Nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó vào “guồng”

Quốc Hải Thứ hai, ngày 27/09/2021 14:00 PM (GMT+7)
Kế hoạch mở cửa kinh tế đã được công bố, doanh nghiệp (DN) cũng nóng lòng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế triển khai mới thấy “guồng máy” hoạt động trở lại vẫn mắc kẹt ở nhiều điểm nghẽn, nên sẽ vẫn khó vận hành trơn tru khi mở cửa trở lại...
Bình luận 0

Thời điểm này, nhiều DN đang xây dựng cho mình các kế hoạch hoạt động trở lại, nhưng việc cân chỉnh lại bộ máy sản xuất tương đối khó khăn vì phải tính toán nhiều giải pháp để đảm bảo vừa duy trì ổn định bộ máy sản xuất vừa phục hồi các chỉ tiêu kinh doanh. Trong đó, với đa phần các DN vừa và nhỏ, lo lắng về khoản chi phí xét nghiệm đội lên cao, lao động thiếu hụt... vẫn là lớn nhất.

Nặng gánh chi phí xét nghiệm

Theo chia sẻ của nhiều DN, chi phí xét nghiệm Covid-19 là một trong những khoản không tạo ra hiệu suất kinh doanh nhưng lại là khoản phải lo đầu tiên khi DN mở cửa hoạt động trở lại. Đặc biệt, với những quy định phải xét nghiệm liên tục như hiện nay, nhiều DN cho rằng khó trụ được lâu vì tình hình tài chính đã cạn kiệt sau hơn 4 tháng giãn cách.

Hơn một tuần nay, ông Lê Quang Mỹ, giám đốc một công ty thực phẩm tại Bình Chánh đang gấp rút chuẩn bị phương án hoạt động trở lại. Sau khi rà soát lại lượng nhân công và bố trí lại nhà xưởng, tăng cường y tế tại chỗ thì chi phí xét nghiệm lại là điều khiến ông Mỹ lo lắng nhất. Bởi, với lượng nhân sự gần 100 người, nếu tổ chức xét nghiệm hàng tuần thì chi phí sẽ mất khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng, trong khi đơn hàng chưa ổn định, dòng tiền đang cạn,...

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó vào “guồng” - Ảnh 1.

Chi phí xét nghiệm đang là nỗi lo lắng lớn của các DN khi hoạt động trở lại - Ảnh minh họa: Đại Việt

"Mấy tuần qua để chuẩn bị cho mở cửa trở lại, tôi có nhờ mấy đơn vị đối tác, bạn hàng tìm kiếm các nguồn mua kit xét nghiệm nhanh với giá tốt, nhưng mức thấp nhất cũng 110.000 đồng/kit. Nếu cứ gánh khoản chi phí này thời gian dài không biết DN có cầm cự nổi không", ông Mỹ, chia sẻ.

Không chỉ DN có kế hoạch mở cửa trở lại đang lo lắng vì chi phí xét nghiệm, nhiều DN hoạt động "3 tại chỗ" thời gian qua cũng cho biết đang "đuối sức" trong khoản chi phí xét nghiệm, và sẽ càng thêm khổ trong thời gian tới.

Bởi, chi phí một lần xét nghiệm trung bình khoảng 200.000 đồng/người, nếu DN có 100 lao động sẽ mất khoảng 20 triệu/lần, trong khi đó theo quy định mới là 5-7 ngày phải xét nghiệm lại.

"Hiện nay, các DN mới chỉ thực hiện test theo quy định, chưa có hướng dẫn về phân bổ chi phí. Chính vì vậy khoản chi này vẫn đang treo, chưa thể tính vào hạch toán và cũng không biết có được nhận hỗ trợ hay không" - ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), băn khoăn.

Tại Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre (quận Tân Phú, TP.HCM), đơn vị này hiện đang phải lo chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy. Tính ra mỗi tháng, DN này cũng mất gần nửa tỷ đồng cho riêng hoạt động này.

Là DN hoạt động "3 tại chỗ" từ nhiều tháng nay, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng, sau ngày 30/9, thành phố nên giãn thời gian xét nghiệm cho người lao động khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được 14 ngày. Bởi, theo quy định hiện nay, việc xét nghiệm phải thực hiện 7 ngày/lần với nhóm lao động thông thường và 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao, đang khiến DN tốn rất nhiều chi phí.

"Tôi cho rằng điều nay không thực sự cần thiết khi lao động công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được 14 ngày. Tôi nghĩ, nên giảm tần suất xét nghiệm cho DN, thay vì một tuần, thành phố có thể cho phép xét nghiệm 1 tháng/lần", ông Thiện đề xuất.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó vào “guồng” - Ảnh 3.

Kiểm tra bữa an cho công nhân "3 tại chỗ" tại Vissan - Ảnh: DNCC

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng băn khoăn, theo quy định hiện hành, nếu toàn bộ công nhân đều phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày hoặc 7 ngày một lần thì chi phí rất lớn, là gánh nặng cho DN. Vì vậy, ông đề nghị thay vì làm xét nghiệm đồng loạt thì nên làm có trọng tâm, đúng đối tượng.

Lo thiếu nguồn "lao động xanh"

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, kiêm TGĐ Việt Thắng Jeans, cho hay, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM bùng phát mạnh, đã có một làn sóng "di dân" rất lớn từ thành phố về các địa phương để tránh dịch; trong đó, bao gồm cả các công nhân của các nhà máy phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng sản xuất để chống dịch.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có số liệu thống kê nào về số lượng lao động đã rời thành phố và cũng chưa có một đơn vị nào đề cập đến kế hoạch đưa lao động từ các tỉnh về lại thành phố để phục hồi hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.

"DN rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì DN chưa nắm được", ông Việt bày tỏ lo ngại.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó vào “guồng” - Ảnh 4.

Chuẩn bị chỗ ngũ cho công nhân 3 tại chỗ tại Công ty Mỹ Hảo - Ảnh: DNCC

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cũng cho hay, khi mở cửa trở lại, vấn đề lớn hiện nay với nhiều DN ngành chế biến gỗ chính là thiếu hụt nguồn lao động.

"Các DN ngành gỗ tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 -50% số lượng lao động. Do đó, những lao động không tham gia sản xuất "3 tại chỗ" đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các DN muốn phục hồi lại quy mô sản xuất thì phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hơn 60% lao động so với trước dịch, trong đó, những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó tuyển mới", ông Phương nói.

Còn theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, không chỉ lao động về quê không trở lại mà ngay cả lao động hoạt động "3 tại chỗ" trong thời gian qua cũng rất nản.

"Việc mở cửa trở lại, ngoài việc chưa tuyển được người mới thì nguy cơ mất đi người cũ cũng rất dễ xảy ra vì họ sẽ bỏ về quê. Đó là một nỗi lo mà DN cũng cần tính đến", ông Thiện lo lắng.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), với những nhà máy có thể thực hiện sản xuất, thì cũng chỉ huy động được 10-50% số lượng công nhân, nhưng số DN huy động được 50% lao động là rất ít, chủ yếu chỉ huy động được khoảng 20-30% công nhân, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Với tình hình như vậy, chỉ có 30-40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Vasep dự báo, trung bình để khôi phục được 50% công suất cần đến 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất phải mất đến khoảng 1,5-2 năm. Tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào độ phủ vaccine…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem