Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang

Hoàng Hữu Thứ tư, ngày 08/05/2024 08:35 AM (GMT+7)
Khèn là loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông ở Mù Cang Chải, thể hiện sắc thái tín ngưỡng, tâm linh truyền thống. Trong những năm qua, nghệ thuật khèn Mông được tỉnh Yên Bái quan tâm đầu tư bảo tồn, khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.
Bình luận 0

Púng Luông (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là xã có trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đối với đồng bào Mông nơi đây, khèn đã trở thành loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, bởi cây khèn không chỉ sử dụng trong các phong tục ma chay, thờ cúng, mà cây khèn và các điệu khèn còn nói lên tình yêu, ham muốn chinh phục thiên nhiên của mỗi chàng trai Mông, thể hiện sự khéo léo và mạnh mẽ của mỗi chàng trai trên các đỉnh núi hay phiên chợ, hội hè….

"Giữ lửa" cho tiếng khèn Mông mãi vang

Khèn là loại nhạc cụ đã ăn sâu vào tâm trí của bao thế hệ người Mông. Mỗi tộc người Mông đều phải có nghệ nhân gìn giữ và chế tác khèn để truyền dạy và lưu giữ cho các thế hệ sau này. Ông Thào A Tủa (ở bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là một nghệ nhân như vậy.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 1.

Khèn là loại nhạc cụ không thể thiếu và được sử dụng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Mông. Ảnh: Hoàng Hữu.

Ông Tủa đã gắn bó với khèn từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông Tủa tâm sự, những ngày đầu chế tác khèn còn gian nan bởi nguyên liệu chế tác khèn còn hạn chế. Nhưng bằng tình yêu với cây khèn Mông, ông đã dành thời gian để gắn bó với khèn. Đến những năm 2000, khi tham gia công tác trong bản, do công việc bận rộn nên không có thời gian để chế tác, ông Tủa chỉ dành được thời gian thổi và truyền dạy các điệu khèn truyền thống.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 2.

Ông Thào A Tủa là một trong những nghệ nhân chế tác khèn Mông của xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu.

Sau khi nghỉ công việc ở bản, năm 2019 ông Tủa quay lại chế tác khèn và các sản phẩm của ông đã được đông đảo người dân đón nhận. Trung bình mỗi năm ông làm từ vài chục đến gần trăm cây khèn với nhiều kích cỡ khác nhau để bán cho người dân trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.

"Chế tác khèn thì việc khó nhất là cắt lưỡi đồng vì cần độ tỉ mỉ và chính xác cao. Sau khi cắt lá đồng, phải xem khèn to hay bé để chỉnh lá đồng cho từng nốt, làm sao để cây khèn phát ra tiếng đảm bảo độ trong và theo ý người thổi khèn..." - ông Tủa chia sẻ.

Với kinh nghiệm chế tác khèn lâu năm, ông Tủa đã truyền dạy được cho các bạn trẻ từ việc chế tác khèn đến các điệu khèn truyền thống và góp phần đưa loại hình nghệ thuật này phát triển rộng rãi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 3.

Theo ông Tủa, việc chế tác khèn Mông khó nhất là công đoạn cắt lưỡi gà bằng đồng. Ảnh: Hoàng Hữu.

Mới 33 tuổi, nhưng anh Lý A Kỷ (ở bản Nả Háng Tâu xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã có gần 10 năm gắn bó với nghề chế tác khèn. Công việc gia đình khá bận rộn nhưng anh Kỷ luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chế tác khèn bán cho khách gần xa. Anh Kỷ bảo, chế tác khèn giúp anh hiểu rõ hơn về nguồn gốc của người Mông cũng như góp phần vào gìn giữ loại nhạc cụ truyền thống này.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 4.

Dù còn trẻ nhưng anh Lý A Kỷ là 1 trong 3 người hiện đang có thể biểu diễn và chế tác được khèn Mông của xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái Ảnh: Hoàng Hữu.

Anh Kỷ cho biết: "Muốn làm cây khèn vừa tốt vừa đảm bảo dùng được lâu, khi cắt lá đồng phải đánh lá đồng rất kỹ sau đó mới cắt thì cây khèn mới đảm bảo như ý muốn. Thông qua việc chế tác khèn này cũng muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ để đời này truyền cho đời khác và gìn giữ được loại hình nghệ thuật này. Tôi cũng mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa để chúng tôi có cơ hội phát triển nghề và gìn giữ nghề chế tác khèn này".

