với cái lạnh. Có lẽ tại bởi mùa đông mang theo nỗi nhớ cha mẹ, nhớ quê hương và nhớ Tết khiến tôi cứ bồi hồi...
![]() |
Sáng 29, 30 Tết, mẹ thường chuẩn bị nguyên liệu làm bánh: gạo nếp hạt dài, chắc mẩy, những chiếc dong bánh tẻ to đều, không bị rách, đậu xanh nấu chín nắm tròn thành miếng cho vừa từng chiếc bánh... Ảnh: TL |
![]() |
Buổi tối, cả nhà quây quần gói bánh chưng. Người lau lá, người gói, người buộc lạt, người chuyển bánh xếp vào nồi. Ảnh: TL |
Mùa đông nơi tôi ở thường bắt đầu vào tháng chạp ở quê nhà. Mẹ vẫn bảo: "Mùa đông là mùa ấm áp nhất trong năm". Những gánh hàng rong tha hồ thổi lửa. Tiếng tí tách của bếp than đỏ rực trộn cùng mùi thức ăn thơm phức nghi ngút khói phả vào những tiếng cười át cả những trận heo may.
Tôi nhớ những ngày giáp tết, mặc cho cái lạnh, mặc cho mưa phùn lất phất, mẹ kéo cha và chị em tôi đi mua sắm. Mẹ là người tằn tiện, rất ít khi ăn ngoài hàng dù là những gánh hàng rong rẻ tiền. Nhưng cứ bước sang tháng Chạp, mẹ như một người khác hẳn. Buông bỏ. An nhiên. Tận hưởng. Mẹ bảo: "Sấp ngửa cả năm cũng chỉ để cả nhà tận hưởng những ngày tháng ấm áp của mùa đông và đợi mùa xuân sang".
Nhờ vào tinh thần lạc quan của mẹ hay nhờ vào thời tiết ấm dần lên, mùa xuân luôn phơi phới. Phố phường nhộn nhịp. Chợ búa rôm rả. Những sắc đào bung biêng. Những cuộc mua sắm ngày một nhiều dù hàng hóa cũng chỉ bấy nhiêu loại: lá dong riềng, thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, hành, mộc nhĩ, nấm hương… Tất cả được cha cho vào làn và đặt lên yên xe rồi phóng về nhà để kịp ngâm gạo gói bánh. Còn lại ba mẹ con chúng tôi tiếp tục lang thang, ăn những món mà cả năm chúng tôi ít khi được ăn, xem những thứ ít khi được xem. Đến cuối ngày, khi bụng đã căng tròn những món ăn vặt và con mắt rũ xuống vì mệt, chúng tôi leo lên xe để mẹ đèo về nhà.
Trước khi về nhà, mẹ đi từ đầu chợ đến cuối chợ, tìm mua cho đầy chiếc làn những thứ quả đẹp mắt để bày mâm ngũ quả. Mẹ bảo: "Mâm ngũ quả thì phải có đủ năm loại quả khác nhau, chuối nải có quả căng đẹp, bòng vàng óng ả nặng tay là hai loại hoa quả không thể thiếu của mâm ngũ quả, giống như muốn ăn cơm ngon thì phải có gạo ngon mới thành cơm". Tôi đồng ý với mẹ dù thẳm sâu của đứa trẻ - tôi, mâm ngũ quả chỉ là mâm quả.
Lúc còn ở ngoài chợ, tôi nhìn nải chuối và quả bòng không có gì quá đặc biệt hơn những quả khác trong giỏ hàng. Nhưng chỉ sau nửa giờ lau rửa qua nước, xếp vào một cái đĩa hoa to, thêm vào những loại hoa quả khác, mâm ngũ quả xòe ra tứ hướng như một bông hoa hướng dương khổng lồ mà nhụy hoa chính là quả bòng, những tia mặt trời là những quả chuối và những giọt ánh sáng chính là những thứ quả thêm vào. Chắc mẹ nhờ bàn tay của cô tiên.
Sau này lớn lên đi xa, trong hành lý mang theo, tôi gói ghém cả những kí ức của những ngày Tết ấm ấp đó. Mỗi lần vô tình chạm tay vào bông tuyết đầu mùa, thẳm sâu trong tâm thức của đứa trẻ - tôi lại nhìn ra bông hoa hướng dương năm nào.
Nơi tôi ở, người ta không bán chuối theo nải mà thường cắt ra thành chùm từ vài ba quả. Có lẽ vì ở vùng lạnh không trồng được chuối, để dễ vận chuyển, họ cắt nhỏ ra cho đỡ cồng kềnh. Vì không có chuối nải nên mâm ngũ quả của tôi không thể nào xòe tròn như bông hoa hướng dương của mẹ hay tại bởi đôi bàn tay của tôi không có cô tiên nào hoán đổi.
Điều đó có quan trọng gì đâu. Mâm ngũ quả quan trọng nhất phải có năm loại quả, và xắp xếp theo tâm tính của mỗi gia đình. Đó là lời của mẹ khi xưa.
![]() |
Mâm ngũ quả truyền thống không thể thiếu nải chuối xanh, được đặt ở dưới cùng, chính giữa là quả bòng. Các loại quả nhỏ khác như quất, táo, lê… bày xung quanh. Ảnh: TL |
Năm nay đại dịch Covid làm chao đảo cuộc sống của tôi. Lệnh giãn cách xã hội kéo dài từ tháng ba đến giờ vẫn hiện hành khiến việc đi mua sắm trở lên khó khăn. Đã có lúc tôi nghĩ sẽ bỏ qua mâm ngũ quả, chỉ nấu nồi xôi và luộc con gà để cúng giao thừa. Lục tìm trong kí ức, tôi nhớ chưa bao giờ cha mẹ đón Tết mà không có mâm ngũ quả dù ngày xưa chúng tôi rất nghèo. Có lần cha vừa gói bánh vừa bảo tôi: "Mâm ngũ quả, bánh chưng, cây đào, trong ba thứ đó thiếu đi một thứ là mất Tết".
Cha nói đúng, không có mâm ngũ quả sẽ không có hương vị Tết. Đó là lí do vì sao tôi thấy nôn nao khi chạm tay vào bông tuyết. Nơi quê nhà, cha mẹ tôi sắp đón Tết. Vẫn còn đủ thời gian cho tôi làm mâm ngũ quả. Covid rồi sẽ lắng xuống, tôi sẽ đón Tết như mọi năm.
QUYÊN GAVOYE
(Chuyên gia văn hóa - Uỷ ban thành phố Besançon, Pháp)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận