![]() |
Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: IT. |
DHL Express và Trường kinh doanh Stern của Đại học New York (Mỹ) vừa công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (Global Connectedness Index 2020 – GCI 2020).
Báo cáo phân tích toàn diện đầu tiên về toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người khắp 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Dữ liệu gần đây cho thấy Hà Lan một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số kết nối toàn cầu của các quốc gia. Singapore, Bỉ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ireland lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo trong top 5.
Singapore dẫn đầu về chỉ số tương quan giữa dòng chảy quốc tế so với các hoạt động quốc nội. Ngoài ra, Anh Quốc có sự phân bổ các dòng chảy khắp toàn cầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Với 8 trong số 10 nước có chỉ số kết nối toàn cầu cao nhất, Châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về toàn cầu hóa. Hơn nữa, Châu Âu còn dẫn đầu về dòng chảy thương mại và dòng chảy con người, trong khi Bắc Mỹ là khu vực hàng đầu về dòng chảy thông tin và dòng vốn.
Các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Việt Nam và Malaysia đứng đầu danh sách các nền kinh tế có thành tích ấn tượng về dòng chảy quốc tế, trong đó các chuỗi cung ứng ở cấp độ khu vực đóng vai trò chính trong thành tích của các quốc gia này.
Theo DHL, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý.
Việt Nam đặc biệt vượt trội về chiều sâu (tương quan giữa dòng chảy quốc tế và hoạt động quốc nội) với vị thế dẫn đầu, lẫn chiều rộng (việc các dòng chảy quốc tế được trải rộng khắp toàn cầu hay ở phạm vi hẹp hơn).
Ngoài ra, Việt Nam có thành tích tốt nhất xét về dòng chảy thương mại và xếp thứ 5 nói chung. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao.
Ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam nhận định: “Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến được lựa chọn của các doanh nghiệp đang muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình. Các doanh nghiệp này bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và lành nghề của Việt Nam, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (ví dụ như hiệp định EVFTA gần đây với Liên minh châu Âu) và sự ổn định chung của xã hội. Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều công ty công nghệ cao, cũng như ngày càng nhiều công ty thời trang và may mặc, đang có kế hoạch chuyển đến Việt Nam hoặc mở rộng năng lực sản xuất của họ tại đây”.
“Từ trước đến nay, thương mại luôn kết nối mọi người, gia tăng sự thịnh vượng và thúc đẩy các nền văn minh – điều đó vẫn sẽ không thay đổi. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để đóng góp cho sự phát triển của thương mại toàn cầu, và DHL sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để đảm bảo rằng chúng tôi có thể hỗ trợ nhu cầu đến từ các khách hàng của mình tại đây”, ông Shoeib nói thêm.
Gửi bình luận