Chế tác khèn Mông giúp nâng cao thu nhập

Ông Tủa cho biết, giờ đây việc chế tác khèn và bán khèn đã giúp gia đình ông có thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/năm để trang trải cuộc sống của gia đình. Đây cũng là động lực rất lớn giúp ông gìn giữ và phát huy hết giá trị của các điệu khèn cũng như chế tác khèn.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 5.

Việc chế tác khèn giúp ông Tủa và gia đình có thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoàng Hữu.

"Năm nay do bận nên chưa bán được nhiều, còn những năm trước mỗi năm tôi bán từ 20 - 30 cây khèn cho người dân địa phương, các địa phương khác và thu về cả trăm triệu đồng. Tôi thấy việc làm và bán khèn này chỉ sợ lười, còn chăm chỉ và chủ động mang đi bán còn cho thu nhập cao gấp mấy lần làm ruộng, làm nương, tôi cũng sẵn sàng chỉ dạy cho thế hệ trẻ để các bạn có thêm thu nhập" - ông Thào A Tủa cho biết thêm.

Cây khèn luôn gắn liền với đời sống người Mông, không chỉ mang tính tâm linh mà còn mang đậm bản sắc trong những ngày hội và hơn hết là thể hiện sự mạnh mẽ của người đàn ông dân tộc Mông. Với những nét độc đáo của khèn, ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ ở Mù Cang Chải học thổi và chế tác khèn.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 6.

Một nhóm đàn ông người Mông cùng nhau tập biểu diễn các điệu Khèn mông ở nhà văn hóa bản. Ảnh: Hoàng Hữu.

Việc làm và bán khèn cũng đã giúp anh Lý A Kỷ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Mỗi năm từ việc chế tác khèn, gia đình anh Lý A Kỷ có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Anh Lý A Kỷ cho hay: "Nếu một năm chỉ chuyên tâm chế tác khèn thì thu nhập có thể trên 200 triệu đồng. Đó là chỉ tính về chế tác khèn, còn chưa tính đến việc sửa khèn cho mọi người và so sánh với làm nông nghiệp thì thu nhập cao hơn. Ngay từ những ngày đầu chế tác khèn, đã có nhiều người đến tận nhà mua và tôi chủ yếu chế tác khèn theo các đơn đặt hàng của khách".

Hiện nay trên địa bàn xã Púng Luông có nhiều người biết thổi các điệu khèn nhưng để làm và chế tác khèn chỉ có 3 người tại bản Nả Háng Tâu. Việc phát huy cũng như gìn giữ đã được cấp ủy chính quyền hết sức quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Địa phương đã tập trung nhân rộng và tổ chức các hoạt động liên quan, tạo mọi điều kiện cho các nghệ nhân phát huy hết thế mạnh và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 7.

Khèn Mông đã trở thành loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào người Mông Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Hoàng Hữu.

Ông Lý A Tủa - Phó Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: "Trên địa bàn xã chỉ có 3 nghệ nhân biết chế tác khèn, trong đó có anh Kỷ là trẻ tuổi, có thể truyền đạt được kiến thức cho mọi người. Chính quyền xã cũng mong muốn sau này có thể mở được lớp dạy chế tác khèn để giữ gìn bản sắc dân tộc cho sau này. Từ đó để cho các em, các cháu sau này biết cây khèn Mông là bản sắc của dân tộc mình".

Những người "giữ lửa" để tiếng khèn Mông ở Mù Cang Chải mãi vang- Ảnh 8.

Việc gìn giữ các giá trị văn hóa của cây Khèn Mông được người dân tộc Mông ở vùng cao Mù Cang Chải quan tâm truyền dạy. Ảnh: Hoàng Hữu.

Ngày 1/6/2023 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, khèn Mông là loại nhạc cụ phổ biến và mang tính đặc trưng nhất của người Mông. Trong cuộc sống thường ngày, khèn Mông luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông. Dịp lễ hội hay trên đường xuống chợ, đi rừng, đi nương, những điệu khèn là tiếng nói thể hiện lòng biết ơn đối với công lao sâu nặng của các đấng sinh thành, là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai gửi tới người con gái mà mình yêu thương…

Nghệ thuật khèn Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem