Thứ sáu, 03/05/2024

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng

18/03/2023 8:00 AM (GMT+7)

Danh sách những đặc sản An Giang ít người biết bao gồm gỏi sầu đâu, lía Tân Châu, xôi phồng Chợ Mới, cháo lòng Tri Tôn, bánh “ha nàm căn”,... mang hương vị - bản sắc riêng của nền ẩm thực vùng Bảy Núi.

An Giang từ lâu đã được biết đến là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt,... Tất cả cùng làm nên nền văn hóa và ẩm thực đa dạng phú nhưng mang bản sắc độc đáo riêng không lẫn vào đâu được. Du lịch An Giang, bạn không chỉ được du ngoạn rừng tràm Trà Sư, viếng Miếu Bà Chúa Sứ núi Sam, những cánh đồng lúa, hàng thốt nốt cao vút hay dãy Thất Sơn huyền bí mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã. Trong số đó có những đặc sản mang hương vị thơm ngon mới lạ nhưng còn chưa được nhiều người biết đến. 

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 1.

An Giang không chỉ có lẩu mắm và bún cá. Ảnh: Ticotravel

 


Gỏi sầu đâu

Gỏi sầu đâu là một món ngon đặc sắc mà bạn không nên bỏ qua khi đến An Giang. Thậm chí nhiều thực khách còn cho rằng đây là món ăn nổi tiếng nhất của vùng đất này. Sầu đâu là tên gọi một loại cây hoang dã, mọc nhiều ở vùng đất có dãy Thất Sơn. Thân cây cao và thẳng, không kén đất nên rất dễ trồng. Món gỏi sầu đâu sử dụng lá và hoa là chính. Phần lá có màu xanh, vị đắng nhưng hậu ngọt, tính mát, còn hoa thì ít đắng hơn và có vị thơm. Ngoài tên gọi sầu đâu thì sầu đông hay cây xoan cũng được dùng cho loài cây đặc trưng của vùng đất này.

Loại lá cây mang tên sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn ngon, phổ biến nhất trong mâm cơm gia đình địa phương có thể kể đến là lá sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng,... Nhưng món ăn được xem là món ngon hiếm có trên đời phải kể đến món gỏi sầu đâu. Lá cây sầu kết hợp cùng thịt ba chỉ, tôm hay cá khô xé nhỏ trộn cùng mắm, tỏi, ớt, chanh hoặc me... cùng nhau tạo sức hút khó cưỡng cho món ăn quen mà lạ này.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 2.

Gỏi sầu đâu. Ảnh: thamhiemmekong

 

Món gỏi sầu đâu thành phẩm là một bản hòa ca của nhiều hương vị khác nhau, trong đó nổi bật nhất là vị ngọt của tôm, chút thơm béo của thịt ba chỉ luộc, chút chua chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu (đã được trụng sơ với nước sôi cho đỡ đắng) cộng với vị cay nồng của nước mắm tỏi ớt, ăn tới đâu thấm tới đó. Những ai không quen lúc đầu sẽ thấy hơi khó nuốt nhưng càng ăn bạn sẽ càng thấy "bánh cuốn" và không thể bỏ đũa luôn đấy.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 3.

Món ăn thơm ngon lạ miệng. Ảnh: metrip

Món gỏi sầu đâu thường trộn cùng với thịt, tôm, hải sản hay gỏi cá đều hợp nhưng khô cá lóc được xem là lựa chọn hoàn hảo khi kết hợp cùng lá sầu đâu. 

Xôi phồng Chợ Mới

Mỗi vùng miền ở nước ta đều có món xôi đặc trưng riêng. Nếu Hà Nội có xôi xéo, xôi thịt kho, Tây Bắc sở hữu xôi ngũ sắc, chè xôi nén Huế nức tiếng gần xa,... thì An Giang cũng có món xôi phồng Chợ Mới thơm ngon còn ít người biết. Món ăn này có hình thức khá lạ vì tròn và phồng đều với màu vàng ươm đẹp mắt. Để làm được vậy thì phần xôi sẽ được giã nhuyễn và chiên phồng trên chảo dầu đến khi xôi đạt được độ căng tròn, màu vàng đều, bên ngoài giòn, bên trong dẻo thơm.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 4.

Đặc sản xôi phồng Chợ Mới thu hút nhiều thực khách. Ảnh: langthangangiang

Xôi phồng thường được ăn chung với tương ớt, hoặc thịnh soạn hơn là gà quay. Nếu dó dịp du lịch miền Tây và dừng chân ở vùng đất của Búng Bình Thiên, Thiên Cấm Sơn thì nhất định hãy dùng thử món xôi phồng gà quay tại Chợ Mới để thưởng thức trọn vẹn hương vị chuẩn không cần chỉnh của món ngon này


Bánh canh Vĩnh Trung

Trà Vinh có bánh canh Bến Có nổi tiếng cả nước, An Giang cũng có bánh canh Vĩnh Trung (địa danh thuộc huyện Tịnh Biên) với hương vị thơm ngon không kém vì bột bánh canh được làm từ gạo thơm Nàng Nhen trồng ở vùng cao của người Khmer khu vực Bảy Núi. Thoáng nhìn qua bạn sẽ thấy sợi bánh hơi giống sợi phở nhưng không dẹt phẳng mà đầy lẳn và trắng nõn. Với hình dáng đặc trưng như vậy khi ăn dễ có cảm giác trơn tuột nhưng lại dai mềm, lạ miệng vô cùng.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 5.

Bánh canh Vĩnh Trung. Ảnh: thamhiemmekong

Tô bánh canh Vĩnh Trung sẽ gồm phần sợi bánh được trụng chín để trong tô cùng với các loại nhân giò heo, bò viên, đôi khi kèm thêm miếng cá lóc sắp đều trên mặt. Cuối cùng là rưới ngập nước lèo trong vắt, rắc thêm ít hành ngò phi vàng ươm, thơm lừng. Tô bánh canh càng thơm ngon tròn vị khi ăn cùng một chén mắm nhỏ kèm ớt chưng để chấm phần topping. Những sợi bánh trắng nõn, dai dai mềm mềm hòa quyện cùng vị nước dùng trong vắt thơm vị xương hầm đủ sức làm nức lòng thực khách, khiến bạn đã ăn một đũa lại muốn ăn tiếp nữa

Bò leo núi Tân Châu

An Giang không chỉ có bò bảy món lừng danh xứ Châu Đốc mà còn có món ngon mang tên bò leo núi Tân Châu. Nhưng tên gọi này chỉ mang ý nghĩa ẩn dụ vì “bò leo núi” thực chất chỉ là thịt bò thông thường nhưng khác biệt ở cách chế biến.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 6.

Bò leo núi Tân Châu. Ảnh: ticotravel

Thực chất, món ăn được chế biến từ bò tơ với chất thịt mềm và tươi, phần thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng thường thấy. Sau đó người ta mang ướp bằng trứng gà tươi được khuấy đều rồi đi xếp lên vỉ nướng bằng gang sao cho chồng lên cao tròn trĩnh tựa như hình quả núi. Khi ăn thì cho miếng mỡ heo thật to lên trên vỉ và bắc trên bếp than hồng. Khi nào phần mỡ heo tan ra, thì để từng miếng thịt bò lên và phết thêm 1 ít bơ vàng óng lên để trứng và bơ hòa quyện vào thịt làm nên món ăn thơm lừng, ngọt lịm. Tên gọi bò leo núi cũng từ cách nướng thịt như vậy mà ra. Món ăn góp mặt vào danh sách đặc sản An Giang ít người biết này thường dùng kèm với bánh tráng, rau sống, chuối chát và chấm cùng chao hoặc mắm bò hóc để làm dậy hương vị.

 

Lía Tân Châu

Có dịp ghé thăm các địa điểm du lịch Tân Châu, du khách sẽ được giới thiệu món ăn đặc sản nơi đây. Đó là con lía xào tỏi. Lía có hình dạng khá giống loài hến, vỏ khá mỏng, thường được người ta gạn dưới sông lên. Chúng sẽ được ngâm sơ cho ra hết bùn đất và rửa lại thật kỹ với nước rồi chế biến thành các món ngon như lía xào tỏi, lía luộc xả, lía phơi. Được yêu thích nhất chính là món lía xào tỏi thơm ngon, đậm vị và vô cùng bắt cơm. Đặc biệt là khi mang đi xào, phần nước trong lía được chảy ra nên khi xào thịt lía thấm vị ngọt rất ngon. Khó có ai có thể cưỡng lại món ăn quê dân dã đúng chất sông nước này đâu đấy.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 7.

Lía Tân Châu. Ảnh: vntrip

 

Cháo bò Tri Tôn

Trên đường về miền Tây, qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, không khó để du khách bắt gặp những quán cháo má heo, mắt heo hay cháo lòng đông nghịt khách bởi hương vị đặc trưng. Nhưng ít ai biết ở An Giang cũng có món cháo lạ miệng nhưng thơm ngon vô cùng mang tên gọi cháo bò Tri Tôn. Có thể nói món ăn này cũng được xếp vào hàng đặc sản nức tiếng vùng Bảy Núi vì có vị ngọt đậm đà của nguyên liệu lấy từ vùng núi cao khác hẳn với tô cháo ở miệt đồng bằng. Điểm nhấn đầu tiên là ở loại cháo nấu từ gạo lúa mùa “sóc Khmer” thơm, dẻo cùng với nước thốt nốt đặc sản ở địa phương. Chưa nói đến món thịt và lòng ăn kèm, chỉ cần nếm thử một ít cháo bạn đã cảm nhận được vị ngọt đậm đà, thơm ngon của loại gạo đặc biệt. Tiếp đó, bạn thử gắp ít lá sách chấm vào chén nước mắm gừng để từ từ thưởng thức vị dai dai, giòn giòn. Đừng quên thử thêm miếng gan bùi bùi cùng chút ít phèo nhân nhẫn vị đắng đặc trưng nhưng cũng rất cuốn miệng cùng lát huyết cắt nhỏ vừa phải vừa mềm vừa ngọt thật hấp dẫn.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 8.

Cháo bò Tri Tôn nức tiếng. Ảnh: dulichmientay

Hương vị món ăn này sẽ thêm đậm đà nếu ăn kèm với giá sống và rau thơm. Nhưng có một thành phần giúp tôn thêm hương vị của cháo bò Tri Tôn mà chỉ An Giang mới có chính là trái chúc. Đây là loại trái đặc hữu của vùng bán sơn địa Tịnh Biên và Tri Tôn. Trái chúc khá giống trái chanh nhưng có vị nồng, the và thơm hơn nhiều. Vị chua thanh của trái chúc sẽ thấm vào tô cháo và quyện vào từng miếng thịt khiến thực thấy cảm nhận được vị ngon ngất ngây.

Bánh 'ha nàm căn'

Miền Tây là xứ sở của nhiều loại bánh ngon nức tiếng như bánh xèo, bánh tét, bánh tai yến, bánh tiêu, bánh bò,... nhưng có một loại đặc sản An Giang ít người biết mang tên khá lạ là bánh “ha nàm căn”. Tuy tên gọi lạ lẫm nhưng đây lại là món bánh dân dã dễ làm, chỉ với vài nguyên liệu đơn giản dễ tìm thấy ở bất cứ đâu.

"Ha nàm căn" thực chất là món bánh ngọt, ăn vặt làm từ đường thốt nốt trứ danh vùng Bảy Núi. Bánh thành phẩm của đồng bào Chăm đạt yêu cầu phải có kích cỡ bằng lòng bàn tay, màu vàng mỡ gà, phần chóp nhọn lên, vỏ bánh đủ giòn còn ruột bánh phải xốp, dai nhẹ.

 

Những đặc sản An Giang ít người biết ngon khó cưỡng - Ảnh 9.

Bánh ha nàm căn. Ảnh: metrip

Món bánh đặc sản này thích hợp ăn vào mọi lúc trong ngày, buổi sáng, trưa hay dùng lúc xế chiều đều hợp. Nếu có dịp đặt chân đến An Giang, các bạn nhớ dừng lại để thưởng thức chút hương vị ngọt thanh, thơm nhẹ của những chiếc bánh này nhé. Bạn có thể tìm thấy bánh ở chợ Châu Đốc, chợ biên giới Tịnh Biên hay nhiều điểm chợ, khu du lịch khác đấy.

Ngoài những món ăn đặc trưng trên, đồng bào Chăm, Khmer An Giang còn có nhiều món ngon mang hương vị đậm đà như cốm dẹp, mắm bò hóc, canh sim lo. Đây đều là những đặc sản địa phương tận dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên tạo nên một nền ẩm thực độc đáo và hấp dẫn, thể hiện được cách ứng xử linh hoạt với cây cỏ, vật nuôi.

Có thể nói rằng những món đặc sản An Giang ít người biết kết hợp hài hòa giữa nét độc đáo vùng sông nước và cách chế biến đặc trưng của đồng bào dân tộc ít người tạo nên những món ăn dân dã với sức hút khó cưỡng. 

Theo Lữ hành Việt Nam

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Canh chua và văn hóa chống nóng

Canh chua và văn hóa chống nóng

Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cùng với những món ăn đặc sản Hà Nội như chả cá, phở cuốn, bún chả… thì món cháo sườn cũng trở nên rất quen thuộc, trở thành một phần trong ký ức của mỗi người Hà thành.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

Từ những kết quả tích cực của quý I/2024 và lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy sản phẩm du lịch ban đêm, đường thủy và du lịch cộng đồng trong quý II/2024.

Doanh thu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đợt lễ tăng 12,5%

Doanh thu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đợt lễ tăng 12,5%

Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 630.000 lượt du khách trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tăng 25% so với năm ngoái; doanh thu du lịch đợt này ước đạt gần 670 tỉ đồng, tăng 12,5%, theo Sở Du lịch tỉnh.

TP.HCM đón nhiều khách đến chơi lễ, ngành du lịch phấn chấn

TP.HCM đón nhiều khách đến chơi lễ, ngành du lịch phấn chấn

Dù nắng nóng, lượng khách đến TP.HCM vui chơi dịp lễ 30/4 - 1/5 tăng so với năm ngoái. Các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn đều ghi nhận kết quả khả quan trong 5 ngày nghỉ lễ.

Bí quyết trồng thanh trà ngọt của lão nông ở miền Tây

Bí quyết trồng thanh trà ngọt của lão nông ở miền Tây

Lần đầu tiên làm nghịch vụ, lão nông Huỳnh Văn Cập đã bán toàn bộ số lượng thanh trà ngọt cho siêu thị với giá 160.000 đồng/kg.