Nhịn ăn gián đoạn có làm tăng nguy cơ tim mạch?

Trọng Hà (Theo SCMP) Thứ bảy, ngày 30/03/2024 15:02 PM (GMT+7)
Tính an toàn của phương pháp nhịn ăn gián đoạn hiện đang gây nhiều tranh cãi.
Bình luận 0

An toàn của chế độ nhịn ăn gián đoạn đã bị đặt dấu hỏi gần đây sau khi một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy mối liên quan của người thực hiện phương pháp này với nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn tới 91%.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về chế độ ăn gián đoạn này. Họ chỉ ra những thiếu sót trong các phát hiện hiện có và cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn.

Phân tích dữ liệu từ hơn 20.000 người trưởng thành, do một nhóm các nhà khoa học từ Trung Quốc và Hoa Kỳ thực hiện, cho thấy rằng những người giới hạn thời gian ăn uống của họ xuống dưới tám giờ trong mỗi chu kỳ 24 giờ gần như tăng gấp đôi nguy cơ tử vong vì bệnh tim.

Các phát hiện đã được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) ở Chicago tổ chức từ ngày 18 đến 21/3. Một bài báo dự kiến sẽ sớm được công bố trên một tạp chí khoa học đã qua bình duyệt, theo tuyên bố của AHA vào ngày 19/3.

Nhịn ăn gián đoạn có làm tăng nguy cơ tim mạch?

Nhịn ăn gián đoạn có làm tăng nguy cơ tim mạch?- Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến khích quan tâm tới chất lượng đồ ăn thay vì thời gian ăn. Ảnh: SCMP.

Zhong Wenze, tác giả chính của nghiên cứu, đến từ Đại học Y Thượng Hải cho biết việc hạn chế thời gian ăn uống hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây vì nó được cho là có những lợi ích như giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Ông nói thêm: “Tác động lâu dài của việc ăn uống hạn chế thời gian đến sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân hoặc bệnh tim mạch, vẫn chưa được nghiên cứu".

Có nhiều chế độ ăn kiêng với thời gian hạn chế khác nhau, chẳng hạn như hình thức "5:2", khi mỗi tuần người áp dụng ăn uống bình thường trong năm ngày và nhịn ăn trong hai ngày còn lại. Nhiều người áp dụng lịch trình "16:8", trong đó họ giới hạn lượng thức ăn hàng ngày của mình trong khoảng thời gian tám giờ và nhịn ăn trong 16 giờ còn lại.

Đây là hình thức ăn kiêng mà nghiên cứu xem xét, tập trung phân tích các tác động sức khỏe lâu dài tiềm ẩn của nó, chủ yếu dựa trên thông tin lấy từ cơ sở dữ liệu Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hoa Kỳ (NHANES) từ năm 2003 đến 2018.

Gần 20.000 người trưởng thành được yêu cầu hoàn thành hai bảng câu hỏi về chế độ ăn uống trong năm đầu tiên đăng ký. Theo dõi trong khoảng trung bình là 8 năm (tối đa là 17 năm), 2.797 trường hợp tử vong đã được ghi nhận, trong đó có 840 trường hợp tử vong do nguyên nhân tim mạch.

Ngoài việc phát hiện nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn đáng kể, nghiên cứu còn cho thấy những người hạn chế thời gian ăn uống hàng ngày không sống lâu hơn nhóm còn lại.

Trong tuyên bố của AHA, Christopher Gardner, giáo sư y khoa tại Đại học Stanford (người không tham gia vào nghiên cứu) cho biết: "Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy rằng việc ăn trong khung giờ hạn chế có thể có lợi ích ngắn hạn nhưng cũng tồn tại tác dụng phụ lâu dài".

Nhưng cả các chuyên gia dinh dưỡng và tim mạch đều bày tỏ sự dè dặt về những phát hiện trên, cho rằng cần nghiên cứu toàn diện hơn trước khi có thể đưa ra liên kết chắc chắn giữa chế độ ăn kiêng hạn chế thời gian và nguy cơ bệnh tim mạch.

Tiến sĩ Kenneth Mukamal, bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess và là giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với AHA News vào ngày 18/3 rằng có nhiều yếu tố vẫn chưa được tính đến. Ông lưu ý đây là một nghiên cứu quan sát, không phải một thử nghiệm ngẫu nhiên và nói thêm, điều quan trọng là phải tìm hiểu lý do tại sao người ta chọn cách ăn này. Ví dụ, những người bị ung thư có thể đang phải đối mặt với tình trạng chán ăn.

Mukamal nói: "Ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, việc tập trung vào những gì mọi người ăn vẫn quan trọng hơn việc tập trung vào thời gian họ ăn".

Zhang Peng, một bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh (Trung Quốc) thuộc Đại học Y khoa Thủ đô, cho biết kết luận của nghiên cứu này sẽ không thay đổi thực hành lâm sàng của bệnh viện mà ông đang công tác.

“Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng học thường đưa ra những kết luận gây tranh cãi trong các điều kiện khác nhau, và cũng không có câu trả lời đặc biệt rõ ràng về chế độ nhịn ăn gián đoạn, mặc dù nhìn chung có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích nhiều hơn nhược điểm", ông nói.

Ông nói rằng nghiên cứu được trình bày tại hội nghị “hoàn toàn không gây ngạc nhiên” bởi vì nó không cung cấp thông tin chi tiết hơn về những người tham gia, chẳng hạn như liệu họ có các tình trạng y tế tiềm ẩn bao gồm tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim mạch hay không.

Ở vị trí bác sĩ chuyên về phẫu thuật béo phì và chuyển hóa, Zhang nói rằng bệnh nhân được điều trị trên cơ sở phân loại và chính xác. Đối với những người chỉ đơn giản là béo phì, họ sẽ được khuyên giảm khoảng thời gian ăn uống có kiểm soát lượng calo, chẳng hạn như chế độ 16:8.

Nhịn ăn gián đoạn có làm tăng nguy cơ tim mạch?- Ảnh 2.

Tính an toàn của phương pháp nhịn ăn gián đoạn hiện đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: SCMP.

Nhưng chế độ ăn kiêng hạn chế thời gian này sẽ không áp dụng cho những người mắc một số rối loạn dinh dưỡng liên quan đến bệnh tiểu đường, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh tim mạch và các bệnh ác tính khác. Ông nói, việc quản lý dinh dưỡng và giảm cân là những vấn đề "nghiêm trọng", đồng thời kêu gọi mọi người tham khảo ý kiến chuyên gia y tế thay vì tự đưa ra quyết định chỉ dựa trên các nghiên cứu.

Mukamal cũng cho biết còn quá sớm để kết luận rằng mọi người nên tránh ăn theo thời gian hạn chế nếu nó giúp họ đạt được mục tiêu giảm cân.

Bản thân các tác giả của nghiên cứu đã cảnh báo về những hạn chế trong phát hiện của họ, lưu ý rằng các yếu tố khác ngoài thời gian ăn uống hàng ngày - có thể đóng một vai trò nào đó trong nguyên nhân tử vong - đã không được tính đến.

Họ kêu gọi nghiên cứu nhiều hơn trong tương lai, chẳng hạn như điều tra các cơ chế sinh học cơ bản liên quan đến thời gian ăn uống hạn chế và các kết quả bất lợi về tim mạch.

Trong khi đó, bất chấp những thắc mắc về tính chính xác của nghiên cứu, một số người cho rằng đa số thường chú trọng vào những lợi ích ngắn hạn của các kế hoạch ăn kiêng có giới hạn thời gian mà không biết đầy đủ về những tác động lâu dài.

“Mỗi khi tôi nói về việc không khuyến khích nhịn ăn gián đoạn, tôi đều bị thách thức, bây giờ lại có thêm bằng chứng ủng hộ ý kiến của tôi", Tian Geng, nhà di truyền học, người sáng lập công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Geneis, người không tham gia vào nghiên cứu, đăng trên mạng xã hội vào ngày 18/3, ngày công bố kết quả. 

Năm ngoái, Tian đã xuất bản một cuốn sách về chống lão hóa và trường thọ, và ông nói rằng nhiều độc giả bày tỏ sự quan tâm đến nội dung về tác động của việc nhịn ăn gián đoạn đến sức khỏe. Điều đó khiến ông nhận ra “có những quan niệm sai lầm phổ biến trong công chúng”.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại lợi ích ngắn hạn như giảm cân, nhưng nó gần như chắc chắn có tác động tiêu cực đến tuổi thọ", ông nói. Tian cho biết so với nhịn ăn gián đoạn, hạn chế lượng calo thực sự được giới học thuật khuyến khích hơn.

Ông nói: “Các nghiên cứu quy mô lớn đã phát hiện ra rằng việc hạn chế calo có thể dẫn đến một số thay đổi có lợi trong các chỉ số sức khỏe, bao gồm cả tuổi thọ".

Đây không phải là lần đầu tiên mối liên hệ giữa việc nhịn ăn gián đoạn và tử vong do bệnh tim mạch được đưa ra.

Trong một nghiên cứu lớn với hơn 24.000 người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên được công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng vào năm 2022, các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc bỏ qua một bữa ăn cũng làm tăng nguy cơ tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem