Nhớ nghề quay quắt, nhiều giáo viên mầm non đếm từng ngày để được đến trường trở lại

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 30/11/2021 13:35 PM (GMT+7)
Đã gần kết thúc một năm dài dằng dặc nhưng thời gian được dạy học ở trường chỉ vỏn vẹn có hai tháng, nhiều giáo viên nhớ nghề "quay quắt" và đếm từng ngày chờ được đi dạy trở lại.
Bình luận 0

Trong chương trình "Dân hỏi thành phố trả lời", trả lời câu hỏi của người dân liên quan đến việc trẻ mầm non có được đến trường học trực tiếp trong thời gian tới hay không, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, ngành GD-ĐT luôn mong muốn tất cả học sinh đều được đến trường học trực tiếp, kể cả khối mầm non.

Vì vậy, trong ngày gần nhất và an toàn nhất, ngành GD-ĐT sẽ đón các em trở lại trường học, nhưng phải trên tinh thần an toàn tới đâu mở cửa tới đó.

Tâm sự cô giáo mầm non

Gắn bó với nghề giáo viên mầm non đã nhiều năm, nhưng đây là năm đầu tiên cô Mỹ Ngọc (33 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) phải đối diện với cảnh ở nhà chứ không phải ở trường, chăm con chứ không phải chăm học trò.

Cô Ngọc cho biết, cô là giáo viên của Hệ thống Mầm non Quốc tế Global Ecokids (quận 10). Cũng như tất cả các trường khác trong thành phố, sau khi trường đóng cửa vì dịch Covid-19, cô phải chịu cảnh thất nghiệp từ tháng 5/2021 tới nay và cũng chưa biết ngày nào mới được đi dạy trở lại.


Nhớ nghề "quay quắt", nhiều giáo viên mầm non đếm từng ngày để được đến trường trở lại - Ảnh 1.

Đã gần hết năm 2021 nhưng thời gian đến trường chỉ vỏn vẹn 2 tháng, cô Ngọc rất nhớ nghề và mong ngóng từng ngày để được đi làm trở lại. Ảnh: NVCC

Là một giáo viên yêu nghề, yêu trẻ, thời gian qua đối với cô Ngọc dài vô kể. Nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các bé học sinh mầm non nhỏ nhắn dễ thương khiến cô lúc nào cũng bồn chồn, trông ngóng.

"Thực sự tôi rất nhớ và muốn được đi dạy trở lại. Ngày nào tôi cũng lên mạng để đọc thông tin báo chí để xem tình hình dịch bệnh và kế hoạch mở cửa trường lớp trở lại. Thấy thành phố có kế hoạch mở cửa trường lớp trở lại - trong đó có cả cho khối mầm non tôi thấy rất vui, nhưng chưa biết tình hình cụ thể sẽ như thế nào", cô Ngọc nói.

Về cuộc sống của mình, cô Ngọc khẳng định không chỉ bản thân mình khó khăn khi phải tạm ngưng công việc, mà chắc chắn giáo viên mầm non ai cũng giống ai. Tuy nhiên, thời gian qua cô Ngọc đã cố gắng sắp xếp để ổn định cuộc sống và chờ đợi ngày trường mở cửa.


Nhớ nghề "quay quắt", nhiều giáo viên mầm non đếm từng ngày để được đến trường trở lại - Ảnh 2.

Giáo viên mầm non là nghề phải "luôn tay luôn chân", bận rộn từ sáng đến tối nên khi phải tạm nghỉ nhiều tháng liên tiếp, rất nhiều giáo viên cảm thấy trống vắng, nhớ trẻ, nhớ nghề... Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cô Ngọc cũng cho biết, trong đợt dịch vừa qua, may mắn là tất cả các giáo viên trong hệ thống đều nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ từ Ban lãnh đạo, đặc biệt là giúp các giáo viên thực hiện giấy tờ, hồ sơ để nhận các chính sách trợ cấp của nhà nước.

"Ngoài sự hỗ trợ của hệ thống trường mầm non nơi tôi công tác, thì tôi còn nhận được trợ cấp theo Nghị quyết 68 với số tiền 3.710.000 đồng, có con nhỏ dưới 6 tuổi nên tôi được nhận thêm 1 triệu đồng nữa. Sau đó, nhà trường làm hồ sơ để giáo viên được Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả nên có thêm khoản này. Thật sự, giữa lúc khó khăn, thất nghiệp mới thấy những hỗ trợ này quý giá biết bao nhiêu", cô Ngọc chia sẻ.

Tương tự, cô Diệu Hoa (giáo viên mầm non tư thục tại quận Gò Vấp) cũng cho biết đang rất nóng lòng muốn được trở lại với công việc. Bởi, thời gian nghỉ dịch bao nhiêu thì cảm giác nhớ nghề, nhớ trẻ dài bấy nhiêu.

"Tôi may mắn có gia đình hỗ trợ nên không gặp khó khăn trong đợt dịch này. Nhìn thấy đồng nghiệp nhiều người phải loay hoay, tìm kiếm đủ nghề để mưu sinh, chờ ngày đi dạy trở lại mà thương quá. Chỉ mong dịch bệnh mau chóng được khống chế, thành phố có những chính sách phù hợp để các trường mầm non được mở cửa, giáo viên đi làm trở lại.

Bước qua đại dịch Covid-19, sẵn sàng mở cửa

Dịch bệnh kéo dài, hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập đều gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp học mầm non. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong năm 2020-2021, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ) đã giải thể và ngưng hoạt động.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong mấy tháng gần đây, rất nhiều cơ sở mầm non tư thục không còn gắng gượng được đã phải sang nhượng lại cơ sở, bán lẻ trang thiết bị trường học để trả mặt bằng, ngừng hoạt động.


