Thứ sáu, 03/05/2024

Những con số - nhiều nỗi lo

04/03/2023 1:00 PM (GMT+7)

Khi cả 3 động lực quan trọng của tăng trưởng đều có sự sụt giảm hoặc có dấu hiệu sụt giảm, đã bộc lộ rõ những khó khăn nội tại của nền kinh tế, là những chỉ dấu rất đáng lo lắng về sức chống chịu và niềm tin thị trường, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023. Mặc dù ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các ngành, trong đó nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế với nhiều điểm sáng, song, rất nhiều chỉ số vĩ mô cho thấy rõ những thách thức, khó khăn với DN và nền kinh tế, đòi hỏi cần phải có ngay những chính sách kịp thời để tăng trưởng ổn định, bảo đảm các cân đối lớn.

Hai chân kiềng quan trọng của tăng trưởng là sản xuất và tiêu dùng đã ghi nhận sự suy giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm. Đầu tiên là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đã giảm khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế - đã giảm tới 6,9%.

Trong bối cảnh nhóm hàng công nghiệp chế biến hiện đang chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, khi sản xuất công nghiệp giảm, đã kéo theo tăng trưởng xuất, nhập khẩu giảm theo. Mặc dù ghi nhận xuất siêu hơn 2,8 tỷ USD, song cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng qua đều giảm sâu - ở mức 2 con số (trong đó, xuất khẩu giảm hơn 10% và nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm trước) - là rất đáng báo động.

Những con số - nhiều nỗi lo - Ảnh 1.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 đã giảm khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục thống kê về quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này - nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay - cho thấy “chân kiềng tiêu dùng” vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể, cho dù tháng đầu năm trùng với thời gian cao điểm mua sắm hàng hoá tiêu dùng dịp lễ, Tết.

Chân kiềng quan trọng thứ 3 là đầu tư, mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao của đầu tư công qua 2 tháng đầu năm - tăng tới 18%, song cả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) và đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đều có sự sụt giảm mạnh - cho thấy sức lan toả của nguồn vốn “mồi” chưa lớn.

Chỉ trong 2 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 14,5%. Bình quân một tháng có hơn 25.700 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập của hàng vạn lao động.

Mặc dù mới trải qua 2 tháng đầu của năm, số ngày nghỉ lễ, Tết kéo dài, nhưng khi cả 3 động lực quan trọng của tăng trưởng đều có sự sụt giảm hoặc có dấu hiệu sụt giảm, đã bộc lộ rõ những khó khăn nội tại của nền kinh tế trước những cú sốc, tác động từ bên ngoài; là những chỉ dấu rất đáng lo lắng về sức chống chịu và niềm tin thị trường, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải “bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc”. Đồng thời, phải “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính…”.

Thiết nghĩ, yêu cầu này cần phải đẩy mạnh trong mọi mặt hoạt động của nền kinh tế, không chỉ riêng đối với lĩnh vực đầu tư công hay các chương trình mục tiêu, trọng điểm. Từ những con số được thống kê, cần nhận diện và làm rõ các nguyên do để có giải pháp phù hợp và hữu hiệu. Có như vậy, mới đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng và đủ sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài.

Theo VOV

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xe điện hết nóng

Xe điện hết nóng

Tesla được xem là hàn thử biểu đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước, chiếc hàn thử biểu này đang lạnh dần.

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

49 năm sau ngày thống nhất đất nước với hơn 30 năm đổi mới và phát triển, ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh đã “lột xác” theo hướng văn minh, hiện đại.

Hệ thống KRX lần thứ 8 "lỗi hẹn" với thị trường chứng khoán Việt

Hệ thống KRX lần thứ 8 "lỗi hẹn" với thị trường chứng khoán Việt

Kể từ khi triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Tỷ giá USD/VND hiện nay đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 10 năm qua. Các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND.

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (ngày 25/4) tiếp tục bị huỷ. Ngân hàng Nhà nước thông báo nguyên nhân do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Rào cản lớn nhất hiện nay là những góc nhìn không đồng thuận với sự tồn tại của "trường chuyên, lớp chọn" từ cấp THCS. Nhưng đừng quên nhu cầu giáo dục trong một xã hội đang phát triển là rất đa dạng.