Áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa, khiến những ngày đầu thu ở miền Trung trở nên hoang lạnh. Mùa mà đáng ra là khoảng thời gian đẹp nhất của lứa tuổi cắp sách đến trường. Nhưng rồi, mưa đến, lũ về, nước sông dâng cao khiến nhiều điểm trường phải hoãn khai giảng.
Mùng 5 tháng 9 năm này không phải là ngày hội đến trường của của hàng ngàn học sinh miền Trung. Những háo hức, những đợi chờ, những ngóng trong chợt bị dập tắt do thiên tai. Nghỉ học vì thiên tai là điều rất bình thường của học sinh miền Trung. Nhưng, nghỉ trong ngày mà toàn thể học sinh cả nước nô nức đi hội khai trường thì ít ai hiểu được.
![]() |
Trường vắng hoe trong "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường". |
Điểm trường Tiểu học và THCS Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nằm bên dòng Thạch Hãn linh thiêng. Những ngày mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, cuồn cuộn. Nước sông dâng cao, chiều 4/9 lệnh hoãn khai giảng được chính quyền phát đi. Mọi sự chuẩn bị trước đó cho ngày hội của các em được trọn vẹn đành bỏ sang một bên.
Trường Tiểu học và THCS Triệu Thành có hai điểm trường. Thế nhưng, cả hai điểm trường này đều nằm trong vùng lũ. Điểm trường cũ nằm bên nhánh của dòng Thạch Hãn, sáng nay nước vẫn cuồn cuộn. Bên kia sông những em học sinh đáng ra ngày nay phải đến trường vui hội thì lại ở nhà, nhìn qua trường với một nỗi buồn chẳng mấy ai thấu hiểu.
Ngày khai trường, nhưng trường vắng hoe, chỉ còn lại lác đác một vài giáo viên ở lại.
“Mọi sự chuẩn bị đều đã hoàn tất, nhưng thiên tai đến làm ngày vui của các em không được trọn. Đến ngày 9/9 sẽ khai giảng, nhưng không biết ngày đó có mưa hay không”, một giáo viên nói.
![]() |
Nước ngập úng trong khuôn viên trường. |
Một vài lý do nào đó khiến lệnh hoãn khai giảng không đến được với các em ở miền núi Quảng Trị. Sáng sớm, những đứa trẻ xúng xính váy áo, xúng xính đồng phục đội mưa đến điểm khai trường. Những khuôn mặt ủ dột, buồn tênh chợt hiện lên khi các em nghe tin hoãn khai giảng ngay đầu cổng trường. Chúng lại lũ lượt kéo nhau về, đi trong mưa, đợi 4 ngày sau với hi vọng ngày hội được trọn vẹn.
Dải đất miền Trung -cái phễu đón thiên tai, nơi mà sự cực nhọc, tang thương, luôn hiện rõ trên tất cả khuôn mặt của nhiều thế hệ. Nông dân thì đằm mình trong nước cứu lúa, cứu nông sản; ngư dân thì vật lộn với con sóng cứu tàu cá; lứa tuổi cắp sách đến trường thì đánh vật với con nước mà kiếm con chữ. Mùa mưa bão, lụt lội hay những tháng ngày nắng nóng ở nơi đây đều có những nỗi niềm riêng.
![]() |
Những học sinh huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị háo hức đi khai trường nhưng rồi lại lủi thủi ra về khi nghe tin hoãn khai giảng. |
Năm nào cũng vậy, mùa lũ đến sự học của các em nơi dải đất này luôn lênh đênh, dập dềnh theo con nước. Nước lên - nghỉ học; nước xuống - đến trường và học bù vào cuối tuần cho kịp chương trình.
Vào tháng mưa lũ, những ngày Chủ nhật là một thứ gì đó rất xa xỉ với các em nơi hẹp nhất của dải đất hình chữ S này.
“Hòa chung không khí vui tươi của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường…”, câu này với các trường ở miền Trung năm nay nó không được suôn sẻ. Những đứa trẻ chuyển cấp, ngày vào năm học mới đã mất đi một niềm vui vốn có. Các em không được những anh chị lớp trên dẫn tay vào trường, không được thầy cô vỗ về như một hình ảnh vốn dĩ thân quen của các buổi khai trường khác đang diễn ra trong cả nước.
"Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương/ Ngày đầu tiên đi học, em nước mắt nhạt nhoà/ Cô vỗ về an ủi, chao ôi..sao thiết tha", những câu hát trong bài Ngày đầu tiên đi học của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện năm nay lại vang lên ngắt quãng ở đâu đó trên dải đất miền Trung này.
Nỗi niềm này đôi khi lại chẳng biết tỏ cùng ai.
Gửi bình luận