Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do virus Covid-19 khiến thị trường thương mại điện tử bùng nổ. Doanh số bán lẻ trong mùa hè tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trước bất ổn về thu nhập cũng như tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng tại Trung Quốc đang mua sắm một cách thận trọng hơn, và đây chính là rào cản lớn đối với lĩnh vực này.
Hãng tin CNBC dẫn lời chuyên gia phân tích Imogen Page-Jarrett tại The Economist Intelligence Unit (EIU) bình luận: “Với tình trạng thất nghiệp và đà tăng trưởng yếu kém kéo dài đến quý IV, bất kỳ sự phục hồi nào trong lĩnh vực tiêu dùng nói chung sẽ chỉ dừng ở mức thấp”.
Theo dự đoán của EIU, thị trường việc làm năm nay tại Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh tồi tệ nhất kể từ những năm 1960, qua đó kéo doanh số bán lẻ cũng có khả năng lao dốc tới 4,7%.
![]() |
Công dân Trung Quốc đang mua sắm thận trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy nhiều người vào tình trạng thất nghiệp. Ảnh: IT |
Dữ liệu chính thức cho thấy, doanh số bán lẻ từ tháng 1 đến tháng 8 đã tụt giảm 8,6% so với một năm trước, xuống mức 23,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,5 nghìn tỉ USD). Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tính riêng trong tháng 8 vừa qua, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc chỉ nhích nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng chủ yếu đến từ lĩnh vực ô tô, với doanh số bán hàng tăng 11,8%. Nếu ngoại trừ danh mục này, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 8 lại sụt giảm 0,6%.
Phân tích dữ liệu chính thức của CNBC chỉ ra rằng, doanh số bán hàng và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến dù tăng 13,3% trong tháng 8 nhưng chậm hơn mức 18,8% trong tháng 7 và giảm so với mức 19% trong tháng 6.
Bruce Pang - lãnh đạo bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance - nhận định: “Mất việc làm, giảm thu nhập và nợ nần tăng có thể tạo ra những điểm yếu kém trong nhu cầu tiêu dùng trong nước”. Vị này chỉ ra những bình luận từ cơ quan điều hành hàng đầu Trung Quốc trong vài tuần qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa đối với sự phục hồi kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
EIU dự đoán doanh số bán lẻ sẽ chuyển biến tích cực nhẹ trong quý III nhờ các chính sách thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ. Tuy nhiên, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trưởng chung có thể mờ nhạt. Một số điểm sáng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc là các mặt hàng thiết yếu có giá thành thấp hơn, bao gồm thực phẩm tươi sống và hàng gia dụng.
Giám đốc điều hành Jay Xiao của LexinFintech, điều hành nền tảng mua sắm trực tuyến cho trả góp Fenqile, chia sẻ: “So với thời điểm trước đại dịch Covid-19, một xu hướng rõ ràng mà chúng tôi nhận thấy là, người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc đang chi tiêu ngày càng thực tế và có trách nhiệm hơn”.
Vị này cho biết thêm, trên Fenqile, doanh số bán các sản phẩm khuyến mại và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh, tăng mạnh đáng kể so với những mặt hàng cao cấp có giá cả phải chăng hoặc các sản phẩm được nhiều người nổi tiếng sử dụng trong vài tháng qua. Bên cạnh đó, ông hy vọng rằng tiêu dùng trực tuyến của Trung Quốc sẽ nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới.
Xuất hiện những "người chơi mới" trên thị trường
Về lâu dài, các công ty lớn của Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp quốc tế vẫn phải nắm bắt cơ hội tiếp cận tầng lớp trung lưu tại quốc gia này. Tốc độ phát triển nhanh chóng của đất nước tỉ dân trong 2 thập kỷ qua đã phản ánh sự trỗi dậy của những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba, JD... Và, khi thị trường mua sắm trực tuyến bùng nổ, cuộc cạnh tranh sẽ trở nên gay cấn hơn vì xuất hiện nhiều tên tuổi mới.
![]() |
Các nhà bán hàng trực tuyến và truyền thống cần xây dựng chiến lược kinh doanh trong dài hạn để thu hút khách hàng khi kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Ảnh: IT |
Tuần trước, nền tảng video ngắn và phát trực tiếp Kuaishou thông báo rằng, các đơn đặt hàng mua sắm được đặt qua nền tảng này đã đạt 500 triệu vào tháng 8, đứng thứ tư sau Taobao và Tmall của Alibaba, JD và Pinduoduo.
Nhiều công dân Trung Quốc cũng đang sử dụng WeChat để mua sắm. Siêu ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Tencent đã thu hút hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Công ty cho biết, tổng khối lượng hàng hóa được mua thông qua các chương trình có trên ứng dụng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước. Theo báo cáo thường niên của Tencent, khối lượng giao dịch đạt 800 tỉ nhân dân tệ cho cả năm 2019.
Douyin - “ứng dụng anh em” của TikTok chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc, đã từ chối chia sẻ số liệu các đơn hàng mua sắm trực tuyến. Tuần trước, ứng dụng phát trực tiếp và video ngắn cực kỳ phổ biến, thuộc sở hữu của ByteDance, tiết lộ rằng trong năm qua, khoảng 22 triệu người dùng ở Trung Quốc kiếm được hơn 41,7 tỉ nhân dân tệ (6,15 tỉ USD) trên nền tảng này. Tính đến tháng 8, Douyin có 600 triệu tài khoản hoạt động hàng ngày.
Song thực tế, sau sự kiện mua sắm khuyến mại hồi tháng 6, Taobao, Tmall và JD đã chứng kiến số lượng người dùng giảm sút, trong khi người dùng WeChat gần như ít thay đổi trong suốt 3 tháng.
Theo CNBC
Gửi bình luận