![]() |
Thưở ấy, quanh năm chỉ biết đến quần đùi áo cộc mà ít khi được mặc quần áo "xịn". Ảnh: IT. |
Mẹ đùm túm cả năm đúng trọn 365 ngày không trừ ngày ốm đau để một cuối năm đem lại cho gia đình mình niềm vui. Này tiền nợ rượu phải trả cho cha, này nợ dưa muối tương cà, này mấy gói trà và cuốc rượu về mừng tuổi ngoại.
Nhọc lòng nhất vẫn là cái áo cái quần cho tươm tất. Này cha, này con, cả cái dự định cắt bớt phần mình mẹ cũng bị cha nhắc khéo: mình nhớ sắm cho mình cái khăn cái áo nhé mình! Chỉ chừng nớ thôi mẹ đã mất ăn mất ngủ. Con heo trong chuồng, đàn gà chạy quanh sân hợp lực cùng mớ rau, buồng chuối gói ghém bao phiên chợ để ngày tháng chạp bung nở tưng bừng nấc nghẹn niềm vui!
Thuở ấy quanh năm chỉ mỗi quần đùi áo cộc, cuộc sống thanh thản như hồi nguyên thủy, cạnh tranh chi cho nhọc lòng. Mà Tết thì phải tươm tất chút.
Nhà chia nhau, mỗi đứa con chọn một thức. Quần đùi, áo thun có cổ, đôi dép mới. Một và chỉ một mà thôi. Được cái này mất cái kia. Thằng Út bé nhất nhà nên dễ tính nhất nhà, được đôi dép đã sướng rơn. Dép nhựa đủ màu, Út chọn màu vàng rực. Chưa đến tết chưa được xài sang, mỗi khi thèm thuồng Út lại thượng lên bộ ngựa của cha, xỏ chân vào đôi dép, đi lại lẹt bẹt, lẹt bẹt.
Năm ấy tôi vào lớp năm. Cũng đã nhinh nhỉnh rồi. Cái thăm ngày Tết chia cho tôi cái quần tây, anh Năm chỉ nhận phần cái áo thun có cổ. Ảnh buồn thiu!
Đó là một cái Tết huy hoàng. Chiếc quần xoa-vi-ốt màu bả trầu vải quốc doanh được cửa hàng phân phối 1,2 m, may quần trẻ con hết 8 tấc, phần còn lại cha được thêm cái quần đùi. Vải pha nilon ăn nhiệt, ủi qua một lượt đã bóng loáng, xếp li sắc như lưỡi dao cạo. Quần bó sát người, sang lắm. Bước đi đến đâu là sáng loáng đến đó. Cứ từ cách xa năm bảy mét đã nghe vải quần cọ vào nhau sột soạt sột soạt êm tai như muốn tu huýt còi tránh ra tránh ra ta đang đi tới.
Ngày Tết miền Trung lất phất mưa bay, mấy nẻo đường thôn vương vãi bùn bẩn, sơ ý chút là mấy sợi bùn đã bu bám lên ống quần. Cái này thì tệ thật, đang mới, đang huy hoàng, lại phải tìm chỗ vũng nước trong, trong vắt như nước giếng, vốc từng vốc nước lau sạch bóng vết bẩn, rồi lại trịnh trọng bước tiếp, đắc ý biết phía sau mấy đứa bạn liếc mắt thèm thuồng.
Mặc quần xoa-vi-ốt thì sướng trong trăm cái khổ. Đã quần tây thì chỉ đứng không ngồi, ngồi xuống vài bận nếp quần xo lại, mất hết uy nghi. Nhất là khi nhìn đám bạn quần đùi thoải mái ngồi xổm chơi bi, thèm mà đành chịu, hạnh phúc nào mà không đánh đổi.
Mải mê với niềm vui sang chảnh, đến tối về cẩn thận cởi cái quần mắc lên cây đinh trên vách, nửa khuya giật mình tỉnh giấc, bồi hồi ngắm nghía, trông cho trời sáng thật mau. Với trẻ em thì cái đêm ngày tết thật là hoang phí.
Vậy mà sự cảnh giác vẫn chưa tròn nhiệm vụ. Sáng hôm mồng hai vừa mở mắt, lập tức nước mắt ngắn dài, chiếc quần tự dưng nằm bẹp dưới đất, lấm lem. Mà mình nhớ đêm qua không có gió. Ô, răng rứa hè. Mất một buổi giặt quần, chùm hum vác cái quạt lúa quạt lấy quạt để mong cho chóng khô, kịp qua mấy đường ủi, lại diện vào người, đi tiếp. Có đôi mắt của ông anh nhìn nhìn, hả hê và ganh tỵ.
Ngày nay Tết quê không còn ki bo nữa. Đã thôi quanh quẩn với cái ăn cái mặc. Từ hai mươi tháng chạp chợ quê đã sáng rực đường hoa. Áo quần giày vớ đủ màu. Ông anh mỗi năm về thăm quê không quên đóng từng kiện hàng từ áo quần đến bánh kẹo làm quà cho bà con. Người quê đã kịp quen với cái Tết tưng bừng lễ hội. Năm nay anh về rủ đi thăm làng lụa Mã Châu, những vuông lụa mềm mại đủ màu ánh lên mát mắt.
![]() |
Tết ngày nay đã đủ đầy hơn xưa. Ảnh: TL |
Anh nâng những tấm lụa trên tay, nghe ông chủ hàng lụa đang vẽ lên giấc mơ lụa quê sẽ chinh phục thị trường trong Nam ngoài Bắc, nghe có mấy Việt kiều Mỹ về bắc cầu, đã lóng lánh chiếc cầu bắc sang bên kia bờ Thái Bình Dương.
Chợt giọng anh chùng lại: Giá các cụ vẫn còn, ngày xuân cụ nhà vận bộ lụa Mã Châu này dắt anh em mình về thăm ngoại.
Tôi thì mơ nhiều hơn đến những nẻo xuân sau, khắp chợ cùng quê, bên sắc hoa, lóng lánh sắc màu quê lụa.
NGUYỄN TẤN ÁI
(THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận