Theo dữ liệu do Nikkei Asian Review tổng hợp, kể từ tháng 6 năm ngoái, có 33 công ty niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc đã thông báo về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Trong đó, gần 70% cho biết Việt Nam là điểm đến ưa thích của họ, số còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
![]() |
Các công ty Trung Quốc đang theo chân đối tác nước ngoài “tháo chạy” khỏi quốc gia tỷ dân, nhằm giảm thiểu rủi ro mà “cơn bão” thuế quan mang lại. Ảnh: AFP. |
Ngày 19/7 vừa qua, nhà sản xuất sản phẩm cao su có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang - Jinhua Chunguang - thông báo sẽ bỏ ra khoản tiền 4,35 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, bên cạnh 3 nhà máy hiện có mặt ở Malaysia và Trung Quốc.
Jinhua Chunguang hiện đang sản xuất vòi cao su, được sử dụng trong máy hút bụi - mặt hàng có tên trong danh sách bị đánh thuế đợt thứ 3 của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong nửa cuối năm 2018.
Công ty cũng cho biết thêm, khoản đầu tư này là phản ứng trước “những thay đổi của môi trường quốc tế", cũng như là một phần của kế hoạch mở rộng thị trường trên toàn cầu.
Công ty Công nghiệp Henglin tại tỉnh Chiết Giang cũng đang để mắt đến Việt Nam - nơi họ vừa mua lại một nhà máy thuộc sở hữu của Đài Loan. Đây là một trong những doanh nghiệp cung cấp đồ nội thất cho hãng Ikea của Thụy Điển và Nittori của Nhật Bản. "Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm nay", giám đốc điều hành của công ty chia sẻ.
Ngoài ra, các nhà sản xuất dệt may cũng đã quyết định tăng sản lượng tại đất nước hình chữ S. Tháng 12 năm ngoái, Huafu Fashion cho biết đã đầu tư 362 triệu USD để xây dựng nhà máy ở Việt Nam nhằm tránh hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên. Không những vậy, việc này còn giúp công ty tiếp cận được nguồn nguyên liệu cũng như lao động giá rẻ.
Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương chính thức ở Trung Quốc đã tăng 44% lên 6.193 Nhân dân tệ/tháng trong 5 năm qua. Đó là con số lớn so với mức tăng 30% của Việt Nam, 28% của Malaysia và 11% của Mexico.
Các nhà phân tích cho biết chi phí gia tăng cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nội địa chia tay sân nhà, thậm chí ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế leo thang dữ dội. Và giờ đây, những gì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đem lại chính là “giọt nước tràn ly”, thúc đẩy xu hướng này nhanh hơn.
Theo ông Darren Tay, nhà phân tích rủi ro tại Fitch Solutions, điều này có khả năng mang lại lợi ích cho các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
![]() |
Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện chính sách "giữ chân" nhưng các công ty Trung Quốc cảm thấy việc dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài là điều cần thiết. Ảnh: SCMP. |
Ông Rajiv Biswas - nhà kinh tế tại IHS Markit ở Singapore - nhận định mức lương cạnh tranh không chỉ là điều thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến những quốc gia này, mà còn phụ thuộc vào lực lượng lao động lành nghề, được giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng chất lượng và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các quốc gia đều hoan nghênh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc như từ bất kỳ đất nước khác, thì họ cũng dè chừng, tránh để đối tác lợi dụng nhằm "thoát khỏi" đòn thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng gần đây đã tuyên bố áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại từ Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.
Gửi bình luận