Nhớ nghề "quay quắt", nhiều giáo viên mầm non đếm từng ngày để được đến trường trở lại - Ảnh 3.

Nhiều trường mầm non tư thục ở TP.HCM ‘cầu cứu’ Chính phủ vì kiệt quệ tài chính. Ảnh: N.N

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Việt – Tổng giám đốc Hệ thống Mầm non quốc tế Global Ecokids cho biết, không "khá khẩm" hơn các cơ sở tư thục khác là mấy vì hệ thống trường Global Ecokids cũng phải cố gắng xoay xở đủ cách để duy trì, cầm cự và chờ đợi mở cửa dạy học trở lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Global Ecokids khẳng định tự đã tin bước qua đại dịch, sẵn sàng chờ quyết định của thành phố để mở cửa đón trẻ tới trường.

Theo ông Việt, một trong số những yếu tố khiến ông tự tin nhất đó chính là sự đoàn kết của Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban giám hiệu và toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên của hệ thống đã đồng lòng trong suốt thời gian qua. Nhờ điều này, Ban tổng giám đốc đã có động lực to lớn để "vượt bão" và đưa ra các quyết định đúng đắn để duy trì hệ thống.

Vận dụng và xoay xở nguồn tài chính của Hội đồng quản trị, suốt thời gian qua, nhà trường cố gắng duy trì hệ thống bằng cách chi trả thu nhập cho các phòng ban quan trọng, hỗ trợ cán bộ, nhân viên, giáo viên gặp khó khăn hoặc trở thành F0, đồng thời chủ động hoàn thành hồ sơ để giúp tất cả nhân lực của hệ thống tiếp cận được nguồn chính sách hỗ trợ của nhà nước.

"Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, Ban lãnh đạo hệ thống đều tổ chức họp trực tuyến với ban giám hiệu tất cả các cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân viên, giáo viên nhà trường. Qua đó, kịp thời nắm bắt khó khăn để giúp đỡ nhân viên, giáo viên. Rất vui là gần như 100% cán bộ nhân viên, giáo viên đều đang chờ đợi trường mở cửa để quay trở lại công việc", ông Việt chia sẻ.


Nhớ nghề "quay quắt", nhiều giáo viên mầm non đếm từng ngày để được đến trường trở lại - Ảnh 5.

Để sẵn sàng đón học sinh trở lại, lãnh đạo Hệ thống Mầm non quốc tế Global Ecokids cho biết đã chuẩn bị tất cả công tác phòng chống dịch và mỗi lớp bố trí khoảng 15 em. Anh: NVCC

Cũng theo ông Việt, một điều quan trọng khác để hệ thống có thể đứng vững được đến thời điểm này là nhờ vào việc thông cảm, chia sẻ của các đối tác. Trong đó, hệ thống đã đàm phán với các "bên thứ 3 mà quan trọng nhất là chủ mặt bằng cho thuê để thương lượng mức giá thuê tốt nhất trong những tháng tạm thời "đóng băng".

Ngoài ra, việc tương tác với phụ huynh và các bé suốt thời gian dịch bệnh cũng là một cách để hệ thống gắn kết và tạo niềm tin để đồng hành với "thượng đế" của mình trong đại dịch. Để các bé không quên trường, quên bài học và cũng giúp các cô nguôi ngoai nỗi nhớ nghề, nhà trường đã xây dựng bộ bài giảng phù hợp để cập nhật trên phần mềm của nhà trường và hướng dẫn cho phụ huynh tương tác với các con mỗi ngày (hoàn toàn miễn phí). Đồng thời, nhà trường cũng gửi phiếu khảo sát đến phụ huynh và được biết tỷ lệ phụ huynh chích đủ 2 mũi vaccine Covid-19 gần như tuyệt đối và nhu cầu cho con em trở lại trường cũng rất cao.

"Tôi cho rằng, những khó khăn chưa từng xảy đến trong thời gian qua chính là bài học quý giá để chúng tôi cũng như nhiều cơ sở khác có kinh nghiệm đương đầu với sóng gió. Ngoài sự tự tin đã cơ bản vượt qua đại dịch, chúng tôi cũng hoàn toàn sẵn sàng đón các bé quay trở lại trường học với sự chuẩn bị an toàn nhất có thể.

Trong đó, 100% nhân sự của hệ thống đã được chích đủ 2 mũi vaccine Covid-19 và có đến 80% nhân sự ở TP.HCM sẵn sàng trở lại công việc bất cứ lúc nào; Hệ thống cũng đã xây dựng bộ tiêu chí về phòng chống dịch nhằm đảm bảo an toàn khi mở cửa trở lại như: khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn nhân sự áp dụng biện pháp 5K, mỗi lớp học bố trí tối đa 15 bé…", ông Nguyễn Hữu Việt cho biết.

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa đề xuất 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo dự thảo Nghị quyết về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại thành phố, gồm: Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; Trẻ em đang học tại các cơ sở mầm non dân lập, tư thục có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đổng lao động theo quy định; Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục.

Theo đề xuất, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy theo danh mục quy định của Bộ GD-ĐT và hỗ trợ kinh phí sữa chữa cơ sở vật chất để phục vụ việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Mức hỗ trợ bình quân là 34.700.000 đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Chính sách trợ cấp với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp: 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.

Giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem