Thứ tư, 01/05/2024

Nhiều môi giới bất động sản “tiếp tay” làm giá đất 'nhảy múa'

31/03/2022 9:00 AM (GMT+7)

Thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua bị nhiều nhà đầu cơ, môi giới thao túng. Đất đai ở 1 số nơi ghi nhận tình trạng nhảy múa, giá tăng vọt vì có "sự góp sức" của giới đầu cơ.

Ai cũng có thể làm môi giới bất động sản?

Thời gian qua, tình trạng môi giới bày trò, dàn dựng cảnh sốt đất ở Bình Phước, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã gây hoang mang dư luận. Kịch bản cũ, nạn nhân mới - là những chiêu bài được một số môi giới lặp đi lặp lại.... đánh vào tâm lý hám lợi của nhiều người nhằm trục lợi. Điều này đã dấy lên câu hỏi về vai trò, niềm tin của khách hàng vào các nhà môi giới.

Trước vấn đề này, ngày 30/3, tọa đàm "Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM. Hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia đều đánh giá cao vai trò quan trọng của người môi giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận bên cạnh những nhà môi giới chính danh thì hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" còn nhiều.

Nhiều môi giới bất động sản “tiếp tay” làm giá đất “nhảy múa” - Ảnh 1.

Môi giới dựng cảnh "sốt đất ảo" tại Bình Phước gây hoang mang dư luận thời gian qua. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thời gian gần đây giá cả bất động sản liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường. Đất đai một số nơi "nhảy múa", tăng vọt.

Trong đó, có các nhà đầu tư, nhà môi giới chuyên nghiệp tham gia góp tay tạo nên những cơn sốt, đưa đất đai thành hàng hóa đầu cơ chứ không phải mục đích phục vụ kinh tế cho địa phương. Vì thế cần có giải pháp bình ổn thị trường, điều tiết bằng chính sách.

Theo ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 300.000 người tham gia thực hiện các nghiệp vụ môi giới bất động sản trên toàn Việt Nam. Thế nhưng, số lượng thực tế còn nhiều hơn vì "ai cũng có thể làm môi giới bất động sản". Thống kê cho thấy, hàng năm trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100.000 giao dịch. Một số địa phương, 1 tháng có tới vài ngàn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng giúp các giao dịch bất động sản diễn ra.

Nhiều môi giới bất động sản “tiếp tay” làm giá đất “nhảy múa” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết xuất hiện tình trạng môi giới tiếp tay thổi giá đất. Ảnh: H.T

"Các môi giới, không phải ai cũng có đủ bằng cấp, nắm chắc nghiệp vụ hay hiểu rõ pháp luật. Hiện tại, quy mô, số lượng môi giới tăng lên nhưng chất lượng thực tế chưa thực sự tốt. Việc học nghề chỉ mang tính đối phó với cơ quan quản lí. Đã đến lúc cần có quy chuẩn rõ ràng về môi giới về cá nhân hay tổ chức", ông Lâm cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thông tin hiện đang xảy ra sự hỗn loạn thông tin trên thị trường như rao bán bất động sản sai vị trí, sai giá bán để câu khách; rao bán đất cá nhân thành đất dự án nhưng không ai kiểm soát. Thậm chí, rao bán dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh…

Xây dựng tiêu chí hành nghề, quản lý hoạt động môi giới

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhà môi giới là chủ thể rất quan trọng và để phát huy được vai trò thì cần phải có kiến thức pháp luật, được học và cấp chứng chỉ.

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn thiếu thông tin nên có trình trạng môi giới đẩy giá cao. Để tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Nghị định 16 quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản với một số nội dung như: không có chứng chỉ hành nghề, không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán bất động sản không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hồ sơ, thông tin về bất động sản... Các vi phạm về quản lý, sử dụng, kê khai thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có mức xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng.

Nhiều môi giới bất động sản “tiếp tay” làm giá đất “nhảy múa” - Ảnh 4.

Cần tăng cường siết chặt hoạt động quản lý môi giới. Ảnh: H.T

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Nghị định 16 quy định chủ đầu tư phải đăng ký số lượng sản phẩm, tình trạng giao dịch và công bố trên website... nếu không sẽ xử phạt. Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm cho nhà môi giới.

Nghị định 16 đã quy định xử phạt mạnh tay vi phạm trong hoạt động môi giới vì thế các đơn vị sàn môi giới phải nắm bắt được quy định của pháp luật. Nếu không, ngoài việc bị xử phạt hành chính, các hợp đồng giao dịch với khách hàng sẽ bị huỷ, dừng hoạt động sàn, tiền sẽ bị tịch thu.

"Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu thể chế hóa hoạt động kinh doanh bất động sản vào Luật Kinh doanh bất động sản với hướng xác định vai trò, chủ thể nhà môi giới trong thị trường, có cần quy định việc đào tạo kỹ năng hành nghề môi giới hay không, quy định trách nhiệm và đạo đức hành nghề của nghề môi giới, mối quan hệ giữa nhà môi giới với các chủ thể khác…" - ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết thêm.

Nhiều môi giới bất động sản “tiếp tay” làm giá đất “nhảy múa” - Ảnh 5.

Nhiều chuyên gia đề xuất giải pháp, ban hành quy chuẩn cho nghề môi giới. Ảnh: H.T

Bà Nguyễn Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng để xảy ra những câu chuyện "cò" đất bất lương, nhũng loạn thị trường, 1 phần nguyên nhân do chưa chưa có sự đánh giá, xây dựng tiêu chí để xác định điều kiện hành nghề môi giới. Khung pháp lý đã có nhưng luật pháp thả nổi trong thời gian khá dài, trong khi số lượng môi giới ngày càng tăng nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy

"Đã đến lúc cần quy chuẩn cho nghề môi giới. Cần quy định rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề. Qua đó có giám sát, chế tài mạnh tay với những hành vi làm trái quy định, trái quy chuẩn nghề nghiệp", bà Nguyễn Hương cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, luật vẫn cần sửa đổi để phù hợp hơn, cần có một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý bằng mã số định danh. Đặc biệt là chứng chỉ hành nghề môi giới. Vì thế, bên cạnh việc cần tăng nguồn cung bất động sản đủ điều kiện bán hàng, cần có cơ chế phối hợp để quản lý thông tin bất động sản minh bạch cũng như quy định môi giới bất động sản phải có mã số hành nghề để tăng tính chuyên nghiệp.

Ông Đính nhận định hoạt động môi giới chứng khoán chỉ phục vụ số ít các nhà đầu tư nhưng luật nhiều, chế tài rất kỹ. Trong khi môi giới bất động sản phục vụ đại đa số người dân, việc giao dịch thành công không chỉ là câu chuyện mua bán mà còn là ổn định cuộc sống của cả 1 đời người. Vì thế, cần thiết mau chóng xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và quyết liệt trong chế tài, hướng đến thị trường minh bạch và sự chuyên nghiệp của các nhà môi giới, dù là cá nhân hay tổ chức.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng

Tính đến 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng.

Giá nhà đất ở TP.HCM vẫn tăng nhẹ trong quý I

Giá nhà đất ở TP.HCM vẫn tăng nhẹ trong quý I

Thị trường bất động sản tại TP.HCM và một số địa phương có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động trong quý I/2024.

Ngôi nhà quanh năm thoáng mát

Ngôi nhà quanh năm thoáng mát

Công trình là tổ hợp của nhiều phong cách, đường nét và hình khối khác nhau, chính sự bất quy tắc trong lối thiết kế đã đem lại sự đột phá trong kiến trúc và khiến trải nghiệm của người ở trở nên mới mẻ, thú vị hơn.

Nhộn nhịp đại công trường nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Nhộn nhịp đại công trường nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Dưới cái nắng gay gắt, hàng trăm công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài lao động để sớm đưa dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất về đích đúng hẹn.

Bất động sản Phát Đạt trong cơn khát dòng tiền

Bất động sản Phát Đạt trong cơn khát dòng tiền

Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) đặt nhiệm vụ cao nhất của năm 2024 là tập trung vào chiến lược bán hàng hiệu quả để tạo ra dòng tiền nhanh nhất. Dòng tiền cũng sẽ là trọng điểm của PDR trong 3-5 năm tới.

UBND quận, huyện tại TP.HCM được uỷ quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

UBND quận, huyện tại TP.HCM được uỷ quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

Để đẩy nhanh các dự án đầu tư công trên địa bàn, UBND TP.HCM quyết định ủy quyền cho UBND các quận, huyện (trừ UBND TP.Thủ Đức) điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu với thời gian là 3 năm.