Những suất cơm chay gửi đến y, bác sĩ tuyến đầu - Bài 1: San sẻ tình thương và lòng biết ơn

Chinh Hoàng Thứ bảy, ngày 16/10/2021 09:44 AM (GMT+7)
Thấu hiểu được nỗi vất vả của các y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch tại các bệnh viện thuộc địa bàn TP.HCM, chị Lê Thị Ngân đã cùng cộng sự mỗi ngày nấu từ 300-500 suất cơm chay miễn phí gửi đến họ.
Bình luận 0

Luân chuyển những điều thiện

Nhìn hình ảnh những bữa ăn vội, hộp cơm đã nguội lạnh của đội ngũ y, bác sĩ giúp người dân TP.HCM chống dịch, chị Lê Thị Ngân (chủ một nhà hàng chay trên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận, TP.HCM), phối hợp với tổ chức PSSA cùng nhân viên của mình, hàng ngày nấu những suất cơm chay dinh dưỡng gửi trực tiếp đến các bệnh viện dã chiến.

Những xuất cơm chay “yêu thương” gửi đến y, bác sĩ tuyến đầu mỗi ngày: San sẻ hương vị tình thương - Ảnh 1.

Một phần ăn đầy dinh dưỡng cho các y, bác sĩ tuyến đầu mà nhà hàng chị Ngân nấu và gửi đến. Ngoài ra còn có thêm cháo dinh dưỡng yến mạch, ngũ cốc, nước mát. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Nấu cơm, hay bất cứ làm việc gì chúng tôi đều làm từ tâm mình.  Và đặc biệt chúng tôi muốn gửi lòng biết ơn đối với các y, bác sĩ thông qua hương vị của những bữa cơm chay dinh dưỡng này" - chị Ngân chia sẻ với phóng viên Dân Việt.

Mặc dù đã lớn tuổi, dáng người hơi gầy nhưng chị Ngân vẫn có một sức khỏe tốt. Mỗi ngày, bếp ăn của nhà hàng phục vụ khoảng 300-500 suất ăn cho các bệnh viện, có ngày rằm cao điểm lên đến 800 suất. Với số lượng suất ăn nhiều đến vậy, chị cùng cộng sự vẫn đảm bảo sức khỏe, duy trì suốt nhiều tháng qua.

Những xuất cơm chay “yêu thương” gửi đến y, bác sĩ tuyến đầu mỗi ngày: San sẻ hương vị tình thương - Ảnh 2.

Nhân viên của nhà hàng chị Ngân đang chuẩn bị những suất cơm trưa gửi đến các y, bác sĩ thông qua các tình nguyện viên. Ảnh: Chinh Hoàng.

Nhân viên quán chị Ngân gần 40 người. Vào lúc cao điểm của dịch bệnh tại TP.HCM, một số người ở vùng cách ly, số khác về quê trước đó nên khó khăn nhất là lúc chỉ còn 10 người, trong đó, đầu bếp chính chỉ có 3 người.

"Dù có khó khăn, gian nan đến cỡ nào khi làm việc thiện, cái tâm của mình vẫn phải tịnh. Vậy nên 3 bếp chính chúng tôi và những anh em nhân viên còn lại vẫn làm được đấy thôi" - chị Ngân tâm sự.

Mỗi sáng, chị Ngân dậy từ 4h, thiền định, lạy Phật xong rồi tập thể dục, bắt đầu công việc từ 5h, chế biến rau củ đến 6h, 6h30 thì ăn sáng và bắt đầu làm việc đến 11h30. Buổi chiều lại tiếp tục chuẩn bị cho ngày hôm sau. Hôm nào cũng thế,  7- 8h tối mới nghỉ.

Chị Ngân chia sẻ: "Vất vả là chắc chắn rồi, nhưng chúng tôi thấy mình có sức khỏe, có tình yêu thương, có lòng biết ơn thì làm chứ không quản ngại gì cả. Hơn hết, giờ giấc, lịch trình kể trên là thói quen từ lâu không ảnh hưởng đến sức khỏe".

Chị bày tỏ xúc động khi nhắc đến những hình ảnh của các y, bác sĩ, nhân viên y tế… Nhìn họ rất thương, có lẽ đã nhiều tháng nay họ không biết mùi vị cơm nhà là gì. 

Hy vọng những suất cơm chay sẽ san sẻ với họ một chút vị tình thương, xoa dịu sự vất vả, căng thẳng mà họ đang trải qua.

F0 bình an trở về

Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) là một trong ba bếp chính đồng hành cùng chị Ngân trong những tháng qua. Ít ai biết được, ngày rằm tháng 7 vừa rồi, bếp ăn phải nấu gần 1.000 suất ăn, đang lúc cao điểm, chị Hồng nhận tin con trai mình bị F0.

Những xuất cơm chay “yêu thương” gửi đến y, bác sĩ tuyến đầu mỗi ngày: San sẻ hương vị tình thương - Ảnh 4.

Chị Ngân có dáng người khá gầy nhưng bù lại có sức khỏe tốt nhờ thói quen dậy sớm chăm tập thể dục, nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Ảnh: Chinh Hoàng.

Không giữ được bình tĩnh, chị Hồng chân tay run lên, đi ra đi vào chỉ biết nhìn chằm chằm vào điện thoại, chị rất lo lắng cho tình hình của con trai.

"Chị Ngân là người động viên, an ủi tôi nhiều nhất. Cố nén lại tất cả, tôi cùng mọi người hoàn thành bữa cơm hôm đó. Tôi vừa nấu vừa niệm Phật cầu mong cho con trai hay tất cả những ai đang dính bệnh đều bình an trở về…" - chị Hồng xúc động.

Điều may mắn nhất với gia đình chị Hồng là con trai của chị chỉ có triệu chứng nhẹ và được trở về nhà sau 14 ngày cách ly tại một bệnh viện ở tỉnh Bình Dương.

"Những ngày sau đó, mình rất vui mừng, cảm kích trước những tấm lòng, sự tận tâm của y, bác sĩ đã chăm sóc, chữa trị cho con trai cũng như bao F0 khác được lành bệnh" - chị Hồng kể.

Những xuất cơm chay “yêu thương” gửi đến y, bác sĩ tuyến đầu mỗi ngày: San sẻ hương vị tình thương - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Hồng nhận được tin con trai bị F0 khi đang chuẩn bị bữa ăn gần 1.000 suất cho các y, bác sĩ. Rất may sau đó con trai chị chỉ có triệu chứng nhẹ và được trở về. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Tôi không nhận tiền lương nấu ăn ở nhà hàng chay từ mùa dịch đến giờ nhưng chị Ngân là người rành mạch, rõ ràng, nhất quyết đưa cho tôi. Thế nên, tôi sẽ dùng số tiền đó giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn khác, mục đích cuối cùng chỉ muốn luân chuyển những điều thiện mà thôi!" - chị Hồng vui vẻ chia sẻ.

Ngoài nhà hàng của chị Ngân, hiện có 7 nhà hàng chay khác trên địa bàn TP.HCM vẫn đang ngày đêm miệt mài chuyển đến các y, bác sĩ tuyến đầu những hộp cơm chay dinh dưỡng. 

"Chúng tôi chỉ muốn chung tay, góp một phần sức lực nhỏ để góp phần làm bữa ăn cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế một cách chu đáo, đầy chất dinh dưỡng hơn. Xin được gửi lời cám ơn chân thành đến những người chiến binh áo trắng ngày đêm giúp TP.HCM từng bước vượt qua đại dịch Covid-19" - chị Nhung - chủ nhà hàng chay An Nhiên ở huyện Củ Chi chia sẻ.

Theo chị Minh Tú, Trưởng dự án PSSA (bên thứ 3 tài trợ cho 8 nhà hàng chay trên địa bàn TP.HCM nấu cơm cho các y, bác sĩ tuyến đầu tại các bệnh viện), vào đầu mùa dịch 2020, nhiều người nhận thấy bữa ăn của các y, bác sỹ tuyến đầu cần được chăm sóc kỹ lưỡng.

"Chúng tôi chọn hình thức phối hợp với các nhà hàng chay trên địa bàn thành phố để đưa lòng tri ân vào đó. Bên cạnh đó, chúng tôi có những người giỏi thực đơn như bạn Ý Linh, học dinh dưỡng tại Mỹ, chị Ngân Lá Tía Tô, bếp Khai Minh, Sân Mây, Mushroom…, những người đã dùng thức ăn để chữa bệnh.

Và chúng tôi tạo ra một mô hình thật gọn. Sau khi ăn thử, được sự ủng hộ nhiệt tình của các bệnh viện, đến nay, chúng tôi đã cung cấp hơn 27.000 bữa cơm chay dinh dưỡng cùng nước mát gửi đến 15 BV tuyến đầu. Giai đoạn kế tiếp chúng tôi vẫn đang triển khai cho tháng 10 và 11 này" - chị Minh Tú cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem