Những chuyến hồi hương thấm đẫm nước mắt

Chinh Hoàng - Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 26/09/2021 14:16 PM (GMT+7)
Nhiều đêm không ngủ được, liên tục kiểm tra gọi điện xác nhận thông tin rồi vỡ òa hạnh phúc khi biết tên mình có trong danh sách được lên chuyến xe nghĩa tình trở về quê. Đó là tâm trạng chung của hàng trăm phụ nữ có con nhỏ, hoặc đang mang thai (30 – 36 tuần tuổi) quê ở Quảng Ngãi.
Bình luận 0

Những người phụ nữ này, không tin nổi vào tai mình khi nhận được điện thoại của người phụ trách Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP. HCM báo tin mình có tên trong danh sách 300 thai phụ được về quê đợt này. Họ vui sướng, cứ xem đi xem lại thông tin mình đăng kí rồi đối chiếu với danh sách coi đã đúng chưa vì sợ nhầm…

Lênh đênh phận người

Trên những chuyến xe trở về quê, mỗi thai phụ đều mang trong mình những cảm xúc đặc biệt: Hào hứng phấn khởi, xen lẫn tủi thân, lưu luyến với những giọt nước mắt lăn dài trên má. 

Đã nhiều tháng liền, họ phải sống trong tình trạng thất nghiệp kéo dài, kẹt cứng một chỗ tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận ở miền Nam vì đại dịch Covid-19, thiếu tiền, thiếu ăn. Tất cả đều phải chật vật xoay xở đủ nơi, đủ kiểu, trăn trở nhất là lo lắng thiếu chất dinh dưỡng cho các bé khi đang còn trong bụng mẹ.

Những chuyến “hồi hương” thấm đẫm nước mắt - Ảnh 1.

Chị P.T. (31 tuổi, tạm trú quận Bình Tân, TP.HCM) có con trai đầu (2 tuổi) và đang mang thai đứa con thứ hai hơn bảy tháng tuổi, đang ở bến xe chiều ngày 25/9 chờ vể quê. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

"Tôi có thể nhịn ăn, nhịn tiêu một vài bữa cũng có thể tạm sống được. Nhưng khi nhìn con khóc rống lên vì khát sữa, bé trong bụng thiếu đi những chất cần thiết để phát triển là tôi không chịu nổi. Cảm giác đó thật thảm hại biết bao, bởi làm cha, làm mẹ, điều tối thiểu cơ bản nhất phải lo được cơm no áo ấm cho con. Vậy mà đã có lúc chúng tôi bất lực, buộc phải cầu cứu khắp nơi", chia sẻ của chị P.T. (31 tuổi, tạm trú quận Bình Tân, TP.HCM).

Chị T cho biết, lúc mang trong mình đứa thứ hai gần ba tháng tuổi, cũng là lúc những mâu thuẫn đỉnh điểm trong gia đình liên tiếp xảy ra. Chồng chị bỏ đi biệt tăm tích, không liên hệ được. Kể từ đây chị T. chính thức là mẹ đơn thân, đứa con đầu lòng của chị là một bé trai kháu khỉnh (2 tuổi). Thời điểm hiện tại đứa thứ hai trong bụng đã hơn bảy tháng tuổi.


Những chuyến “hồi hương” thấm đẫm nước mắt - Ảnh 2.

Nhiều người mẹ thai lớn, khó khăn trong việc đi lại được lực lượng chức năng giúp đỡ khuân đồ vào bến xe để về quê. Ảnh ghi lại vào chiều 25/9 tại Bến xe miền Đông. Ảnh: Chinh Hoàng.

Chị T. là công nhân của một công ty giày trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM), với mức lương trung bình. Dịch bệnh khiến chị phải "bó giò" một chỗ vì mất việc làm. Tiền hết sạch, suốt quá trình đi làm được đồng nào đều lo hết cho con không thể tiết kiệm được. Chị cũng không ngờ rằng, dịch bệnh kéo dài suốt tháng này qua tháng nọ. Giờ một mình chị không kham nổi hai miệng ăn với đứa con trong bụng, cùng với chi phí tiền nhà, đi lại hàng tháng.

Nhiều lần chị cố gắng tìm kiếm thông tin, liên lạc với chồng mình chỉ mong anh góp sức một phần vào trách nhiệm chăm lo cho con. Thế nhưng, đó là sự kiếm tìm trong vô vọng. Bé con trong bụng ngày càng lớn, bé nhỏ thiếu sữa rồi cứ quấy khóc đòi cha.

Những bữa cơm trong mùa dịch của chị chủ yếu là rau luộc chấm nước tương. Có mấy hôm hết nhẵn gạo vì chưa được hỗ trợ hay chưa xoay được ai, chị liều mình chạy ra đường mong gặp được chỗ nào phát cơm từ thiện thì xin ăn đỡ.

Những chuyến “hồi hương” thấm đẫm nước mắt - Ảnh 3.

Những chú "chim cánh cụt" theo mẹ về quê. Ảnh ghi lại vào chiều 25/9 tại Bến xe miền Đông. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Tôi ăn để bé trong bụng được khỏe, ít ra có cơm nó vẫn sống được chú ạ! Thời gian đó cứ tạm vậy thôi. Tôi cũng gọi về quê nhờ má chạy vạy giùm cho mấy đồng. Hứa hẹn "suông" với má hết dịch con làm trả cho", chị T. ngậm ngùi.

Chị kể, tài sản giá trị nhất của mình là chiếc điện thoại thông minh sắm từ năm ngoái. Thời điểm đỉnh dịch phải bán đi với giá 950.000đ, đổi lại một con điện thoại cũ rích giá 250.000đ. Phần tiền còn lại để mua sữa cho bé trai đầu cùng bé con trong bụng.

Từ khi không có điện thoại kết nối được với internet, mọi diễn biến dịch bệnh hay những chính sách hỗ trợ cho công nhân thất nghiệp trong mùa dịch, chị đều mập mờ không rõ. Chị chỉ được nghe loáng thoáng qua mấy đứa em ở gần phòng trọ rằng có thông báo từ trang hội đồng hương Quãng Ngãi đăng tin hỗ trợ đưa mẹ bầu về quê. Chị được người em cùng xóm trọ nói cho biết và tiện thể đăng ký giùm mình.

Những chuyến “hồi hương” thấm đẫm nước mắt - Ảnh 4.

Nhiều mẹ bầu đến bến xe từ rất sớm, chuẩn bị rất nhiều đồ đạc, hành lý. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Chị T. cho hay, kể từ ngày đăng ký cho đến nay, đêm nào chị cũng lo âu, trông mong nhanh chóng được xét duyệt. Đến khi có kết quả, thấy tên của mình trên danh sách được về, chị đã xúc động đến bật khóc. Kể cả lúc sắp bước chân lên xe, chị vẫn còn cảm giác lâng lâng vì sướng.  

"Nhà ba má của tôi cũng không khá giả gì, hai ông bà sống lay lắt tít sâu trong núi, quanh năm chỉ biết vác gùi lên nương rẫy thôi, ở đó có sóng để nghe điện thoại là may lắm. Gọi điện báo tin cho ba má tôi sắp về mà ông bà còn vui hơn cả tôi nữa.  Ba bảo: "Thôi về đi con ơi, đem cháu về ở ba má có gì ăn đó. Ở trong đó ba má nóng ruột lắm con ơi…", chị T. rơi nước mắt kể.

Vui buồn lẫn lộn…

"Alo… Má ơi, tầm khoảng 16h là con lên xe má nhé... Con đã tiêm hai liều vaccine Covid-19 rồi. Nghe nói ai đủ hai liều rồi sẽ được cách ly tại nhà nên má đừng lo lắng quá nha…". - Đầu dây bên kia: "Thật hả con, lên xe nhớ nằm cẩn thận, kê gối dưới lưng để nằm cho đỡ đau bụng con nha. Má đi báo tin vui cho ông bà nội mày biết đây…".

Cuộc gọi điện thoại ngắn gọn, vài câu thông báo cho ba má ở quê biết của chị L.T. K. C. (22 tuổi tạm trú tại huyện Hóc Môn). Nhìn ánh mắt của chị C. có thể thấy được cô đang rất vui sướng.

Ghi lại những khoảnh khắc chuẩn bị lên đường hồi hương của các "mẹ bầu" chiều ngày 25/9 tại Bến xe miền Đông. Clip: Chinh Hoàng.

Đưa đôi mắt nhìn qua chồng mình, chị C. cho biết, mình đang mang thai ở tháng thứ 8. Đây là đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng rất chờ đợi, song vì dịch bệnh phức tạp nên quyết định về quê sinh nở cho an toàn. C. bảo: "Được về quê tôi rất vui, rất mừng nhưng cũng rất buồn. Bởi trên hành trình này chỉ có mỗi mình tôi đi, chồng thì phải ở lại".

C. kể, vừa qua đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19 mang đến rất nhiều điều trắc trở cho gia đình chị. Có tiền cũng không làm được gì, thực phẩm quá khan hiếm, ra đường lại hạn chế. Dịch bùng phát mạnh, lại đang mang thai em bé ở độ tuổi phát triển quan trọng. Lúc này mối lo lắng nhất của C. là sợ em bé không đủ chất dinh dưỡng, sẽ bị còi xương.

Những chuyến “hồi hương” thấm đẫm nước mắt - Ảnh 6.

Đa số những thai phụ khi lên đây để chờ xe đều đi một mình, một trong số ít vẫn có chồng theo chân để phụ khuân vác hành lý dùm. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

C. nói, để vượt qua được những khủng hoảng này, cô cùng chồng lên mạng liên tục, cập nhật hàng giờ nhưng chuyến xe hỗ trợ phụ nữ mang thai về quê. May mắn đã mỉm cười khi ngày 25/9 cuối cùng C. cũng được ra đường, chuẩn bị bước lên hành trình chuyến xe "hồi hương" nghĩa tình về quê sinh nở.

Những chuyến “hồi hương” thấm đẫm nước mắt - Ảnh 7.

Nhiều mẹ bầu tâm trạng vui buồn lẫn lộn, không muốn rời xa chồng của mình. Ảnh ghi lại vào chiều 25/9. Ảnh: Chinh Hoàng.

Ban đầu cô rất phấn khích vì sau những tháng ngày sống trong cơ cực, đầy ngột ngạt ở nơi tâm dịch cuối cùng cũng được về quê. Sau đó, nghĩ mình sẽ "vượt cạn" một mình không có chồng bên cạnh, cô lại thấy bồi hồi, quyến luyến.

"Ừ, về thì vui đấy, song nghĩ đến cảnh thiếu chồng, thiếu những lời động viên, hay những ân cần chăm sóc hàng ngày thì cảm xúc nó lẫn lộn không biết diễn tả như thế nào", C. nghẹn giọng.

Tương tự, vợ chồng chị M.T (ngụ Gò Vấp) cũng quyến luyến trong giây phút sắp xa nhau. Chị T. cho biết, hơn 3 tháng nay, vợ chồng chị thất nghiệp ở nhà nên mọi thời gian đều dành cho đứa con nhỏ gần 2 tuổi và em bé trong bụng mẹ. Mỗi ngày, chồng chị đều chơi đùa với đứa lớn, thủ thỉ với đứa nhỏ nên khi chia tay đã cảm thấy nặng trĩu lòng.

"Các bệnh viện trong thành phố đều đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nên nếu lựa chọn sinh nở tại đây là phải chấp nhận rủi ro, khả năng lây nhiễm Covid-19 cao. Vì muốn vợ con được an toàn nhất nên tôi cố gắng đăng ký để vợ về quê.

Về được thì rất vui, nhưng đúng hơn hết là buồn vui lẫn lộn. Tôi lo lắng khi vợ mình bụng vượt mặt còn phải chăm sóc thêm con nhỏ, chẳng biết 14 ngày cách ly tại địa phương ba mẹ con có xoay xở được hay không. Nhưng hoàn cảnh như vậy rồi thì chỉ biết động viên vợ cố gắng, hy vọng chúng tôi sớm được đoàn tụ với nhau. Mong sao thời gian tới đây còn nhiều chuyến xe nữa để đưa các phụ nữ mang thai khác về quê, vì còn rất nhiều người muốn về nhưng số lượng hạn chế" – chồng chị M. xúc động nói.

Theo bà Trần Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Quảng Ngãi, Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM, trong ngày 25/9 có 300 thai phụ ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai được đưa về Quảng Ngãi. Các thai phụ có thể mang theo con nhỏ dưới 24 tháng. Trong đó, 148 thai phụ từ 25 – 32 tuần được sắp xếp đi máy bay, số còn lại từ 32 tuần trở lên sẽ đi xe khách về quê. Tất cả các thai phụ về quê đều phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày theo quy định. Mọi chi phí đi lại, ăn uống trên đường và cách ly tại địa phương đều được hỗ trợ miễn phí.

"Trước đó Hội đồng hương đã triển khai cho bà con đăng ký về quê qua các link, tổng số người đăng ký là trên 1.000 người. Tỉnh đã tổ chức đưa 400 người dân về ở đợt trước", bà Hoa thông tin.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem