Làng nghề mai một theo thời gian
Ở các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… có nhiều làng nghề truyền thống, là ngành nghề chính, giúp người dân có công ăn việc làm ổn định xưa nay. Thế nhưng, từ ngày các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên, nhiều lao động trẻ đổ xô đi làm, quên đi sự có mặt của những làng nghề này.
Những tấm bảng ghi tên làng nghề rất lớn được treo lên chỉ dẫn, cũng chỉ là cái mác, còn thực tế trong làng đó, không còn bao nhiêu hộ theo nghề. Không còn bao nhiêu người còn gắn bó với cái gốc của cha ông, mà chỉ toàn người già, nay làm mai nghỉ. Sự sa sút của làng nghề truyền thống không phải là lỗi của ai. Bởi xã hội thay đổi, người dân không thể bám mãi cái rổ, cái rá để sống, chính quyền cũng không thể ép buộc người dân phải theo nghề này, nghề kia vì thu nhập bấp bênh, một miệng ăn còn khó, nói gì đến nuôi cả gia đình.
![]() |
Các nghệ nhân dệt chiếu bằng máy. |
Tại một số làng nghề như: nón bàng buông (Tiền Giang), chằm nón lá An Hòa (Long An), bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ)… số người theo nghề chỉ còn trên đầu ngón tay. Có những hộ gia đình từ 3 - 4 thế hệ theo nghề, giờ chỉ còn lác đác vài người, chủ yếu là người già, người mất sức lao động mới quanh quẩn với cái nghề “3 cọc 3 đồng” để sống.
Khác hẳn với khung cảnh tấp nập, người ra kẻ vào như trước, các làng nghề truyền thống nay đã thu mình lại. Có những nơi tìm mãi mới được 1 - 2 hộ làm, đa số là những nghệ nhân lâu năm, đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với cái nghiệp của ông cha. Họ không nỡ bỏ vì sợ mất đi cái nghề của tổ tiên, mất đi công sức, tâm huyết đã gầy dựng một đời.
Cụ Phạm Thị Phích, 81 tuổi, một trong những nghệ nhân lâu đời tại làng đan cần xé thuộc xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, là một trong ít người như thế. Cụ Phích chỉ tay về đống cần xé đang phơi giữa sân, thở dài: “Nghề này chỉ có mấy ông bà già mới ngồi làm thôi, còn lớp trẻ đi làm việc lương cao hết rồi”.
Chị Phạm Thị Thúy An, Tổ trưởng tổ hợp tác tại ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổ hợp tác được thành lập từ tháng 9 năm 2018, hiện tại chỉ có khoảng 15 hộ đang tham gia tổ hợp tác và khoảng 5 hộ khác đang theo nghề làm thớt của ông cha.
Vẫn còn những làng nghề duy tạo sức bật cho quê nghèo
Với mong muốn xây dựng và phát triển làng nghề của quê hương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để thay thế dần các quy trình thủ công nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Tại làng bánh phồng Phú Mỹ thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đa số hộ sản xuất quy mô lớn nhưng đều làm thủ công. Hộ gia đình anh Nguyễn Toàn Chung là một trong những cơ sở lớn trong vùng sử dụng máy móc. Với chi phí đầu tư hơn 200 triệu đồng, gia đình anh đã thu về nguồn lợi lớn từ nghề tráng bánh. Trung bình một tháng, cơ sở của anh thu về hơn 20 triệu đồng tiền lời.
Do đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng nên thương hiệu bánh phồng Phú Mỹ đã có chỗ đứng vững chãi trên thị trường. Không chỉ cung ứng trong tỉnh mà mặt hàng này đã có mặt ở nhiều nơi và tạo dựng nhiều quả ngọt cho các hộ dân tráng bánh phồng.
![]() |
Làng chổi bông sậy Cồn Nhỏ. |
Trong khi đó, làng tủ thờ Gò Công, Tiền Giang có thương hiệu tủ thờ Ba Đức với 9 chi nhánh lớn và nhiều cơ sở nhỏ trong vùng. Từ lâu đời, làng nghề truyền thống này đã tạo công ăn việc làm ổn định, giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân nơi đây.
Một điển hình khác là làng chổi bông sậy Cồn Nhỏ thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Làng nghề này phát triển mạnh, đa số hộ dân đều sống được bằng nghề. Có nhiều hộ đã hình thành nên những vựa lớn và làm giàu từ nghề chổi của quê hương.
Đặc trưng của làng chổi bông sậy là cách “chiều lòng” khách hàng. Ở đây người ta làm theo nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, thuận mua vừa bán đôi bên, không chạy theo số lượng để thu lời.
Hộ gia đình của chị Huỳnh Thị Út có hơn 20 năm ròng rã theo nghề. Trung bình một tháng, vựa của chị xuất ra tầm 10.000 – 15.000 cây chổi các loại. Trừ chi phí, nhân công, chị thu về 10 - 15 triệu đồng một tháng. Làng nghề truyền thống này vẫn đang trên đà phát triển, gầy dựng và nâng một tầm vóc mới cho làng quê nghèo.
Gửi bình luận