Nơi vui nhất mà ai cũng rưng rưng trong những ngày giáp Tết ở Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 03/01/2022 08:39 AM (GMT+7)
Cứ khoảng thời gian từ sau Tết Tây đến trước Tết Nguyên đán, thời tiết Sài Gòn vô cùng dễ chịu, có người còn cho rằng khoảng thời gian này Sài Gòn vào mùa đẹp nhất trong năm.
Bình luận 0

Đẹp chắc chắn rồi. Thế nơi nào vui nhất? Các chương trình giải trí như ca nhạc, kịch, phim... thì chưa đâu, bởi họ sẽ chờ đến Tết mới tung ra hốt bạc.

Vậy đi hội chợ Xuân, đi chợ Tết, hay đi các trung tâm thương mại, siêu thị...? Vui cũng vui thật, nhưng những điểm đấy, ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể đi được.

Ngóng tin vui tại phi trường lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Mọi người tiễn nhau tại Ga đi quốc tế. Ảnh: H.B.Đ

Vậy với câu hỏi "vào thời điểm này, ở Sài Gòn đâu là vui nhất", anh Đình Tú (quận 10) đưa ra câu trả lời: "Thời điểm này, vui nhất ở Sài Gòn phải là sân bay. Đặc biệt là ở khu vực ga đến quốc tế, kiều bào khắp nơi về nườm nượp. Anh em bà con họ hàng, thậm chí có cả hàng xóm còn kéo nhau cả ra sân bay để đón. Ra đến sân bay, người nhà có quà, người về có hoa. Ai cũng ôm nhau mừng rỡ sau một thời gian gặp lại".

Đúng vậy, niềm vui đấy là niềm vui sum họp. Vì vị trí trung tâm nên có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lại thêm một số yếu tố lịch sử - xã hội để lại, khiến cho TP.HCM có lượng kiều bào về quê ăn Tết hết sức đông đảo. 

Ngoài những kiều bào có người thân ở TP.HCM, những kiều bào có người nhà ở các địa phương quanh đấy, thậm chí ở miền Trung, miền Bắc cũng chọn TP.HCM làm điểm dừng chân đầu tiên khi về nước. 

Có người về tới Việt Nam, còn ở Sài Gòn chơi mấy bữa rồi mới từ từ về quê đón Tết.

Ngóng tin vui tại phi trường lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Ga đến quốc tế trong hoàn cảnh “tắt đèn đi ngủ”. Ảnh: H.B.Đ

Cảnh đi đón hết sức náo nhiệt, đủ mọi thành phần: Từ những người xa quê đã lâu hiện ở Hoa Kỳ, Úc, Pháp... đến những sinh viên du học. Người đi xuất khẩu lao động cho đến những cô dâu Việt Nam từ Đài Loan, Hàn Quốc... trở về, dắt theo cả ông rể lẫn đứa cháu ngoại... Nhìn những đứa cháu ngoại Việt kiều bập bẹ gọi "ông quại, bà quại, cậu Hai, dì Tư...", khiến nhiều người bồi hồi, dù không cùng máu mủ, cũng dấy lên trong lòng 2 chữ thiêng liêng "đồng bào".

Nhưng những cảnh náo nhiệt này hiện tại, năm nay khó gặp lại. Như anh Đình Tú chia sẻ: "Em có mấy đứa em con cô ruột, định cư ở Hoa Kỳ. Năm nào tụi nó cũng về Việt Nam đón Tết. Nhưng năm nay dịch bệnh, kinh tế khó khăn, chuyến bay cũng hạn chế... nên thành thử mấy đứa em cũng không về. Năm ngoái đã không, năm nay cũng không nốt".

Còn chị Angie Le Van (quốc tịch Pháp) cũng có chung ý kiến: "Vợ chồng tôi cùng là người Việt, 4 đứa con dù đẻ bên Pháp vẫn nói tiếng Việt, nghe nhạc Việt... Cứ cách một năm là cả nhà lại cùng nhau về Việt Nam vui Tết. Nhưng tình hình năm nay chắc khó có thể về được rồi".

Ngóng tin vui tại phi trường lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Những tiểu cảnh tại khu vực tiễn khách hết sức nhếch nhác. Ảnh: H.B.Đ

Theo chân gia đình ông Minh Tâm (An Giang) tiễn con trai đi Hoa Kỳ du học, ga đến trong nước lần này vắng lặng hẳn so với cùng thời điểm các năm trước. Cứ dịp này hàng năm, đèn đuốc sáng trưng, thời điểm nào cũng có các chuyến bay từ nước ngoài hạ cánh. Còn lần này, chỉ có mỗi cô lao công lặng lẽ lau chùi dọn dẹp. Nhìn lên bảng báo các chuyến bay chuẩn bị đáp, cũng chỉ lèo lèo vài chuyến.

Trong thời gian tới, không biết có sớm cải thiện hay không? Dẫu biết rằng, Việt Nam sắp nối lại đường bay quốc tế, nhưng có ý nghĩa gì nếu như đường bay nối lại nhưng không có người đi?

Lên đến ga đi quốc tế, tình hình có vẻ sáng sủa hơn, nhưng lượng hành khách vẫn không nhiều. Thông thường những chuyến đi quốc tế phải đến trước giờ bay 3-4 tiếng, nhưng lần này gia đình ông Minh Tâm đến trước có 2 tiếng rưỡi, vẫn dư dả thời gian làm thủ tục, chụp hình kỷ niệm trước khi tiễn cậu ấm lên đường.

Ngóng tin vui tại phi trường lớn nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Khu vực làm thủ tục Ga đi quốc tế, nhìn sơ có thể thấy rằng khá vắng vẻ. Ảnh: H.B.Đ


Cô Xuân Lan (cựu du học sinh tại Hoa Kỳ và Singapore) nhận xét: "Em thuộc dạng đi lại thường xuyên tại Tân Sơn Nhất, nhất là giai đoạn đi học tại Singapore em về Việt Nam rất thường. Nhưng quả thật cũng chưa bao giờ thấy sân bay vắng thế này".

Sau khi ông Minh Tâm tiễn con vào sân bay, dặn dò con trai vào đấy ăn uống đầy đủ, thì được tin của cậu con bảo rằng: "Các tiệm ăn uống trong khu vực này hiện chưa mở cửa vì ít khách quá". Không chỉ vắng người, mà các tiểu cảnh trong khu tiễn khách cũng hết sức ngổn ngang, thể hiện rằng đã lâu rồi không có người coi sóc. Quả là chán thiệt!

Mãi mới thấy được chút xíu sinh khí bên khu vực ga đi nội địa. Mọi người vẫn ra vào tấp nập, bà con kéo hàng dài lũ lượt để làm thủ tục. Thôi tạm gác lại niềm vui ở khu vực ga quốc tế, Sài Gòn năm nay tạm vui ở ga nội địa, với những chuyến bay đưa hành khách ở khu vực Sài Gòn về những địa phương khác để đón tết cùng gia đình.

Cũng cầu mong cho sang năm mọi chuyện khả quan hơn. Để Sài Gòn còn thoải mái đón kiều bào – những khúc ruột ngàn dặm – về lại quê hương, vui cái Tết cổ truyền của dân tộc. Chứ để vài năm nữa, sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào hoạt động, thì niềm vui đặc biệt này của Sài Gòn đành phải sang nhượng lại cho Đồng Nai mất rồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem