Có lần chúng tôi bảo: “Thôi mẹ già rồi, nghỉ ngơi đi! Chúng con ăn bao nhiêu thì mua, bây giờ có thiếu đâu”, nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo: “Bao giờ mẹ không làm được nữa thì thôi”. Chúng tôi biết cái đức hy sinh được mang niềm vui tới con cháu là niềm hạnh phúc của đời mẹ rồi.
Ngắm nghía, nâng niu những chiếc bánh còn hôi hổi nóng, phảng phất hương vị ngày Tết, ký ức của tôi lại miên man hiện về mấy chục năm trước. Quê tôi như nhiều vùng quê khác ngày ấy nghèo lắm. Nghèo cũng bởi chiến tranh rồi khó khăn những năm đầu giải phóng, củ sắn, củ khoai cõng hạt cơm dìu bao kiếp người qua tháng ba ngày tám. Nghèo nên cơm tẻ đủ ăn là quý rồi, gạo nếp chỉ được đổ xôi ngày giỗ, ngày gia đình có việc trọng đại còn bánh chưng đợi Tết đến mới được ăn. Năm nào được mùa thì nồi bánh nhà tôi to hơn. Mất mùa nhưng bố mẹ cùng cố gắng chắt chiu để có nồi bánh chưng.
![]() |
Tết về, mẹ tự tay gói những đồng bánh chưng gọi con cháu về. Ảnh: TL |
Là con trai lại con cả trong gia đình, cách Tết chừng một tháng tôi lại cùng cha ra vườn bổ những gốc củi tre to phơi khô rồi xếp thành đống để trong những ngày Tết nhất đem ninh bánh chưng.
Làng tôi ở ven sông, từ khi biết đến lúc lớn lên tôi chẳng thấy sông giận dữ bao giờ. Con sông đào nho nhỏ cứ hiền lành lững lờ trôi như con người quê tôi đời nối đời mà trăn trở mà thủy chung với ruộng đồng. Ngày 28-29 Tết, sông rạo rực, tấp nập người gồng gánh, người tay xách nách mang nào là lá dong, gạo nếp, đỗ ra rửa, ra đãi. Mùi gạo, quyện hương thơm của đỗ, của lá dong loang phủ kín cả triền sông.
Còn nhớ một năm giúp mẹ rửa lá bánh xong rồi, mấy thằng lộc ngộc tuổi vỡ tiếng chúng tôi rỗi việc nên rủ nhau đi trêu tụi con gái cùng lứa, tóc cũng vừa kịp xõa kín bờ vai và ngực đang nhu nhú lên sau làn áo mỏng đang hí húi rửa lá bánh ở khúc sông bên dưới. Báo hại một đứa đang làm bỗng rú lên vội vã bỏ nắm lá ù té nhảy lên bờ khi nhìn thấy chiếc lá chúng tôi thả xuống trôi gần tới giống con đỉa.
Sau trận cười hả hê, chúng tôi lại lo cuống cuồng lên khi thấy nắm lá đã trôi khá xa giữa dòng sông mà gương mặt cô bạn gái đang đỏ bừng lên, đôi mắt rơm rớm nước. Tôi đành đóng vai “anh hùng cứu mỹ nhân”, mặc độc một chiếc quần đùi nhảy ào xuống sông vớt lá, tôi còn nhớ hôm ấy trời cũng khá lạnh. Trao nắm lá cho bạn, người đang run lên nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi lá bồ kết quện lá sả thoảng thơm từ tóc bạn và câu nói khiến tôi mấy đêm không ngủ được: “Em cảm ơn anh” mặc dù hai đứa cùng tuổi nhau.
Năm nào cũng vậy, sau bữa cơm tất niên, cả nhà tôi quây quần bên nồi bánh chưng. Tối 30 Tết, trời se se lạnh lất phất những hạt mưa xuân, mưa như kéo bóng đêm chùng xuống. Cả ngày bận rộn với nhiều công việc, nên làng tôi thường luộc bánh vào đêm giao thừa. Đêm ấy, bếp nhà ai ánh lửa cũng bập bùng, đó đây ơi ới tiếng người gọi nhau vớt bánh, không gian ấm lên trong hương bánh nồng nàn.
![]() |
Cứ đến dịp cuối năm, những bà nội trợ thường mua bó mùi già về nấu nồi nước thơm cho cả gia đình tắm lấy may. Ảnh: Anh Tuấn |
Gió xuân mơn man không biết hương của loài hoa nào theo gió dìu dịu cài trong hương trầm phảng phất. Hương ngai ngái của mấy cành lộc mẹ cắt ban chiều cắm vào lọ lộc bình đặt trên bàn thờ quyện với hương lá mùi ngan ngát mẹ vừa rửa để ở góc bếp chuẩn bị cho sáng mùng một dậy sớm đun nước cho cả nhà rửa mặt. Mẹ bảo: “Rửa mặt bằng lá mùi sạch, thơm và cho năm mới gặp nhiều may mắn”.
Lửa ấm, một ngày chạy nhảy, anh em chúng tôi thiếp đi trong giấc ngủ, chợt giật mình tỉnh giấc vì tiếng pháo râm ran khắp nơi, tôi ào chạy ra sân, mùi khói thuốc pháo cháy khen khét. Dứt tiếng pháo đón giao thừa, ánh mắt anh em chúng tôi lại hướng lên bàn thờ. Nơi ấy, bố tôi vừa trịnh trọng đặt mâm cơm còn bốc hơi nghi ngút mùi thức ăn thơm ngào ngạt. Mẹ kính cẩn thắp hương và sau tuần hương thôi, anh em chúng tôi sẽ được thưởng thức những món ăn mình ao ước từ lâu, rồi được bố mẹ mừng tuổi, chúng tôi lại lôi bộ quần áo mới còn thơm mùi vải ra ướm thử một lần cuối để sáng mai mùng một diện vào theo bố mẹ đi chúc Tết.
Mấy chục năm rồi, cứ nghĩ đến Tết lòng tôi lại bâng khuâng, anh em chúng tôi như những cánh chim đi xây tổ mới, nhưng cứ đến ngày mùng 3 Tết cháu con lại tề tựu đông đủ nâng chén rượu nhớ về tổ tiên, chúc nhau năm mới nhiều niềm vui mới.
Dẫu ngàn năm chẳng ai quên
Lạt mềm gói chặt mà nên hỡi người
Dẻo thơm hương của đất trời
Vuông dài tay mẹ nói lời nước non
Đã có lần tôi thay mặt các con viết bài thơ mỗi khi Tết được nhận bánh từ mẹ, đọc cho mẹ nghe, mẹ chỉ cười móm mém bảo: “Mẹ có biết gì về thơ đâu”. Sau nụ cười, mẹ lại lấy khăn lau nước mắt.
![]() |
Các cô, bác, anh, chị trong xóm tự nguyện đến gói bánh, luộc bánh chưng ngày đêm để ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt mưa lũ hồi tháng 10. Ảnh: Hải Nam |
Đợt lũ lụt miền Trung vừa rồi chú em điện lên nói chuyện: “Anh bảo mẹ chứ thôn mình tổ chức nấu bánh chưng gửi vào miền Trung lũ lụt mẹ tuổi cao nhưng đêm nào cùng thức đến 11 giờ cùng mọi người gói hàng trăm chiếc bánh đấy, em sợ mẹ ốm”. Tôi bảo: “Thôi cứ để mẹ làm những việc mẹ thích”. Ôi những chiếc bánh chưng mẹ trao đâu chỉ có hương thơm của bánh còn có những tảo tần khuya sớm, còn có hương của tình người.
Nhớ về cố hương, nhớ về hương xuân dìu dịu chở che, bao dung trong những ngày Tết, lòng tôi thêm bình an, lòng tôi thêm ấm lại, mọi muộn phiền trong cuộc sống trôi đi.
BẢO ANH
(Hội viên Hội VHNT Bắc Giang, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận